Nhiều lỗ hổng trong ngành chăn nuôi

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Bộ Công Thương vừa có báo cáo về những lỗ hổng cần xem xét đối với thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam và cho rằng, doanh nghiệp (DN) nội cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền của các công ty nước ngoài.

DN nội phải chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. So với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn 15 - 20%, dẫn đến sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh.

Theo Bộ Công Thương, số liệu từ Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi cho thấy, cả nước có khoảng 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 là của các liên doanh và DN 100% vốn nước ngoài (FDI). Số nhà máy liên doanh và FDI không nhiều song công suất lớn, sản lượng cao, chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với DN trong nước.

Thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số Cty FDI. Các DN này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước. Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đang chiếm thị phần cao nhất trong sản xuất thức ăn gia súc tại Việt Nam, ở mức 19,42%, tiếp đến là Cty TNHH Cargill Việt Nam - khoảng 8,11%, Cty Proconco - 7,51%...

Bộ Công Thương cảnh báo, việc dịch vụ thú y cũng bị chi phối bởi các công ty nước ngoài dẫn đến nguy cơ thị trường thiên lệch, sử dụng quá nhiều loại thuốc giá đắt, gây thiệt hại cho nông dân. Ngoài ra, hệ thống giết mổ, phân phối thịt yếu kém, tình trạng nhập lậu thịt chất lượng kém… cũng là những mối đe dọa.

“Việc thị trường thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài, khi các DN này chiếm phần lớn thị phần và có khả năng điều khiển thị trường có thể gây tổng thiệt hại xã hội hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm theo tính toán.

Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược và quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước, kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt qua biên giới theo đường tiểu ngạch, siết chặt vấn đề vệ sinh môi trường, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại hệ thống giết mổ, phân phối sản phẩm thịt”, Bộ Công Thương khuyến nghị.

MỚI - NÓNG