Quỹ đầu tư Singapore dồn dập đổ vốn vào Việt Nam

GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore có danh mục hơn 100 tỷ USD vừa rót vốn vào FPT và PAN.
GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore có danh mục hơn 100 tỷ USD vừa rót vốn vào FPT và PAN.
Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp đón nhận thông tin tích cực từ các nhà đầu tư Singapore trong những tháng đầu năm.

Năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của các doanh nghiệp Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ như trường hợp Mitsui mua cổ phần công ty con Minh Phú, Siam Cement Group (SCG) và các công ty con mua cổ phần Prime Group, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong hay quỹ Warburg Pincus rót 200 triệu USD vào Vingroup....

Sang đầu năm nay, sàn chứng khoán tiếp tục nóng lên với những thông tin về nhà đầu tư nước ngoài, khi môi trường vĩ mô ổn định và Chính phủ sắp cho phép nới tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, luồng vốn từ nhà đầu tư Singapore trở thành điểm sáng.

Công ty cổ phần FPT (Mã CK: FPT) vừa đón nhận hai cổ đông tổ chức từ Singapore là quỹ đầu tư GIC nắm 3% vốn điều lệ và Cashew Invesments sở hữu khoảng 3,6%. Trong giới đầu tư, GIC được biết đến là tổ chức thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore và đang quản lý danh mục đầu tư hơn 100 tỷ USD, còn Cashew Invesment là một nhánh của Temasek Holdings, một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore.

Thương vụ mua bán trị giá hàng chục triệu đôla, song lại diễn ra khá bí mật trên thị trường chứng khoán do mỗi nhà đầu tư mua chưa đến 5% lượng cổ phần đang lưu hành, do vậy không phải công bố công khai. Sự việc chỉ được sáng tỏ khi FPT công bố báo cáo thường niên bao gồm danh sách 10 nhà đầu tư lớn nhất. Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc FPT đánh giá đây đều là những nhà đầu tư lớn, dài hạn trên thị trường chứng khoán.

"Những nhà đầu tư uy tín trên thế giới thường chọn những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh và triển vọng tốt, có hệ thống quản trị minh bạch. Đây có lẽ là những nguyên nhân khiến phía Singapore quan tâm đến FPT", ông Phương nhận xét.

"Việt Nam hiện nay có một vị thế rất tốt để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, đồng tiền Việt Nam ổn định, thặng dư thương mại, trong khi sức tiêu thụ ngày càng tăng mạnh. Việt Nam có một câu chuyện hay và đáng tự hào để kể cho thế giới." 

Ông Michael Rosen

Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh FPT đặt mục tiêu doanh thu 100 triệu USD tại thị trường Singapore. Đại diện FPT cho hay công ty đang chủ động nhờ sự giúp đỡ của các cổ đông khi thâm nhập quốc gia này, song mức độ như nào phải tùy từng trường hợp cụ thể.

Trong tháng 3/2014, GIC cùng The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL) Partners cũng chi khoảng 300 tỷ đồng mua gần 10 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình (Mã CK: PAN). Chia sẻ về mối nhân duyên với cổ đông Singapore, ông Michael Louis Rosen - Tổng giám đốc PAN cho biết thương vụ này "không phải ngẫu nhiên" mà xuất phát từ việc công ty đã chủ động liên hệ với GIC sau khi có kế hoạch huy động 650 tỷ đồng dưới hình thức chào bán riêng lẻ.

Vị này bày tỏ Chính phủ Singapore đang rất quan tâm tới lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, và một năm trước, PAN cũng bắt đầu theo đuổi chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) các công ty trong nước trong lĩnh vực này. "Qua đợt huy động vốn lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược M&A các công ty trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm tiêu dùng", ông cho hay.

Về phía TAEL, đây là công ty đặt trụ sở tại Singapore và có mối quan hệ với Temasek (được tổ chức này rót vốn đầu tư). TAEL được sáng lập bởi ông Michael Sng, quản lý cao cấp của United Overseas Bank (UOB). Ngoài đầu tư vào PAN, trong năm 2013 TAEL còn trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã CK: VNS) và sắp tới sẽ tham gia mua cổ phần của Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã CK: HVG), doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.

Liên quan đến UOB, cuối năm 2013, ngân hàng này cũng được phép tiếp cận Ngân hàng Dầu Khí Toàn cầu (GPBank) để khảo sát, nhằm tiến tới mua lại gần như toàn bộ cổ phần ngân hàng này. Báo cáo trước Chính phủ cuối tháng 3/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay GPBank sẽ hoàn tất sáp nhập trong năm nay và sẽ có ngân hàng nước ngoài mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này.

Theo Nghị định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng được ban hành ngày 3/1/2014, cổ đông chiến lược nước ngoài có thể trên 20% vốn điều lệ một ngân hàng trong trường hợp đặc biệt để cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn. Do vậy, GP Bank có thể bán toàn bộ vốn cho UOB hay một nhà đầu tư khác nếu được Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cho phép. Hiện GP Bank có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng.

Nhận định về luồng vốn đầu tư từ Singapore dồn dập đổ vào Việt Nam trong những tháng đầu năm, tiến sĩ Alan Phan lý giải "do dư tiền, các định chế tài chính Singapore phải đầu tư vào các quốc gia khác". Theo ông, Singapore đang được nhiều nhà đầu tư quốc tế, nhất là Trung Quốc đem tiền đến đầu tư vì tín nhiệm những kết quả Singapore tạo được trong điều hành kinh tế và thị trường tài chính hai thập kỷ vừa qua. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Myanmar đang được coi là đối tác chiến lược của Singapore.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Alan Phan cho biết với dòng tiền chảy mạnh từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Singapore đang chịu sức ép của bong bóng tài sản, nhất là lĩnh vực nhà đất, do đó các nhà đầu tư tại quốc đảo Sư tử cần tìm kênh đầu tư khác, trong đó có thị trường cổ phiếu. "Hiện tượng này sẽ tiếp tục trong ba năm tới", vị chuyên gia này cho biết.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán phía Bắc cũng cho hay việc Việt Nam đang có động thái tích cực cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều hơn tại doanh nghiệp niêm yết, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sẽ là động lực để các quỹ nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng đầu tư mạnh. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá "rất hấp dẫn" trong khu vực châu Á khi trong 3 tháng đầu năm, VN-Index đã tăng gần 20%, HNX - Index cũng tăng 30%.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc PAN cũng khuyến nghị các doanh nghiệp muốn "bắt tay" với nhà đầu tư Singapore cần tăng cường sự minh bạch và hiệu quả hoạt động. "Những yêu cầu, câu hỏi và băn khoăn của họ trong quá trình tìm hiểu công ty nên được tôn trọng và đáp ứng một cách rõ ràng, nhanh chóng và có trách nhiệm", ông Rosen nhấn mạnh.

Ngoài ra, thị trường cũng cần thêm các công cụ để thu hút các nhà đầu tư tổ chức. "Hiện nay, việc huy động vốn tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư tổ chức khá hạn chế và chưa được đa dạng hóa, ví dụ như quỹ tương hỗ và quỹ đầu tư hưu trí không có nhiều", ông nói.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Vũ Bằng bày tỏ năm 2014, kinh tế vĩ mô sẽ khởi sắc do những tín hiệu tích cực từ năm 2013, lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm, cán cân thương mại cải thiện, dự trữ ngoại tệ tăng và tỷ giá khá ổn định. "Việt Nam đã có dấu hiệu thoát đáy và đi lên, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, kể cả trực tiếp và gián tiếp đều có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mở ra nhiều cơ hội cho thị trường phát triển", vị này nhận định.

Theo Phương Linh

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG