Phải tạo áp lực thay đổi EVN

TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM)
TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM)
TP - Theo TS Nguyễn Đình Cung, để có thị trường điện cạnh tranh, phải thay đổi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng người trong cuộc sẽ không bao giờ tự thay đổi mình, nên cần có áp lực từ bên ngoài đủ lớn.

Đánh giá trên được TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) đưa ra tại hội thảo Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam, diễn ra sáng 1/7. Ông Cung cho biết, hiện Việt Nam đang trong giai đoạn bước ngoặt chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đầy đủ. Tuy nhiên, thách thức rất lớn tới từ xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, rào cản với điều này tới cả từ kỹ thuật và thể chế. “Nếu không xây dựng được thể chế thị trường sẽ rất khó, thậm chí không có thị trường cho ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, so với yêu cầu cải cách để có được thị trường điện cạnh tranh thì Việt Nam còn khoảng cách khá lớn, khi cấu trúc ngành không còn phù hợp để thúc đẩy tạo ra thị trường cạnh tranh. Do đó, nếu không thay đổi thể chế và cấu trúc thị trường, đặc biệt là thay đổi EVN, vấn đề kỹ thuật sẽ không giải quyết được.

“Trong hệ thống hiện nay còn đầy rẫy mâu thuẫn lợi ích, như bộ vừa quản lý, kiêm làm chính sách, chủ sở hữu, điều hành doanh nghiệp, còn EVN kiêm sản xuất, phân phối và bán lẻ. Do đó, thách thức với cải cách rất lớn, vì thay đổi đó là thay đổi cấu trúc quyền lực và quyền lợi”, ông Cung nói. Do đó, theo ông Cung, cần hiểu đầy đủ về thị trường điện cạnh tranh và kinh nghiệm các nước để có kiến nghị hợp lý, tạo áp lực đủ lớn từ bên ngoài cho sự thay đổi ngành điện. Tuy nhiên, người đứng đầu Viện CIEM thừa nhận, so với các nước, thị trường điện Việt Nam còn khác rất nhiều, và con đường cải cách còn khá xa.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, với ngành điện, thị trường điện cạnh tranh chỉ có thể xây dựng ở khâu sản xuất và bán lẻ điện; riêng với khâu phân phối là độc quyền tự nhiên của nhà nước.

Theo đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), dù thị trường phát điện Việt Nam được thí điểm từ năm 2004, nhưng tới nay mức độ cạnh tranh rất thấp. Hằng năm, chỉ khoảng 48% tổng lượng điện cung ứng được đưa ra đấu giá cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều chức năng thị trường vẫn nằm trong EVN, như công ty mua bán điện, điều động hệ thống điện, truyền tải điện. Như vậy, cả mua, bán, truyền tải đều thuộc EVN, chỉ khi tách được các khâu này khỏi một mối mới hy vọng có thị trường điện cạnh tranh.

Theo đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), dù thị trường phát điện Việt Nam được thí điểm từ năm 2004, nhưng tới nay mức độ cạnh tranh rất thấp. Hằng năm, chỉ khoảng 48% tổng lượng điện cung ứng được đưa ra đấu giá cạnh tranh.

MỚI - NÓNG