Nhiều “ông lớn” bết bát, nợ đầm đìa

TP - Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, có “ông lớn” còn vượt hơn 150 lần.

Tại cuộc họp báo mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015, cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty.

Quản lý thiếu chặt chẽ, nợ khó đòi lớn

Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều “ông lớn” quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Điển hình như Tổng Cty Văn hóa Sài Gòn – Cty mẹ với trên 65,4 tỷ đồng, chiếm tới 38,68% nợ phải thu; Cty Cổ phần Mía đường La Ngà thuộc Tổng Công ty Mía đường II hơn 17 tỷ đồng; Cty Cổ phần Ngân Sơn (Vinataba) 38 tỷ đồng... Tại PVN, công ty mẹ cũng còn tồn tại hơn 452 tỷ đồng; Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVN) trên 37 tỷ đồng, đơn vị thuộc Vinalines là Cty Cảng Sài Gòn hơn 313 tỷ đồng số nợ phải thu quá hạn...

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ, chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp và cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, với cơ chế hiện nay thì tình trạng làm ăn thua lỗ tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước “không có gì mới”. 

“Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước rất khó có thể theo đuổi các mục tiêu kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, khi chúng ta đã có chủ trương mở rộng cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển”, ông Lịch nói và cho rằng, với cơ chế trả lương tối đa hơn 30 triệu đồng/ tháng cho tổng giám đốc, sẽ không thể tạo ra động lực. 

Trong khi đó, các tập đoàn tư nhân sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đô la mỗi năm cho một tổng giám đốc đủ tầm để quản lý, kinh doanh mà vẫn không tìm được.

Bết bát đầu tư bất động sản

Một trong những điểm bất cập được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là tình hình kinh doanh ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều có dự án chậm tiến độ, một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư, như: Vinalines 1 dự án, Tổng Cty Văn hoá Sài Gòn 3 dự án, Vinataba 1 dự án, PVN 4 dự án... Tại EVN có tới 154/435 dự án nhóm A, B (chiếm 35,4%) phải điều chỉnh, phê duyệt lại tổng mức đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao như tại Vinalines: Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau hơn 153 lần, Cty TNHH MTV Cảng Năm Căn trên 17 lần; Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô 40 lần; Công ty cổ phần đầu tư Cảng Cái Lân 27 lần; Cty mẹ Hapro 4 lần; Cty mẹ Tổng Công ty Sông Đà hơn 4 lần cùng hàng loạt các công ty con khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự...

Kiểm toán cũng chỉ rõ, nhiều đơn vị như EVN và PVN cũng chưa mở tài khoản tại ngân hàng để theo dõi riêng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định. Một số đơn vị cũng chưa tuân thủ quy định về quản lý tiền lương, trích vượt quỹ tiền lương .

Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; Mobifone chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mại, xác định và báo cáo giá thành, giá cước dịch vụ viễn thông; Tổng Cty Dầu Việt Nam – Cty TNHH MTV thuộc PVN kinh doanh xăng dầu chưa đúng quy định, áp dụng tỷ lệ hao hụt định mức trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia đã lạc hậu, không phù hợp...

MỚI - NÓNG