Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội cần 2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
TPO - Phát biểu tại Hội nghị ”Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã xác định 3 khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Thủ đô. 

Thay mặt cho lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu với những đại biểu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế 6 lợi thế đặc trưng của Thủ đô:

Thứ nhất, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ quý báu của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Bộ, Ban, NgànhTrung ương và sự chung tay vun đắp của các tỉnh, thành phố trên cả nước với tinh thần “cả nước vì Hà Nội”.

Thứ hai, Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến với hơn 5.000 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có một số di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Có một nền văn hóa nghệ thuật, di sản văn hoá phi vật thể và hơn 1000 làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng...

Thứ ba, con người Hà Thành thanh lịch, văn minh, cần cù, chăm chỉ, luôn cởi mở, thân thiện, yêu lao động, có tình yêu nồng nàn với cuộc sống. Là nơi hội tụ nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của cả nước trên tất cả các lĩnh vực. Có số lượng lao động trẻ ở độ tuổi vàng (chiếm trên 60% lực lượng lao động) và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 30%, cao nhất trong cả nước và gấp hơn 2 lần số với mức trung bình chung của cả nước.

Thứ tư, Hà Nội luôn là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định. UNESCO đã trao tặng Thủ đô Hà Nội danh hiệu ’’Thành phố vì Hoà bình’’.

Thứ năm, sau 30 năm đổi mới, Hà Nội đã đúc rút ra nhiều những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường, cho nên trong nhiều năm vừa qua Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục; Đang trở thành trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế tầm khu vực, là thị trường sôi động với quy mô dân số lớn, là đầu mối trung chuyển nhiều hàng hóa của miền Bắc Việt Nam, nằm trong hành lang kinh tế các tiểu vùng sông Mê  Kông. Hà Nội là địa điểm rất thuận lợi để kinh doanh phân phối, có một hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và phát triển, hạ tầng các khu công nghiệp tương đối hoàn thiện.

Thứ sáu, trong những năm vừa qua, bên cạnh việc đẩy nhanh phát triển kinh tế, Hà Nội luôn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đến đời sống của người dân, người lao động (là địa phương xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp cao nhất cả nước); Thành phố đã luôn tích cực phối hợp chặt chẽ với các chủ lao động để quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động.

Nhằm đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực, thành phố Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu: Tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5-9,0% ; GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD ; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80% ; Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm ; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70 - 75% ; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 4%.

MỚI - NÓNG