Quá ưu ái doanh nghiệp thoát nước?

Chi hơn 600 tỷ đồng mỗi năm Hà Nội vẫn ngập nặng
Chi hơn 600 tỷ đồng mỗi năm Hà Nội vẫn ngập nặng
TP - Ngoài việc đầu tư nhiều dự án về cấp, thoát nước, mỗi năm Hà Nội chi hơn 600 tỷ đồng đặt hàng cho doanh nghiệp công ích là Cty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội để thực hiện công tác duy trì thoát nước trên địa bàn.

Một lượng tiền ngân sách rất lớn được chi hàng năm, nhưng Hà Nội vẫn diễn ra điệp khúc cứ mưa to là ngập.

Tự làm, tự kê khai 

Cty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội (gọi tắt là Cty Thoát nước Hà Nội), là doanh nghiệp (DN) công ích được thành phố giao cho nhiệm vụ duy trì hệ thống thoát nước và quản lý chất lượng nước trên địa bàn, mà chủ yếu ở khu vực nội thành. Để thực hiện công việc này, hàng năm thành phố đã đặt hàng cho DN này.

Điều đáng nói, số tiền quyết toán hàng trăm tỷ đồng mỗi năm lại dựa vào hồ sơ tự kê khai của Cty Thoát nước Hà Nội về khối lượng công việc mà DN thực hiện. Có nghĩa DN này tự làm, tự kê khai để được thành phố chi trả số tiền hàng năm cho việc duy trì hệ thống thoát nước và quản lý chất lượng nước trên địa bàn.

Theo hồ sơ đặt hàng, trong năm 2013 số tiền ngân sách phải chi là trên 650 tỷ đồng để DN này thực hiện công tác duy trì thoát nước, quản lý chất lượng nước. Bước sang năm 2014, với lý do tình hình kinh tế nhiều khó khăn, việc thu ngân sách sụt giảm nên đơn đặt hàng của TP Hà Nội phê duyệt cho DN này là hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp kinh tế hàng năm của thành phố.

Cụ thể, khối lượng công việc mà DN này kê khai chủ yếu là chi trả cho công tác duy trì, quản lý hệ thống thoát nước, trong đó kinh phí đặt hàng thường xuyên gần như chiếm chủ yếu với số tiền trên 500 tỷ đồng.

 Nó bao gồm các hoạt động như duy tu sửa chữa hệ thống cống; nạo vét, cải tạo, bổ sung các ga thu nước; quản lý vận hành các trạm bơm; nạo vét thu gom rác trên các sông, các kênh mương. Đối với công tác duy trì, quản lý chất lượng nước chỉ chiếm một khoảng hơn 100 tỷ đồng bao gồm kinh phí đặt hàng thường xuyên và theo dự toán.

Theo lý giải của DN thì cơ sở để họ xây dựng khối lượng đặt hàng trong năm 2014 là dựa trên cơ sở khảo sát hiện trường hệ thống thoát nước trên địa bàn, trong đó có đối chiếu với khối lượng, giá trị ước đạt của năm trước.

Trong đó, một số hạng mục được đơn vị tiếp nhận bổ sung năm 2013 như quản lý hệ thống cống (khoảng 201 km); ga thu (khoảng 4.000 ga); quản lý hệ thống mương (khoảng 2,84km); quản lý duy trì chất lượng nước hồ (2 hồ); quản lý vận hành trạm bơm… 

“Đơn giá đặt hàng hằng năm được căn cứ theo đơn giá thanh toán cho các sản phẩm dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn mà Hà Nội quy định. Nhìn thì thấy số tiền lớn nhưng so với khối lượng công việc duy trì, quản lý hệ thống thoát nước mà chúng tôi thực hiện là hợp lý”, một vị cán bộ Cty Thoát nước cho biết.

Quá ưu ái cho doanh nghiệp công ích

Mới đây tại cuộc họp về công tác thoát nước trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hàng năm ngân sách thành phố đã chi số tiền rất lớn cho công tác duy trì hệ thống thoát nước, nên việc để xảy ra điệp khúc cứ mưa to là ngập thì không thể chấp nhận được. Lãnh đạo thành phố cũng đã thẳng thắn chỉ ra sự bất cập trong quản lý về cấp, thoát nước đô thị hiện nay.

“Cty Thoát nước Hà Nội chỉ là DN chứ không phải là cơ quan quản lý, để có quyền quyết định việc thực hiện các dự án. Đã là DN thì anh chỉ thực hiện đơn đặt hàng của thành phố chứ không thể DN tự duyệt dự án, tự thi công, tự quản lý. Đây là vấn đề tồn tại cần phải sớm nghiên cứu lại công tác đầu tư xây dựng”, vị Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay DN công ích như Cty Thoát nước Hà Nội có quá nhiều ưu ái. Hàng năm ngoài thực hiện đơn đặt hàng của thành phố, Cty Thoát nước Hà Nội còn làm chủ đầu tư của nhiều dự án, nhiều hạng mục về thi công, sửa chữa hệ thống thoát nước trên địa bàn. Thậm chí, đơn vị này đang có đề xuất được thu phí nước thải sinh hoạt và xử phạt các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực này.

“Thành phố cần sớm nghiên cứu về việc quản lý đầu tư hệ thống thoát nước nhằm phân cấp rõ và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Có như thế khi để xảy ra úng ngập mới quy được trách nhiệm, mới thấy được hiệu quả của các công trình, dự án thoát nước của đơn vị thực hiện và đơn vị quản lý vận hành”, một cán bộ Sở Xây dựng đề xuất.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Xây dựng Việt Nam, trong điều kiện hệ thống thoát nước đô thị còn nhiều yếu kém, việc hình thành các DN công ích làm nhiệm vụ này là cần thiết. Tuy nhiên, mô hình DN công ích hiện nay cần phải xem xét lại, trong đó phải đổi mới hoạt động tài chính, tăng tính cạnh tranh cho các DN tham gia trên lĩnh vực này.

“Có thể chính quyền ký kết hợp đồng dịch vụ với DN công ích. Trong đó có ghi rõ số lượng, chất lượng mà chính quyền đặt hàng với DN. Chứ hiện nay việc đặt hàng vẫn dựa trên việc kê khai của DN công ích trong khi tính hiệu quả, cạnh tranh không cao, nên dù chi nhiều tiền mà vẫn ngập”, ông Liêm nói.

Tại cuộc họp về tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014-2015 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, số lượng DN phải sắp xếp, cổ phần hóa đến hết năm 2015 còn nhiều. Theo lộ trình nhiều DN công ích tại Hà Nội sẽ phải sắp xếp, sáp nhập, thậm chí bị xóa sổ.

MỚI - NÓNG