Táo Trung Quốc dán tem Mỹ bán đầy chợ

Tem trên táo Trung Quốc (Trái), Tem trên táo Mỹ (Phải). Ảnh: VnExpress
Tem trên táo Trung Quốc (Trái), Tem trên táo Mỹ (Phải). Ảnh: VnExpress
Không chỉ dán mác Mỹ lên trái cây Trung Quốc, nhiều tiểu thương còn dán tem 'Cam Nam Phi' lên táo. Hầu như sạp trái cây nào bán táo cũng đều ghi xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Chile, thế nhưng vẫn khá nhiều sản phẩm Trung Quốc trà trộn.

Theo khảo sát tại các chợ ở TP HCM cho thấy, trái cây Trung quốc chiếm 50% tại chợ đầu mối, tuy nhiên, tại các chợ lẻ dường như số lượng lại có dấu hiệu giảm đi.

Tại chợ Văn Thánh (Bình Thạnh), khi hỏi mua táo, cam, chị Hoa, tiểu thương tại chợ này cho biết chị không hề bán trái cây Trung Quốc mà chỉ bán táo, lê nhập từ Nhật, Mỹ.

Chị còn một mực khẳng định táo, lê, cam chị lấy từ công ty nhập khẩu, có dán tem đầy đủ. Thế nhưng theo quan sát, trong kệ trưng bày trái cây của chị, hình dạng cũng như màu sắc của các trái cây không đồng đều nhau, trái tròn, trái dài. Khi hỏi về lý do màu sắc cũng như sự đồng đều của các trái không trùng khớp thì tiểu thương này chỉ ậm ừ là do sắp xếp lẫn lộn các loại với nhau. Giá táo được dán tem Mỹ ở đây bán dao động 80.000-110.000 đồng một kg.

Tại sạp trái cây của cô Hương, lê tròn màu trắng vàng nhạt được bày bán với số lượng lớn. Khi nói về xuất xứ của lê, cô Hương nhanh nhảu cho biết là sản phẩm từ Nhật, giá 45.000 đồng một kg. 

Còn bà Lan bán trái cây bên hông chợ Thị Nghè cũng bán loại này nhưng lại cho biết nguồn gốc ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, khi đem trái lê được mua ở đây sang một sạp bán trái cây nhập khẩu uy tín tại chợ Thị Nghè thì chủ sạp này cho biết không hề có lê Nhật mà chủ yếu là lê Trung Quốc. Bởi lẽ, chỉ có trái lê Trung Quốc là có hình dạng tròn và màu trắng vàng nhạt giống sản phẩm của Việt Nam. 

Chủ sạp này cũng cho hay trái lê Nhật vào thị trường Việt Nam rất hiếm. Còn lê Australia thường có màu đỏ vàng, trái dài; lê Hàn Quốc quả tròn, vỏ màu vàng nhạt, thịt trắng, giòn, ngọt và nhiều nước.

Táo Trung Quốc dán tem Mỹ bán đầy chợ ảnh 1

Lê Hàn Quốc màu vàng cam, lê Australia màu đỏ vàng và lê Trung Quốc màu trắng vàng nhạt. Ảnh: Hồng Châu.

Riêng về táo, cô Hương lý giải, gần đây, hầu như sạp trái cây nào bán táo cũng đều ghi xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Chile, thế nhưng len lỏi trong những mặt hàng này vẫn khá nhiều sản phẩm của Trung Quốc trà trộn. Bởi lẽ, nhiều chủ hàng ở đây sợ tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc nên đã tìm cách “lách” bằng cách dán tem, nhãn của châu Âu, Mỹ nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.

Chỉ lên kệ táo, cô Hương cho biết, lê và táo có nhiều loại, không chỉ hàng Hàn Quốc, Mỹ, Newzeland mà còn có cả hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng Trung Quốc thường có giá rẻ hơn 20.000-30.000 đồng một kg so với sản phẩm đến từ nước khác.

“Hiện lê màu trắng vàng nhạt gần như 90% là hàng của Trung Quốc, chỉ 10% còn lại của Việt Nam nhưng chỉ người trong nghề mới dễ nhận biết. Riêng táo, chỉ cần nhìn màu sắc và hình dạng là người tiêu dùng có thể phân biệt được. Còn mặt hàng nho, Trung Quốc chỉ có sản phẩm nho đỏ là hay bị gắn tem Mỹ, còn nho đen thì Trung Quốc không trồng được”, cô Hương giải thích thêm.

Khi đem sản phẩm táo Trung Quốc dán tem Mỹ cho đại diện Công ty rau quả Bình Thuận - đơn vị cung cấp trái cây nhập khẩu cho hầu hết các siêu thị và chợ tại TP HCM để nhờ nhận diện, thì vị này cho biết tem trên sản phẩm là nhãn của cam Nam Phi. Bởi lẽ, đối với nhãn dành cho táo, trên tem sản phẩm sẽ có hình trái táo hoặc dòng chữ để nhận diện. Còn trên tem của trái táo này lại có dòng chữ “Navel” chuyên dùng cho mặt hàng Cam. Như vậy, không chỉ dán tem tùy tiện mà nhiều tiểu thương còn dán tem sai.

Táo Trung Quốc dán tem Mỹ bán đầy chợ ảnh 2 Tiểu thương dán tem của cam Nam Phi lên trái táo Trung Quốc. Ảnh: Hồng Châu.
Đại diện Công ty Rau quả Bình Thuận cũng cho biết thêm, hiện nay trái cây Trung Quốc đội lốt hàng Mỹ, New Zeland trên thị trường rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, thông thường trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Australia có tem sẵn khi được vận chuyển vào Việt Nam và có thêm mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Còn trái cây Trung Quốc khi nhập qua Việt Nam thường không có mã vạch.

Thế nhưng điều bất ổn trên thị trường hiện nay là mỗi công ty nhập khẩu sẽ dán một loại tem riêng, nên khó phân biệt tem thật tem giả. Tuy nhiên, màu sắc và hình dạng trái cây là yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng nên để ý. Thông thường trái cây Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… có hình dạng, trọng lượng, màu sắc đậm hơn so với Trung Quốc. 

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho hay, việc các tiểu thương dán tem nhập khẩu giả lên trái cây đã được phát hiện cả chục năm nay và ban quản lý thị trường đã kiểm tra và bắt nhiều vụ. Tuy nhiên, để dẹp bỏ vấn nạn này rất khó, vì khi kiểm tra đơn vị kinh doanh luôn giấu diếm đợi cho đến khi quản lý thị trường “đi khuất” thì lại đem ra bán.

“Hiện nay các loại tem cho trái cây nhập khẩu vẫn in lậu tràn lan và rất khó kiểm soát. Do vậy, để bảo vệ thương hiệu của mình các nhà nhập khẩu phải tự tìm cách thay đổi nhận diện để cho người tiêu dùng phân biệt. Còn người tiêu dùng nên cẩn trọng và quan sát kỹ hơn khi mua hàng”, ông Kiếm khuyên.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức xác nhận, hàng đêm số lượng trái cây Trung Quốc như táo, lê, cam vẫn chiếm 50% sản lượng trái cây ngoại nhập tại chợ. Tuy nhiên, đối với sản phẩm bán tại đây, chợ vẫn phân thành khu bán sản phẩm rõ ràng. Còn việc phân bổ và bán hàng cho ai và bán như thế nào thì do tiểu thương hợp đồng với khách hàng. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong năm 2013, táo là sản phẩm được nhập với số lượng lớn, trị giá 23,8 triệu USD. Trong đó, có tới 53.000 tấn (chiếm 75% lượng táo nhập vào Việt Nam) là có xuất xứ từ Trung Quốc.

Riêng 8 tháng đầu năm 2014, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm tới 57% tổng lượng táo nhập khẩu. Mặt hàng cam có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 88% tổng lượng cam nhập về trong năm 2013.

Theo Hồng Châu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG