Sân bay Long Thành: Dự án 'hơi lãng mạn'

TPO - "Có chỗ dự án viết hơi lãng mạn, lạc quan, như sân bay Long Thành sẽ tạo ra thành phố sân bay, đô thị sân bay”, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Nghị nhận định. . 

Hôm qua, thảo luận tại tổ về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) bày tỏ sự đồng tình về chủ trương xây dựng. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về phương án huy động vốn trong bối cảnh nợ công tăng cao và cho rằng dự án viết hơi lãng mạn.

Không quyết sợ mất cơ hội

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) thừa nhận, trong bối cảnh nợ công đến ngưỡng thì bàn về chủ trương đầu tư một dự án lớn như sân bay Long Thành là khó. Tuy nhiên, ông Hà bày tỏ sự ủng hộ về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, quy mô tầm khu vực, là điểm trung chuyển quốc tế trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, khả năng mở rộng khó khăn do nằm ở trung tâm TP.HCM.

“Lúc này QH quyết định chủ trương để làm các bước tiếp theo của quy trình triển khai một dự án trọng điểm quốc gia là cần thiết”, ông Hà nói.

ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) nhận định, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đưa ra những đánh giá thận trọng, sau đó, báo cáo bổ sung của Chính phủ đã làm rõ các vấn đề cần thiết trong việc xây dựng sân bay Long Thành.

“Sân bay Tân Sơn Nhất còn diện tích trên sổ sách, nhưng không mở rộng được liên quan đến vùng không lưu, hạn chế bay. Quy hoạch đã tính nhiều điểm khác nhau và chọn Long Thành là hợp lý, phù hợp”, ông Sơn nói và cho rằng, lúc này QH cho chủ trương để Chính phủ nghiên cứu, triển khai các bước tiếp theo là hợp lý bởi để lại thì “cơ hội trôi mất”.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) bày tỏ, bà bị rằng xé bởi nhiều thông tin trái chiều từ các nhà khoa học và lý lẽ nào đưa ra cũng có phần đúng. “Tuy nhiên phải có chính kiến của mình là cơ bản ủng hộ bởi giao thông nên đi trước một bước. Trước đây cầu Thăng Long bị chê lãng phí mãi, nhưng nay thì thấy lưu lượng quá lớn. Nếu để đầy đủ các điều kiện mới cho chủ trương sợ sẽ muộn, không đón nhận được cơ hội”, bà An nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh, về lâu dài phía nam cần một sân bay nữa. Tờ trình nói, dự án sẽ triển khai ngay để năm 2023 xong giai đoạn 1a, nhưng dự án này có cấp thiết không thì đó là vấn đề.

ĐB Trần Du Lịch kiến nghị, cần mời các chuyên gia phân tích cụ thể những vấn đề như tại sao không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà phải làm sân bay mới? Cũng theo ĐB Lịch, tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Kinh tế, các chuyên cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải và khó mở rộng, không chỉ là vấn đề thiếu mặt bằng dưới đất mà có cả vấn đề an toàn không lưu.

ĐB Phạm Văn Gòn (TP.HCM) nêu rõ, nợ có thể vẫn phải nợ nhưng mà làm thì cũng vẫn phải làm. Còn nếu  chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ phải giải tỏa, làm khổ dân. “Nếu làm sân bay mới, phải có phương án chi tiết hơn, phải hạn chế thất thoát, tham nhũng, để thế hệ con cháu mai sau được hưởng thụ thành quả đó”, ông Gòn nêu quan điểm.

Đề án hơi quá sức tưởng tượng

Tuy nhiên, ĐB Trịnh Ngọc Thạch lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Ông Thạch cho rằng, với tình hình nợ công hiện nay thì dự án xây dựng sân bay Long Thành “hơi quá sức tưởng tượng” do vậy, nên gác lại dự án này để tập trung việc khác, 15- 20 năm nữa mới đặt ra.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cùng lo ngại về số vốn 360 nghìn tỷ đồng của dự án, bằng thu nội địa một năm của Việt Nam nên “không thể nhịn ăn một năm để làm một sân bay”. Theo ông Khiết, số tiền đó mới trên dự án, còn thực tế có thể cao hơn do nhiều công trình đã bị đội vốn đầu tư.

“Sân bay Long Thành là điểm trung chuyển trong khu vực, vậy so với Singapore, Thái Lan độ chuyên nghiệp, hiện đại thì Việt Nam cạnh tranh ra sao”, ông Khiết băn khoăn.   

ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng, quyết định chủ trương phải đặt trong hoàn cảnh, khả năng của Việt Nam. Nếu thông qua chủ trương, thì năm 2016 bắt đầu các bước triển khai và 2018 khởi công. Trong khi, đây vẫn trong giai đoạn nợ công cao. Như vậy đã bỏ ra vài tỷ USD giải phóng mặt bằng nên phải cân nhắc kỹ chứ không thể cho chủ trương rồi mai kia lại bảo dừng lại.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn chứng 6- 7 công trình, dự án đã đưa ra QH xin chủ trương. Có công trình ra QH không ít những ý kiến băn khoăn nhưng sau đó chứng mình thấy quyết định đúng như dự án đường dây 500 KV; thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, cũng có công trình đến này thấy chưa hiệu quả như khai thác bô- xít Tây Nguyên.

Đối với dự án sân bay Long Thành, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, dự án là cần thiết nhưng vấn đề là vốn từ đâu. “Chưa có gì chắc chắn dự án huy động được vốn từ xã hội. Có chỗ dự án viết hơi lãng mạn, lạc quan, như sân bay Long Thành sẽ tạo ra thành phố sân bay, đô thị sân bay”, ông Nghị nói. 

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) bày tỏ, nợ công là nỗi lo lắng bao trùm của đại biểu QH và nhân dân. “Đưa ra dự án 18 tỷ USD lúc này là vấn đề lớn, là quyết định dũng cảm của Chính phủ và Bộ GTVT”, ông Thường nói và đề nghị làm rõ phương án khai thác kinh doanh. Ngoài ra, dự án cần khống chế suất đầu tư hợp lý hơn.

Nên lùi lại thời điểm thích hợp

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) chỉ rõ, trong điều kiện hiện nay tốt nhất nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chưa nên làm sân bay Long Thành. Lý lẽ ông Thiện đưa ra, diện tích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không phải không có, vì có thể lấy 156 ha đất dự án sân golf trong sân bay này. Cử tri nói rằng chính dự án sân golf đã làm mất lòng tin đối với họ. Ngoài ra, cần làm rõ xem dự án Long Thành có cấp thiết không?

“Dự kiến dự án này tiêu tốn 17,8 tỷ đô la là con số rất lớn, cho nên phải liệu cơm gắp mắm. Các báo cáo giám sát cho thấy đầu tư còn dàn trải, khai thác không hiệu quả, trong đó có nhiều dự án trong ngành giao thông. Nợ công, bội chi cao như vậy và chúng ta đang phải suy nghĩ kiếm tiền đâu tăng lương vậy mà lại đưa ra đầu tư dự án sân bay lớn như vậy có hợp lý không?”, ông Thiện bày tỏ.

Đồng tình quan điểm này, ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị hủy dự án sân golf, lấy đất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. “Làm gì thì làm phải chú ý đến niềm tin của dân. Dân hỏi tiền ở đâu mà làm? Chúng ta cũng không nên chỉ nhìn vào chiến lược ngành hàng không, trong đất nước còn nhiều vấn đề quan trọng, vấn đề an sinh khác.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh, đối với dự án Long Thành, QH cần cân nhắc, làm rõ thêm các luận chứng kinh tế. “Chúng ta có thể mù mờ nhưng cử tri không mù mờ mà rất sáng suốt, vì họ không có lợi ích, không phải e dè, phải né cấp trên hay cấp dưới. Tôi nghĩ với thông tin như thế này, QH cũng không nên quyết  chủ trương. Nên để đến kỳ họp sau để xem xét kỹ lưỡng hơn. Trong thời gian đó, ĐB cần thu thập thêm thông tin và Chính phủ cũng cần tổ chức một số hội nghị khoa học phản biện. Với một dự án lớn phải rất thận trọng, nếu không chúng ta sẽ để lại món nợ lớn cho con cháu”, ĐB Nghĩa phát biểu.

ĐB Nguyễn Thị Dung (TP.HCM) đề nghị nên nghiên cứu nhiều mặt của dự án, tốt nhất nên để đến sau năm 2030 sẽ tính toán. ĐB này cũng cho rằng hiện tại có thể mở rộng sân bay Biên Hòa theo hướng có thể sử dụng chung cho cả mục đích dân sự. “Khổ nhất cuối cùng vẫn là người dân, tôi mong QH nghiên cứu, cân nhắc thận trọng vì sự ổn định đời sống nhân dân”, bà Dung kiến nghị.

“Dự án nói sẽ đạt 50- 100 triệu khách/năm là hoàn toàn suy đoán. Thử hỏi 50 năm nữa khách vào ta được bao nhiêu? Đành rằng, lâu dài phải có sân bay mang tầm khu vực, nhưng lần này QH chỉ nên cho chủ trương. Còn thời gian làm, phải chờ ít nhất sau 2030, khi chúng ta có của ăn của để. Cho chủ trương để có quy hoạch, tránh chưa có dự án đã có chuyện phân lô bán nền, để rồi lại có những con đường đắt nhất hành tinh, những sân bay đắt nhất hành tinh”, ĐB Đương băn khoăn.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).