Ông Tony Blair: 'Mọi cải cách đều có kháng cự, cản trở'

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chụp ảnh kỷ niệm cùng Bộ trưởng KH&ĐT Việt Nam Bùi Quang Vinh.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chụp ảnh kỷ niệm cùng Bộ trưởng KH&ĐT Việt Nam Bùi Quang Vinh.
TPO - “Kinh nghiệm 10 năm làm Thủ tướng cho tôi kinh nghiệm, mọi cải cách , thay đổi đều khó khăn, bao giờ cũng có kháng cự, cản trở và khó thực hiện”, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói.

Kinh nghiệm trên được ông Tony Blair đưa ra tại Hội thảo Vai trò mới của Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế, kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam, do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 4/3.

Trong thời gian 1 tiếng 30 phút, ông Tony Blair đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của mình trong quá trình cải cách, tư nhân hóa các DNNN tại Anh thời ông còn làm Thủ tướng, qua đó rút ra một số lời khuyên với Việt Nam. Một số câu hỏi của lãnh đạo DNNN, nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo cũng được ông Tony Blair thẳng thắn trả lời.

Theo ông Tony Blair, phải luôn nhớ rằng, mục đích của cải cách là cải thiện đời sống người dân, nên khi thay đổi phải trả lời câu hỏi có dẫn tới tạo thịnh vượng cho người dân hay không?

Cựu Thủ tướng Anh cho biết, những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nước lớn như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… thực hiện tư nhân hóa DNNN. Ban đầu, quá trình này cũng gặp nhiều phản đối từ công nhân tới các nhà quản lý. “Đảng chúng tôi ban đầu cũng phản đối tư nhân hóa DNNN, nhưng khi lên nắm quyền cũng thực hiện điều đó. Kết quả là thành công và người dân được lợi. Trước đây, hôm nay và ngày mai điều này vẫn đúng”, ông Tony Blair nói.

Ông Tony Blair: 'Mọi cải cách đều có kháng cự, cản trở' ảnh 1

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đang giúp Việt Nam cải cách DNNN.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong 20 năm qua, số lượng DNNN tại Việt Nam đã giảm từ hơn 12.000 DN những năm 90, xuống còn 5.600 DN hiện nay. Trong đó, chỉ còn 800 DN nhà nước giữ 100% vốn, số còn lại đã cổ phần hóa ở mức độ khác nhau. 

“Tuy vậy, DNNN được giao quản lý tài sản trên 3 triệu tỷ đồng, đây là số vốn không nhỏ. DNNN còn tham gia chi phối nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, dù số lượng chỉ chiếm 1% tổng số DN cả nước. Đặc biệt, hiệu quả của DNNN (đặc biệt DN 100% vốn nhà nước), vai trò trong nền kinh tế quốc dân vẫn còn nhiều tranh cãi”, ông Vinh nói.


Theo ông Tony Blair, lợi thế của Việt Nam là đã có rất nhiều bài học từ các nước đi trước, có thể chắt lọc những cái hay để áp dụng cho mình, thúc đẩy quá trình cải cách DNNN nhanh hơn.

Hiện cựu Thủ tướng Anh đang giúp Chính phủ Việt Nam nghiên cứu cải cách DNNN, xây dựng khung pháp lý và mô hình mẫu cho hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP), cải thiện chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

MỚI - NÓNG