Trung Quốc:

Phá đường dây tín dụng đen hàng chục tỷ đô

Đồng Nhân dân tệ trước khi được đưa ra lưu thông.
Đồng Nhân dân tệ trước khi được đưa ra lưu thông.
Người dân tại quốc gia đông dân nhất thế giới thực sự "hoảng", sau khi biết tin công an tỉnh Chiết Giang, vừa phá vỡ một đường dây tín dụng đen "khủng" từ trước đến nay, với tổng số tiền lên tới 410 tỉ nhân dân tệ (hơn 64 tỉ USD).

Trong tuyên bố hôm 19-11, Bộ Công an Trung Quốc cho biết, có tổng cộng 100 nghi can thuộc 8 băng nhóm của đường dây tín dụng đen kể trên (còn gọi là hệ thống ngân hàng ngầm) đã bị bắt giữ, kể từ khi cơ quan chức năng mở cuộc điều tra hơn 1 năm trước (tháng 9-2014). Đây là một phần trong chiến dịch chống nạn rửa tiền tại nước này. Và "bố già" của đường dây này là một người đàn ông họ Triệu, điều hành hàng chục công ty "tín dụng đen" ở Hong Kong và chúng chuyên thực hiện các giao dịch ngoại hối lậu và rửa tiền.

Gần 1 năm trước (tháng 12-2014), Bộ Công an đã bắt 56 nghi can và đóng băng hơn 3.000 tài khoản ngân hàng và phải mất gần một năm cơ quan công an mới phân loại xong hơn 1,3 triệu giao dịch đáng ngờ. Bộ Công an cũng cảnh báo, nước này đang phải đối mặt với vấn nạn liên quan tới những tổ chức tín dụng đen thường được sử dụng để rửa tiền cho những quan chức tham nhũng, cờ bạc trực tuyến và lừa đảo. Và hệ thống tín dụng đen này đang là mối đe dọa tới an ninh tài chính của Trung Quốc.

Tân Hoa xã dẫn lời một người đàn ông họ Dương (một trong những ông trùm của 8 băng nhóm kể trên) cho rằng, nhiều khách hàng của đường dây này là những người muốn tránh sự giám sát nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc trong hoạt động thương mại và trao đổi ngoại hối. Và nhờ đó mà trung bình mỗi ngày băng nhóm do Dương cầm đầu có thể kiếm được hơn 50.000 nhân dân tệ (NDT) nhờ làm những dịch vụ kiểu này.

Tân Hoa xã coi đây là đợt truy quét lớn nhất từ trước đến nay, trong khuôn khổ chiến dịch chống nạn "rửa tiền" đang hoành hành ở nước này và đường dây vừa được công bố thuộc hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất tại Trung Quốc. Giới chuyên môn từng cảnh báo, làn sóng tín dụng ngầm tại Trung Quốc bắt đầu xói mòn nền kinh tế, đe dọa sự sụp đổ của các định chế tài chính phi ngân hàng.

Cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Khánh Phong từng yêu cầu công an các cấp nhận thức đầy đủ về những nguy cơ mà hệ thống ngân hàng ngầm gây ra đối với an ninh kinh tế và sự ổn định của thị trường tài chính. Đồng thời cho biết, đến cuối tháng 11 sẽ triển khai chiến dịch tấn công mạnh vào các hoạt động ngân hàng ngầm trên quy mô toàn quốc, nhằm duy trì trật tự thị trường tài chính và vốn của nước này.

Trước đó (tháng 4-2015), Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng trung ương và Cục Quản lý ngoại hối quốc gia mở chiến dịch tấn công vào những hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp thông qua các công ty bên ngoài Trung Quốc và các ngân hàng ngầm. Và tới nay, công an các tỉnh, thành như Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Chiết Giang và Tân Cương đã phát hiện 66 ngân hàng ngầm, bắt hơn 160 đối tượng phạm tội với tổng số tiền phi pháp lên tới 430 tỷ NDT (hơn 67,2 tỷ USD).

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố, các ngân hàng ngầm ở Trung Quốc chiếm từ 35% đến 50% GDP của nước này. 4 năm trước (tháng 11-2011), gần 100 chủ doanh nghiệp ở thành phố Ôn Châu đã đồng loạt bỏ trốn vì không trả nổi nợ cho những kẻ cho vay nặng lãi và chính quyền trung ương thực sự lúng túng trong việc giải cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay xóa sổ thị trường tín dụng đen.

Không riêng ở Ôn Châu, tín dụng đen cũng đã và đang hoạt động phổ biến ở nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc với quy mô gần 2.400 tỉ USD, chiếm gần 1/3 toàn bộ khoản vay của nước này. Ngoài ra, tín dụng đen còn cung cấp các khoản vay phi pháp lên đến 630 tỉ USD/năm, tương đương 10% GDP. Hơn 1 năm trước (hạ tuần tháng 7-2014), Ủy ban Quản lý giám sát Ngân hàng Trung Quốc đã chấp thuận việc thành lập thí điểm 3 ngân hàng tư nhân (đặt tại Thâm Quyến, Ôn Châu và Thiên Tân) và đây là động thái nhằm cho phép dòng vốn tư nhân có vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính của nước này.

Đầu năm 2013, hãng đầu tư nổi tiếng Thượng Hải chzhentsyuan từng khuyến cáo, khối lượng giao dịch trên thị trường ngân hàng ngầm ở Trung Quốc có thể tới 30 nghìn tỉ NDT, vượt quá 50% GDP và hiện tượng kể trên đang đe dọa tới sự bình ổn của nền kinh tế nước này. Hơn 3 năm trước (12-9-2012), Tân Hoa xã từng cảnh báo, Trung Quốc không nên thực hiện các biện pháp quá quyết liệt, tương tự như gói kích thích 632 tỉ USD năm 2008, để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Và việc này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng Trung Quốc đang che giấu những khoản nợ khổng lồ lên đến hàng ngàn tỉ USD. 

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.