Ông Hà Văn Thắm bị miễn nhiệm Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương

Sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt cuối tháng 10/2014, bà Nguyễn Minh Thu (phải) được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc OceanBank. Nhưng hơn hai tháng sau, bà cũng rơi vào vòng lao lý. Ảnh: Nhật Minh/VnExpress
Sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt cuối tháng 10/2014, bà Nguyễn Minh Thu (phải) được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc OceanBank. Nhưng hơn hai tháng sau, bà cũng rơi vào vòng lao lý. Ảnh: Nhật Minh/VnExpress
Hơn 9 tháng kể từ ngày bị bắt tạm giam, ông Hà Văn Thắm hôm nay mới bị miễn nhiệm tại đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn.

Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (Mã CK: OGC) diễn ra sáng nay, sau 2 lần triệu tập không thành công vì tỷ lệ tham dự không đạt yêu cầu. Đến 9h, 77 cổ đông có mặt, đại diện cho 10,78% số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đây là lần thứ ba tổ chức nên đại hội vẫn được tiến hành dù số lượng tham dự vẫn chưa đạt yêu cầu.

Tình hình nhân sự là nội dung được đặc biệt quan tâm, bởi sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Hà Văn Thắm bị khởi tố, bắt tạm giam cuối tháng 10 năm ngoái đến nay tập đoàn chưa ra quyết định miễn nhiệm. Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Quang Thụ được phân công đảm nhiệm các công việc của Chủ tịch từ đó tới nay.

Theo kế hoạch công bố trước đại hội, Hội đồng quản trị OceanGroup đề xuất miễn nhiệm tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị với ông Hà Văn Thắm và bầu thành viên thay thế là bà Dương Thị Cẩm Thủy. Bà Thủy sinh năm 1977, hiện là Phó giám đốc phụ trách khối đầu tư Ocean Bank.

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu sáng nay, chỉ 40,8% tán thành đề xuất bổ nhiệm bà Dương Thị Cẩm Thủy, trong khi chỉ 52% đồng ý miễn nhiệm ông Hà Văn Thắm. Không đủ tỷ lệ 65%, bà Thủy -  đại diện từ Ocean Bank không được bầu vào Hội đồng quản trị của Ocean Group. Riêng trường hợp ông Hà Văn Thắm, do vướng vòng lao lý và không tham gia nhiều cuộc họp, tư cách thành viên của vị này nghiễm nhiên bị bãi nhiệm.

Hội đồng quản trị Ocean Group bị khuyết 2 vị trí, không đủ số lượng 5 người để duy trì hoạt động. Phó chủ tịch Lê Quang Thụ đề xuất để các cổ đông tự đề cử 2 thành viên mới và bỏ phiếu ngay tại đại hội.

Theo đại diện Ocean Group, từ khi phát ra thông báo mời ứng cử thành viên Hội đồng quản trị, tập đoàn nhận được hồ sơ của ông Ngô Trí Vinh, sinh năm 1978, quê quán Nghệ An. Tuy nhiên hồ sơ không đáp ứng yêu cầu vì ông Vinh chỉ đang sở hữu 0,003% cổ phần. Do Ocean Group không nhận được thêm đề cử hợp lệ của các cổ đông nên Hội đồng quản trị tự đề cử hai thành viên mới.

Danh sách này gồm bà Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1984), nguyên quán Quảng Ninh. Bà Hương là thạc sĩ luật, hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Khách sạn Đại Dương (OCH) – công ty thành viên Ocean Group. Trước đó, bà Hương là trợ lý Văn phòng Hội đồng quản trị Ocean Bank, Chủ tịch Công ty Cổ phần VNT.

Vị thứ hai là bà Hoàng Thị Phương Lan (sinh năm 1981), quê quán Lạng Sơn. Bà Lan có học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh và hiện là Trưởng ban Kiểm soát nội bộ Công ty Robot Tosy. Đại diện Ocean Bank không được bầu vào HĐQT Ocean Group.

Kết quả bỏ phiếu cuối đại hội thông qua việc bầu bà Lan Hương, Phương Lan vào Hội đồng quản trị.

Ocean Group vừa trải qua một năm đầy biến động, sau khi người sáng lập tập đoàn - ông Hà Văn Thắm vướng vòng lao lý. Ngân hàng cổ phần Đại dương (OceanBank) - trụ đỡ quan trọng của cả tập đoàn gần đây đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Báo cáo thường niên của tập đoàn công bố giữa tháng 7 cũng nhắc tới cả 2 biến cố này.

"Thời gian qua, Đại Dương đã có nhiều biến cố lớn. Các công ty con, công ty liên kết nhiều lúc khó khăn, có những lúc nhiều cảm xúc như giá cổ phiếu, hai lần đại hội bất thành", ông Lê Quang Thụ - Phó chủ tịch tập đoàn nói tại đại hội cổ đông sáng nay.

9 tháng đầu năm 2014, tập đoàn kinh doanh có lãi. Nhưng các biến cố dồn dập xảy ra trong quý cuối năm nên tính chung cả năm tập đoàn lỗ 2.520 tỷ đồng trước thuế. Trong đó lĩnh vực bán lẻ và thương mại lỗ 970 tỷ đồng, đầu tư tài chính và các hoạt động khác lỗ 940 tỷ, khách sạn và dịch vụ lỗ 813 tỷ đồng.

"Đến nay Ocean Group và một số đơn vị thành viên đã được giải tỏa tài khoản tại ngân hàng, song hậu quả của những biến cố trong giai đoạn vừa qua hết sức nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên", doanh nghiệp cho hay.

Sang năm 2015, tập đoàn đặt kế hoạch lợi nhuận gần 570 tỷ đồng, với lĩnh vực tài chính dự kiến đóng góp nhiều nhất với hơn 376 tỷ đồng, khách sạn và dịch vụ, bất động sản lần lượt đặt mục tiêu 96 tỷ và 79 tỷ đồng. Theo lãnh đạo công ty, giải pháp để công ty vượt qua cơn "bĩ cực" là rà soát các dự án để lên phương án thoái vốn hoặc tìm kiếm một số đối tác hợp tác đầu tư, triển khai các dự án đang hoàn thiện.

"Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực của nhân viên, cổ đông, Đại Dương sẽ vượt qua khó khăn này", ông Thụ phát biểu.

Trước sự bi quan của cổ đông về việc liệu Ocean Group có thể phá sản hay không, Tổng giám đốc Dương Trọng Nghĩa trấn an năm 2015, công ty có nhiều giải pháp để đem lại dòng tiền, trong đó có việc chuyển nhượng dự án, dự kiến kế hoạch lợi nhuận cho năm nay là 500 tỷ đồng. "Ocean Group sẽ không lâm vào phá sản", ông Nghĩa khẳng định.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.