Nước mắt 'vua kẹo kéo'

Thời hoàng kim của kẹo kéo giúp Trần Vương Long (50 tuổi) tậu được mấy căn nhà, trong tay quản lý hàng trăm đệ tử. "Tập đoàn" kẹo kéo dưới sự chỉ huy của Long tung hoành ngang dọc khắp Sài thành và bành trướng xuống nhiều tỉnh miền Tây.

Nhưng hào quang ngắn chẳng tày gang.., 20 năm bám đuôi loa thùng, "vua kẹo kéo" đã phải cầm cố căn nhà cuối cùng, bán hết những gì đã có, giải tán "tập đoàn", quay về túp lều ven kênh (quận 7, TP HCM) ẩn náu.

1. Chân dép tổ ong, mình trần bê bết đất cát kéo xe xà bần từ dưới kênh lên, chạm người lạ, "Long kẹo kéo" nở nụ cười nhạt thếch khi có người hỏi nghề. Chẳng buồn nhìn, ông buông lời: "Tôi bỏ nghề rồi". 20 năm trước, người ta biết đến Trần Vương Long không phải là công tử con gia đình quan chức có tiếng.

Cũng không phải doanh nhân buôn may bán đắt, đi mây về gió. Tên tuổi Long nổi đình nổi đám với nghề kẹo kéo. TP Hồ Chí Minh những năm 90, hễ nhắc đến "Long kẹo kéo" thì ai cũng phải ngả mũ kính nể. Cái nghề bám đuôi loa thùng, gào thét khản cổ rồi ngửa tay bán từng viên kẹo, vậy mà khiến Long vui sướng nhất, tự hào nhất và cũng cay đắng, ê chề nhất. 

Long từng có mười mấy năm làm công chức nhà nước, nhưng vì nhiều lý do mà ông rũ bỏ tất cả, dắt theo vợ từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh. Vợ chồng Long lao vào kinh doanh, buôn bán. Việc làm ăn của Long phất lên như diều gặp gió. Có chút vốn, Long ngắm đến vùng đất Bình Thuận đầu tư làm ăn. Ông trút toàn bộ vốn liếng có được thuê mấy chục héc ta đất trồng nhãn. Ba năm vun trồng mong đến ngày hái quả thì Long bị kẻ khác lừa, hớt tay trên.

Nước mắt 'vua kẹo kéo' ảnh 1

"Vua kẹo kéo" thẫn thờ kể về nghề.

Hai vợ chồng chết đứng, vùng vẫy cứu vớt thành quả nhưng lực bất tòng tâm. Long ôm hận quay trở về TP Hồ Chí Minh với hai bàn tay trắng. Đang vô định thì gặp được người bạn đồng hương, ông rỉ vào tai Long mánh làm ăn bằng việc đi bán kẹo kéo. Ông sẵn sàng truyền dạy cho Long những ngón nghề "gia truyền" để có thể tồn tại, sống được bằng nghề kẹo kéo.

Long vay mượn bạn bè đóng hộp đựng kẹo kéo, mua bộ loa thùng và bắt đầu hành nghề. Nghề kẹo kéo bắt buộc người bán phải thuộc và hát được nhiều bài hát ở nhiều thể loại. Việc đầu tiên thách thức Long là vấn đề hát hò, mà khoản đó thì Long rất yếu. Ông nghĩ ra cách thu phục đệ tử. Đệ tử ở nghề này muôn phần muôn kiểu, thường là thanh niên bất hảo, không đầu trộm đuôi cướp thì cũng xì ke ma túy.

Long kể: "Phương (quận 8) trước đó nghiện ma túy rất nặng, là thành phần bất hảo, cha mẹ không dạy nổi. Tôi gặp Phương lang thang ở chân cầu, tôi bảo về nhà tôi mà ngủ, đói cứ nói bà xã cho ăn cơm. Nhưng hãy bỏ ma túy và làm lại cuộc đời. Phương trợn trừng mắt nhìn tôi như con hổ đói rồi bỏ đi. Hôm sau lại gặp Phương ở đó, ngồi dặt dẹo, trông như sắp chết. Lần này thì Phương đồng ý về nhà tôi.

Tôi bảo cứ nghỉ ngơi thật thoải mái rồi khỏe muốn làm gì thì làm. Vài hôm sau, Phương xin tôi cho học nghề kẹo kéo. Cậu ta có chất giọng rất hay, hay hơn ca sĩ. Sống cùng tôi, Phương cai hẳn ma túy. Đêm đi hát bán kẹo kéo, tối về ngủ. Chỉ được ba tháng đẩy xe kẹo kéo, Phương gặp lại những "con nghiện" cũ, nó như lửa gặp rơm. Phương quay trở lại con đường cũ và ngày càng chìm ngập với "cái chết trắng". Tôi giận quá tuyên bố từ bỏ thằng đệ tử này".

Những đêm đẩy xe đi bán, hễ gặp thanh niên nào dật dờ ngoài đường là Long gọi lại hỏi thăm, sau đó ông dắt về nhà cho ăn uống. Thanh niên thấy thế thì ở lại và nhận Long làm đại ca. Cứ thế, người nọ dắt mối người kia, xe kẹo kéo của Long chẳng mấy mà phát triển thành một tập đoàn hùng hậu với các thành phần "trời dạy". Nhưng dưới sự chỉ huy của Long, không đứa nào dám vênh váo, qua mặt đại ca. Họ khâm phục lối chơi đẹp của người đàn ông này.

Một lần nhà bị mất xe máy và toàn bộ đồ nghề bán kẹo kéo. Sau khi sàng lọc đối tượng nghi vấn, Long nhận định kẻ cắp chính là một đàn em tên Đực quê Phú Yên. Ngay trong đêm, Long cùng một đệ tử nữa phóng xe máy về Phú Yên quyết tâm tìm cho ra hung thủ và lấy lại những gì đã mất. 3 giờ chiều hôm sau, Long có mặt ở Phú Yên. Đệ tử này khi thu nhận không hề có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào, Long chỉ nhớ mang máng hắn quê ở xã Hòa Vang của tỉnh Phú Yên.

Đực cũng không phải tên thật mà chỉ là biệt danh. Rất may là cán bộ xã xác nhận địa phương có thanh niên tên Phú Yên, nhưng ở nhà mọi người vẫn gọi là Đực. Long nhờ  Công an xã đưa tới nhà Đực. Vừa nhìn thấy Long, Đực như muốn ngã khụyu xuống. Anh ta quỳ lạy Long như tế sống rồi khóc lóc. Bà chị gái bấu vào chân Long van xin thảm thiết: "Mong ông tha cho thằng Đực, để nó sống mà nuôi mẹ già. Cha tôi nghiện rượu vào nhà người ta ăn trộm mướp vừa bị đánh chết mấy ngày".

Long giật mình nhìn lên bàn thờ, khói nhang vẫn nghi ngút. Long quay sang xin mấy anh Công an: "Mong các anh tha cho Đực, tôi sẽ làm giấy cam kết và bảo lãnh cho nó". Vậy là Long phải viết giấy cam đoan là không hề mất của và Đực không phải là hung thủ. Long ra về, tặng luôn chiếc xe cho Đực làm phương tiện đi lại. Trước khi đi, Long quay lại dặn Đực: "Khi nào khó khăn, không có nơi nào đi thì cứ tìm đến anh".

Gần 10 năm sau, Đực xuất hiện trước nhà "đại ca Long" trên cương vị ông chủ xưởng gỗ. Đực trưởng thành và sừng sỏ hơn xưa, biết làm ăn ngoài xã hội, nhưng trước mặt Long, Đực vẫn cúi đầu. Vì đâu mà một người bán kẹo kéo lại có uy lực đến thế? Long cười sang sảng: "Tôi chưa bao giờ đánh ai, cũng không ai đánh tôi. Đi bán kẹo kéo cũng không tranh giành lãnh địa, không cướp khách của người khác. Người ta nể tôi bởi tôi đã cảm hóa được những thanh niên không sợ trời, chẳng sợ đất”.

Nước mắt 'vua kẹo kéo' ảnh 2

Ông làm đủ nghề để sống.

2. Thấy nghề bán kẹo kéo có thể sống được, nhiều đàn em của Long tách ra làm riêng, trở thành những ông chủ. Một thời, khắp các ngả đường, quán nhậu ở TP Hồ Chí Minh đều xuất hiện người bán kẹo kéo. Loa thùng ngổn ngang, chan chát kèm theo những bài hát đủ mọi thể loại.

Xe này chưa đi xe khác lại tới, tiếng nhạc kẹo kéo trở thành âm thanh quen thuộc trong các quán nhậu. Địa bàn bị thu hẹp, Long dắt đàn em đi dọc các tỉnh miền Tây. Bà con ở quê nghèo đói nhưng lại mê nhạc. Hễ thấy xe hát kẹo kéo đến là mọi người bỏ hết công việc đứng thẫn thờ nghe. Xe đi đến đâu họ đuổi theo đến đó chỉ để được nghe "ca sĩ" hát nhạc "sống".

Có ngày gánh hát khan hết cổ, mỏi nhừ chân mà không bán được chiếc nào. Trời sẩm tối, một ông cụ mang ra cho anh em đĩa trái cây ăn cho thanh giọng, ông thật thà cho biết: "Ở quê nghèo lắm, không ai có tiền mua kẹo đâu. Trẻ con từ sáng đến giờ nuốt không biết bao nhiêu nước miếng rồi". Nghe thương quá, Long bảo đệ tử xổ thùng ra, chia cho tất cả trẻ em ở đây. Rồi ra lệnh cho "ca sĩ" tiếp tục hát phục vụ miễn phí bà con. 

Đến Châu Đốc (An Giang), qua "ngã ba đau khổ", gánh hát của Long đứng cả buổi trời trong cái nắng rát mặt, gào hát tưởng như vỡ loa vẫn không có ai mua dù chỉ một cái. Buồn quá, đệ tử hát bài "Kiếp mèo hoang". Tiếng hát não nề, sầu thảm nói về sự khốn cùng của kiếp người. Vừa hát xong, có mấy cô chạy từ trong lều tranh ra ôm mặt khóc. Thì ra bài hát đã chạm tới đáy lòng những người đàn bà làm nghề "bán hoa". Các cô hùn nhau dúi vào túi đoàn bán kẹo kéo 500 ngàn đồng, nhưng Long ra hiệu cho đệ tử không nhận. Suốt đêm hôm ấy, gánh hát của Long dừng ở ngã ba, hát đi hát lại bài "Kiếp mèo hoang".

Đến Kiên Giang, đệ tử Vi Văn Hợi vì hát hay quá đã khiến cô thôn nữ đổ ngả đổ nghiêng, rồi cứ cuốn lấy anh chàng này không chịu rời. Không nỡ phụ lòng gái quê, chàng trai bán kẹo kéo cũng đáp lại bằng một tình cảm nồng cháy. Long đứng ra tổ chức vài mâm coi như lễ cưới để hai bên về chung sống với nhau. Được thời gian, đôi vợ chồng tan vỡ hạnh phúc. Hợi bỏ lại đứa con cho vợ nuôi, phi về TP Hồ Chí Minh cưới tiếp một cô vợ khác. Bây giờ nhắc đến chuyện mai mối ấy, ông Long vẫn cảm thấy ân hận, day dứt.

Nước mắt 'vua kẹo kéo' ảnh 3

Chiếc thùng kẹo kéo ông Long giữ lại để luôn nhớ về nghề.

Có muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt của nghề cầm ca kẹo kéo. Nhiều người cho đó là nghề "ăn xin đường phố", nhưng ông Long không đồng ý. Ông xem đó là nghề chân chính và lương thiện. Người bán kẹo kéo cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt, phải gào thét, rút ruột xổ lòng cho những bài hát, phải chìa tay bán từng viên kẹo chứ có đi xin ai đâu. Thời hoàng kim của kẹo kéo không còn, ông Long phải cay đắng giải tán "tập đoàn", giã từ sự nghiệp. Vợ ông, từ một bà chủ trên quyền hàng trăm đệ tử của chồng nay phải lầm lũi đi làm tạp vụ. Đàn em tan tác, người bỏ nghề, người bám víu lay lất sống qua ngày. "Đại ca" Trần Vương Long đi làm bảo vệ được vài tháng bị người ta quỵt tiền, chán quá nghỉ luôn.

Bỏ nghề hai năm nhưng hễ ai nhắc đến kẹo kéo thì ông Long lại như rồ dại lên. Ông nhớ nghề quay quắt, nhiều đêm nằm mà nước mắt ứa ra. Dù nghề phũ phàng, nhưng ông không thể quên được những đêm bập bùng tiếng nhạc, giọng cười khoái chí của kẻ say và tiếng khóc nỉ non của những người đàn bà bán dâm.

Trong nhà ông bây giờ còn giữ lại một chiếc thùng kẹo kéo, ông để ở một vị trí trang trọng nhất. Mỗi khi nhớ nghề, ông lại mang ra lau chùi, ôm ấp và hát nghêu ngao. Dù cái nghề đã rút máu xương và cuốn tất cả những gì của ông đi mất, nhưng ông chưa bao giờ thôi yêu và đau đáu với nó.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.