Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Sẽ kiến nghị sớm ban hành luật về tiền lương

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường (giữa) thăm công nhân làm việc ở hầm lò Hà Lầm, Quảng Ninh.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường (giữa) thăm công nhân làm việc ở hầm lò Hà Lầm, Quảng Ninh.
TP - Trò chuyện với Tiền Phong nhân kỷ niệm 130 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886- 1/5/2016), ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết, thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ kiến nghị với Quốc hội sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu.

Lương chưa đủ sống

Tiền lương của công nhân vẫn còn thấp, chưa đủ để đảm bảo cuộc sống và tái tạo sức lao động. Ông đánh giá thế nào về thực tế trên?

Đúng là tiền lương hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Mức tiền lương tối thiểu do nhà nước ban hành mới đang tiệm cận dần với mức sống tối thiểu chứ chưa đáp ứng được đủ nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hàng năm chưa tính đầy đủ hết các yếu tố cấu thành mà phần lớn dựa trên tính toán sự đồng ý chi trả của người sử dụng lao động... Điều này dẫn đến một thực tế đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp là công nhân đang sống dưới mức tối thiểu. Để có được mức thu nhập tạm đủ sống, người lao động phải chấp nhận thường xuyên tăng ca, làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày. 

Như vậy, tiền lương thực tế của người lao động chưa đáp ứng được việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Tiền lương chưa đủ sống hiện nay cũng là nguyên nhân chính lý giải vì sao ngừng việc tập thể, đình công vẫn là một hiện tượng thường xuyên diễn ra thời gian qua, đặc biệt là ở các khu công nghiệp.

Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo đồng lương cho công nhân phải đủ bù đắp, trang trải cho cuộc sống?

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động luôn là mục tiêu và nền tảng cho mọi hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ kiến nghị với Quốc hội sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu.  Đây là đạo luật rất quan trọng giúp người lao động được đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình và là cơ sở để thúc đẩy năng suất lao động cũng như an sinh xã hội. Mặt khác, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách về nhà ở, giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa, tinh thần cho người lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tham gia với trách nhiệm cao với tư cách là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhằm góp phần đưa ra mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu hợp lý cho người lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể giữa công đoàn và người sử dụng lao động với trọng tâm là vấn đề tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, đời sống tinh thần... của người lao động.

Sẽ kiến nghị sớm ban hành luật về tiền lương ảnh 1

Ông Bùi Văn Cường.

Nhiều sức ép từ TPP

Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động tại Việt Nam. Nhưng khi gia nhập TPP, người lao động có quyền lựa chọn tổ chức đại diện cho họ? Ông nhìn nhận thế nào về sức ép trên?

Khi  tham gia Hiệp định TPP, dự báo tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động như: việc phát triển đoàn viên, thành lập và xây dựng công đoàn cơ sở; quyền tham gia tố tụng, đại diện và bảo vệ người lao động...; tác động trực tiếp đến việc thu, chi tài chính công đoàn... Do đó, muốn tập hợp, đoàn kết được đông đảo công nhân, lao động hoạt động của công đoàn phải thiết thực, hiệu quả hơn, phải quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Như vậy, để người lao động tiếp tục đồng hành đòi hỏi Tổng LĐLĐ Việt Nam phải đổi mới phương thức hoạt động, có các giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn?

Đúng là thế. Các giải pháp đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động cần tập trung theo hướng xây dựng cơ chế đặc thù cho tổ chức công đoàn, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với công đoàn, vừa tạo điều kiện cho công đoàn khắc phục được những thách thức khó khăn. 

Để có thể thực hiện các giải pháp đổi mới thành công, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thực hiện nhiều mô hình thí điểm về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn. Trong đó, công đoàn phải thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động và các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền lợi người lao động. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn nhất là công đoàn cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả…

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG