Những “bóng hồng” quyền lực trên thị trường chứng khoán Việt

Chân dung những phụ nữ giàu có và quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chân dung những phụ nữ giàu có và quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sở hữu hàng chục đến hàng nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán, trong số những người phụ nữ giàu nhất thị trường hiện nay, không ít người được mệnh danh là "nữ tướng", "hoa lạc giữa rừng gươm" để nắm quyền quản lý cao nhất tại những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, hoạt động trong những lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho phái mạnh.

Theo một khảo sát của Tập đoàn UBS và PwC vừa công bố về giới tỉ phú trên toàn cầu, trong vòng 2 thập kỷ qua số tỉ phú nữ đã tăng gấp 6,6 lần, trong đó, châu Á hiện đang chiếm 1/5 tổng số nữ tỉ phú trên toàn thế giới. Tại đây, số nữ tỉ phú đã tăng mạnh nhất trong 10 năm qua, tăng tới 8,8 lần.

Tại Việt Nam, vai trò của người phụ nữ trong xã hội nói chung và trên thương trường nói riêng đang ngày càng được đề cao và coi trọng. Điều này thể hiện rất rõ qua danh sách những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán - một kênh thông tin có thể nhìn thấy phần nào lượng tài sản mà các "nữ đại gia" đang nắm giữ, chưa kể những dạng tài sản khác như bất động sản, tiền mặt, ngoại tệ v.v...

Theo đó, để lọt vào Top 50 người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm hiện tại, ít nhất phải có 53 tỉ đồng. Hiện hai người đang chốt lại danh sách này là bà Nguyễn Thị Như Hằng (nắm hơn 402 nghìn cổ phiếu Vinamilk) và bà Vương Bửu Linh (nắm 2 triệu cổ phiếu KDC và hơn 79 nghìn cổ phiếu SVC).

Trong khi đó, người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt vẫn tiếp tục là bà Phạm Thu Hương. Với việc sở hữu 91,8 triệu cổ phần Tập đoàn Vingroup, bà Hương đang có 4.205 tỉ đồng. Bà là phu nhân của người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam.

Em gái bà Hương là bà Phạm Thúy Hằng cũng sở hữu tới 2.808 tỉ đồng thông qua việc nắm giữ 61,3 triệu cổ phần Vingroup, xếp thứ hai danh sách những người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt. Trong một thời gian dài, chưa nữ tỉ phú nào của Việt Nam thay thế được hai vị trí dẫn đầu của danh sách này.

Tại Vingroup, bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng đều giữ chức vụ quan trọng là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn. Tuy nhiên, đối với truyền thông, hai nữ tỉ phú lại rất "kín tiếng" và hầu như không có bức ảnh nào của cặp chị em quyền lực này.

Tương tự, rất khó để tìm kiếm hình ảnh bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát). Với 53,4 triệu cổ phần HPG, bà Hiện hiện có xấp xỉ 1.500 tỉ đồng.

Một vị phu nhân khác cũng sở hữu khối tài sản khổng lồ không kém là bà Nguyễn Hoàng Yến - phu nhân ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group). Trong khi ông Quang chỉ nắm một vài cổ phiếu của tập đoàn thì bà Yến là cổ đông cá nhân lớn nhất Ma San với 2.057 tỉ đồng tài sản cổ phiếu (27,6 triệu cổ phần Masan Group và hơn 200 nghìn cổ phần Hàng tiêu dùng Masan).

Nữ tỉ phú 53 tuổi này hiện đang đồng thời kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại Tập đoàn Ma San như: Thành viên HĐQT Tập đoàn Masan Group; Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Hàng tiêu dùng Masan; Thành viên HĐQT CTCP Vinacafe Biên Hòa, Thành viên HĐQT CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo.

Danh sách những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam hiện nay cũng ghi nhận sự góp mặt của những "nữ tướng" đầy quyền lực tại những doanh nghiệp lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể kể đến bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn. Bà Khanh hiện có 1.240 tỉ đồng trong tài khoản chứng khoán nhờ sở hữu hơn 45 triệu cổ phần tại Vĩnh Hoàn.

Được ví là "hoa lạc giữa rừng gươm", bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) đang nắm giữ xấp xỉ 19,7 triệu cổ phần tại doanh nghiệp này tương ứng gần 500 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Thanh còn là Thành viên HĐQT tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại và Thành viên HĐQT Công ty Tài chính cổ phần Điện lực.

Bà Thanh từng chia sẻ: "16 tuổi tôi làm mọi thứ. Chẻ củi, tải gạo, lội sông, lội suối như đàn ông. Tôi luôn cố gắng quên mình là con của một cán bộ để sống như mọi người, càng không cho phép xem mình là phụ nữ để gây khó khăn cho người khác".

Xuất thân là một kỹ sư, song bà Thanh đã tạo ra những cột mốc lớn khi đưa REE trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên…

Mặc dù đã rời ghế Chủ tịch HĐQT Vinamilk, nhưng bà Mai Kiều Liên hiện vẫn đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp này. Gắn bó với Vinamilk từ những ngày đầu, hiện bà Liên đang có 427 tỉ đồng cổ phiếu và mới đây, lần đầu tiên kể từ khi Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán, bà Liên mới đăng ký mua vào thêm 118.140 cổ phần của công ty (tương đương khoảng 15 tỉ đồng).

Bà Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam lọt vào Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (tính tới tháng 3/2012). Năm 2015, bà tiếp tục được Tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách này, ngoài ra bà còn là 1 trong 3 cá nhân và tổ chức nhận giải thưởng Nikkei châu Á. Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC) đã gọi bà Mai Kiều Liên là “nữ hoàng sữa” và “Margaret Thatcher của Việt Nam”.

Trong danh sách này cũng không thể không kể đến bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG). Từ một doanh nghiệp gỗ, với sự lãnh đạo của bà Loan, doanh nghiệp này đã chuyển hướng kinh doanh đa ngành và hiện tại là một trong những "ông lớn" về bất động sản.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cũng góp mặt vào danh sách những nữ tỉ phú hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam. Bà Dung hiện có gần 390 tỉ đồng cổ phiếu PNJ. Ngoài ra, bà Dung còn sở hữu gần 9,7 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á (DongABank), ngân hàng do chồng bà (ông Nguyễn Phương Bình) làm Tổng giám đốc.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG