Đón chờ 2 hiệp định thương mại tự do mới:

Nhiều doanh nghiệp mơ hồ, thụ động

Thủy sản Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu vào Hàn Quốc, Nga, Belarus, Kazakhstan với các FTA sắp được ký kết. Ảnh: Phạm Anh.
Thủy sản Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu vào Hàn Quốc, Nga, Belarus, Kazakhstan với các FTA sắp được ký kết. Ảnh: Phạm Anh.
TP - Với 2 Hiệp định tự do thương mại (FTA) vừa ký ghi nhớ kết thúc đàm phán, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam dường như có tâm thế thụ động. Các mặt hàng có lợi cho xuất khẩu như nông nghiệp, thủy sản, dệt may cũng không mấy vui; trong khi ngành cơ khí, luyện kim đang như “ngồi trên đống lửa”.

Hầu hết lơ mơ

Việt Nam vừa chính thức ký ghi nhớ kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA). Dự kiến, việc ký kết chính thức hiệp định sẽ thực hiện trong đầu năm 2015. Theo đó, Hàn Quốc và Liên minh hải quan sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu với nhóm hàng nông, thủy sản (tôm, cá, hoa quả, tỏi, gừng, mật ong), dệt may, đồ da, đồ gỗ. Về phần mình, Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc và Liên minh hải quan các nhóm hàng công nghiệp, như: Nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, phương tiện vận tải, điện gia dụng, sản phẩm sắt thép…

Tuy 2 FTA đã cơ bản hoàn thành, các DN Việt Nam vẫn chưa nắm được nhiều, chủ yếu mới biết thông tin kết thúc đàm phán. Những nội dung quan trọng về các điều khoản, dòng thuế cắt giảm DN vẫn chưa rõ, chưa chuẩn bị để nắm bắt cơ hội và đối phó thách thức các FTA này mang lại.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Cty Cơ khí Duy Khanh (TPHCM, sản xuất máy móc, thiết bị, khuôn mẫu), nói: Biết có đàm phán về hai hiệp định này, nhưng không hiểu gì về nội dung sắp ký. “Dù có FTA hay không, nhiều hàng cơ khí, máy móc nhập về Việt Nam đã có thuế 0%. Trước nay DN cũng đã khó, muốn chuẩn bị cũng không biết gì, nên DN thấy làm được gì thì làm”, ông Tống nói.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, chỉ một số DN trong hiệp hội theo dõi thông tin về 2 FTA này và có chuẩn bị để đón đầu. “Hầu hết DN cơ khí hiện nay quy mô nhỏ, đi lên từ hộ gia đình, kiếm được cái gì làm cái đó. Dù có biết về hiệp định, muốn đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng không được do thiếu vốn”, ông Long nói.

Tương tự, ông Hồ Nghĩa Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam- VSA) cho biết, ông chưa được tiếp cận với những nội dung VKFTA và VCUFTA. “Dòng sản phẩm nào được miễn giảm thuế, lộ trình ra sao tôi chưa nắm được. Kiến nghị của hiệp hội có được tiếp thu hay không tôi cũng không rõ, nên chưa nói được gì”, ông Dũng nói. Theo đó, ông Dũng chỉ hy vọng những đề xuất về lộ trình cắt giảm thuế với một số sản phẩm thép nhập từ Nga sẽ được tiếp thu, để DN có thời gian đầu tư cải thiện sức cạnh tranh.

Kẻ cười, người khóc

Khi VKFTA và VCUFTA chính thức có hiệu lực (dự kiến năm 2015), các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, da giày, dệt may… kỳ vọng sẽ được lợi nhất. Trong khi đó, các DN luyện kim, cơ khí đang như “ngồi trên đống lửa”, khi phải cạnh tranh khốc liệt với máy móc, thiết bị, sắt thép từ Nga, Hàn Quốc tràn vào Việt Nam nhờ ưu đãi thuế.

Ông Đào Phan Long cho biết, khi 2 FTA trên có hiệu lực, ngành cơ khí sẽ gặp khó khăn nhất. “Ngành cơ khí lâu nay ít được quan tâm nên công nghệ lạc hậu, quản ly, yếu kém. Các bộ, ngành và địa phương trước đây đua nhau đầu tư, không quy hoạch, không hợp tác để tạo thành chuỗi sản phẩm… nên yếu là chắc chắn”, ông Long nói. Tuy vậy, khi đã tham gia “cuộc chơi” phải chấp nhận. Theo ông Long, quan trọng hiện nay là đội ngũ quản lý để đưa ra hàng rào kỹ thuật phi thuế quan, không vi phạm hiệp định và bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, các DN cơ khí cũng phải tổ chức lại sản xuất, lựa chọn dòng sản phẩm chính (không phải cái gì cũng làm). “Phải có một cơ quan chuyên môn cấp bộ, với những người hiểu về cơ khí đứng ra tổ chức, mới hy vọng vực được ngành cơ khí hiện nay”, ông Long nói.

Dệt may, da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hứa hẹn được lợi từ hai hiệp định mới. Năm 2014, tổng giá trị hàng dệt may xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ cán mốc 2 tỷ USD, với mức tăng trưởng 30-40%/năm. Tuy nhiên, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, vẫn chưa rõ nội dung 2 FTA mới là gì. Do đó, cũng không biết FTA Việt Nam - Hàn Quốc ưu đãi thuế, quy định xuất xứ hàng hóa với sản phẩm dệt may thế nào, khác gì FTA ASEAN - Hàn Quốc đang thực hiện. “FTA ASEAN - Hàn Quốc đã giảm thuế cho hàng dệt may Việt Nam, đồng thời quy định về xuất xứ (yêu cầu khó nhất với dệt may Việt Nam, do nước ta chủ yếu nhập nguyên phụ liệu) cũng rất thuận lợi. Hiện, hàng hóa chỉ cần xuất xứ từ khâu cắt, may là được ưu đãi thuế, chưa biết FTA mới tốt hơn gì nữa”, bà Dung nói.

Với hàng dệt may vào Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, lãnh đạo một DN xuất khẩu cho biết, thị trường này hàng dệt may của Việt Nam xuất sang chưa nhiều. Do dệt may Việt Nam phải chịu thuế cao, xuất khẩu phải qua hệ thống trung gian và thanh toán gặp khó khăn (phải chuyển tiền qua ngân hàng thứ 3).

Với hàng thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, hiện các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản đang rất kỳ vọng vào 2 FTA mới. Hàn Quốc chiếm 10% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong khi Liên minh hải quan dù tiềm năng nhưng chưa khai thác được nhiều (Nga bỏ lệnh dừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam từ tháng 8 vừa qua). 

Với VCUFTA, ông Hòe hy vọng không chỉ tăng xuất khẩu, bất cập trong thanh toán sẽ được cải thiện thuận lợi hơn cho DN Việt. Tuy vậy, ông Hòe lưu ý, các DN cần chú trọng hơn chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm.

MỚI - NÓNG