Ông Tony Blair: Cải cách không ai phản đối là cải cách kém

Ông Tony Blair và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh tại buổi hội thảo . Ảnh: L.H.V.
Ông Tony Blair và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh tại buổi hội thảo . Ảnh: L.H.V.
TP - “10 năm làm Thủ tướng cho tôi kinh nghiệm, mọi cải cách, thay đổi đều khó, bao giờ cũng có kháng cự, cản trở. Nếu cải cách đưa ra mà không có phản đối là cải cách đó kém và cần xem lại”, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói.

“Đảng tôi cũng từng phản đối cải cách”

Kinh nghiệm trên được ông Tony Blair đưa ra tại hội thảo Vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế, kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam, do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 4/3. Buổi hội thảo có mặt khá nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng với nhà quản lý, chuyên gia kinh tế của Việt Nam.

Trong 1 tiếng 30 phút, ông Tony Blair đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cải cách, tư nhân hóa các DNNN tại Anh thời ông còn làm Thủ tướng. Qua đó, ông đưa ra một số lời khuyên với Việt Nam.

Theo ông Tony Blair, mục tiêu của cải cách là cải thiện đời sống người dân, nên khi thay đổi phải dẫn tới thịnh vượng cho xã hội. Từ kinh nghiệm 10 năm làm Thủ tướng, ông Tony Blair rút ra hai bài học lớn: Khó nhất với Chính phủ là nhận được ý tưởng tốt và thực hiện được nó; tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn, khi đưa ra cải cách bao giờ cũng có kháng cự, cản trở vì họ tin rằng nếu làm việc cho DNNN sẽ yên ổn hơn. “Đảng chúng tôi (Công đảng Anh-PV) ban đầu cũng phản đối tư nhân hóa DNNN, nhưng khi tôi lên nắm quyền cũng phải thực hiện điều đó. Kết quả, nước Anh đã thu hút nhiều đầu tư nước ngoài, sức mạnh của nền kinh tế tăng và người dân được lợi. Dù có chống đối, nhưng chúng ta phải thay đổi để có thịnh vượng”, ông Tony Blair nói.

Cựu Thủ tướng Anh cho rằng, những năm 40-50 của thế kỷ trước là kỷ nguyên của DNNN nắm quyền chi phối, với tư tưởng để phát triển và bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng rồi người ta nhận ra mô hình DNNN không hiệu quả, nên phải cải cách. “DNNN là tốt trong bảo vệ lợi ích chiến lược, nhưng không phải hiệu quả lắm trong quản lý và kinh doanh, không tốt trong cải cách DN”, ông Tony Blair nói.

Ông Tony Blair: Cải cách không ai phản đối là cải cách kém ảnh 1 Theo cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (thứ 2 từ trái qua), có cải cách phải có chống đối. Ảnh: L.H.V.

Cải cách phải đụng chạm

Ở phần hỏi đáp tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi: “Nếu cải cách gặp phải chống đối ngay trong đảng, ông làm thế nào?”. Đáp lại, ông Tony Blair cho biết, bất kỳ thay đổi nào cũng có chống đối và bản thân ông đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Ông kể, khi cải cách giáo dục, ông đã chọn trường yếu kém nhất để thực hiện. Sau đó, trường đó tốt lên ai cũng nhìn thấy nên không phản đối nữa, từ đó mới nhân rộng. “Khi tôi còn ở Chính phủ, nếu cải cách đưa ra mà không có chống đối là cải cách đó kém và phải xem lại. Như khi tôi thực hiện cải cách lương hưu, sau 2 năm hỏi mọi người đều bảo tuyệt vời. Nên tôi xem lại, và đúng là chưa cải cách gì so với trước, khi cải cách thật thì người ta la hét ngay”, ông Tony Blair nói.

Đồng tình với ông Tony Blair, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhận định: “Cải cách mà không có phản đối không phải là cải cách, vì nó không đụng chạm tới ai. Phản đối, chưa đồng thuận để làm cải cách tốt hơn. Chúng ta không phải ngại khi đưa ra quan điểm mới, cách làm mới, vì có phản đối là chúng ta đang đổi mới, còn cái gì đưa ra ai cũng gật tức chưa có gì đổi mới cả”.

Lãnh đạo Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hỏi ông Tony Blair kinh nghiệm về sắp xếp lao động, đầu tư; ông Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi về vai trò của kinh tế nhà nước (can thiệp thị trường, điều tiết kinh tế, trách nhiệm xã hội) tại các quốc gia ông Tony Blair đang nghiên cứu có giống Việt Nam? Còn các chuyên gia kinh tế như TS Lê Đăng Doanh, Trần Đình Thiên, Cao Viết Sinh, Trần Du Lịch… đặt câu hỏi cho cựu Thủ tướng Anh liên quan tới cải cách DNNN của Nga, Trung Quốc và so sánh với Việt Nam? Khi cổ phần hóa DNNN thì Chính phủ sẽ dùng công cụ gì để điều tiết thị trường? Có cần lập cơ quan chuyên trách quản lý DNNN...

Theo ông Tony Blair, đó là những câu hỏi được đặt ra tại hầu hết các nước ông tới. Thời ông làm Thủ tướng, đó cũng là những câu hỏi đảng đối lập đặt ra. Ông kể, khi ông đưa ra kế hoạch tư nhân hóa công ty viễn thông của Anh đã gặp phản đối ghê gớm. “Tôi phải đứng cả đêm ở Quốc hội để giải trình về kế hoạch đó. Nhưng sau đó được thông qua, và công ty hoạt động hiệu quả, người lao động, xã hội được lợi. Nếu giờ nói quốc hữu hóa công ty viễn thông đó có thể lại gặp phản đối gay gắt”, ông Tony Blair nói. Theo ông Tony Blair, nhà nước có thể dùng các công cụ luật pháp để bảo hộ, điều tiết thị trường thay cho bảo hộ bằng sở hữu DN.

Dù số lượng DNNN được cổ phần hóa không nhỏ, nhưng theo Bộ trưởng Vinh, tỷ lệ cổ phần tư nhân nắm giữ rất thấp, thậm chí chỉ cổ phần hóa 5% (95% vẫn do nhà nước nắm). “Nếu cổ phần hóa như vậy đâu có gì thay đổi, khi bộ máy, cơ chế vẫn như cũ. Thậm chí, nếu chỉ cổ phần 5% rồi trao cho DN đó cơ chế DN tư nhân càng nguy hiểm, khi vẫn là vốn nhà nước nhưng nhà nước quản lý ít hơn, DN nhiều quyền hơn. Đổi mới DNNN càng quan trọng khi vai trò Chính phủ chuyển sang kiến tạo, tạo dựng môi trường để DN hoạt động, thay vì quản lý chặt chẽ như trước đây”, ông Vinh nói.

Theo ông Tony Blair, lợi thế của Việt Nam là đã có rất nhiều bài học từ các nước đi trước, có thể chọn lọc những cái hay để áp dụng cho mình, thúc đẩy quá trình cải cách DNNN nhanh hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair

Chiều 4/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Tony Blair. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và cho rằng những tư vấn, khuyến nghị của Văn phòng Tony Blair và cá nhân ông Tony Blair trên các lĩnh vực thu hút đầu tư, hợp tác công tư và cải cách doanh nghiệp nhà nước đối với Việt Nam là hết sức hữu ích.

Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Tony Blair.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong 20 năm qua, số lượng DNNN tại Việt Nam đã giảm từ hơn 12.000 DN (thập kỷ 90), xuống còn 5.600 DN hiện nay. Trong đó, chỉ còn 800 DN nhà nước giữ 100% vốn. Nhưng, DNNN vẫn được giao quản lý tài sản trên 3 triệu tỷ đồng (vốn nhà nước hơn 1,1 triệu tỷ đồng). DNNN còn tham gia chi phối nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế (điện, than, xăng dầu, viễn thông, tài chính…), dù số lượng chỉ chiếm 1% tổng số DN cả nước. Nhưng hiệu quả, vai trò của DNNN (đặc biệt DN 100% vốn nhà nước) trong nền kinh tế quốc dân còn nhiều tranh cãi.

MỚI - NÓNG