Tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư 5 tỷ USD vào khu Ba Son

Tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư 5 tỷ USD vào khu Ba Son
Tập đoàn EUNSAN và OUE (Hàn Quốc) đề nghị đầu tư dự án có số vốn dự kiến lên đến 5 tỷ USD tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son (quận 1) - xưởng đóng tàu lâu đời nhất Sài Gòn.

Theo UBND TP HCM, đây là một dự án trọng điểm trên địa bàn góp phần chỉnh trang đô thị theo quy hoạch khu trung tâm thành phố đã được duyệt, đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trong khu vực như cầu Thủ Thiêm 2, Tuyến metro số 1, trong đó có đoạn đi ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son.

Tuy nhiên, do đây là đất quốc phòng do Chính phủ và Bộ Quốc phòng quyết định. Vì vậy, nếu được Chính phủ và Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương giao Thành phố triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, UBND TP HCM và các sở, ban ngành có liên quan sẽ tập trung hỗ trợ Tập đoàn EUNSAN và OUE theo đúng quy định để kịp làm lễ khởi công xây dựng công trình vào dịp kỷ niệm 70 năm lễ Quốc khánh.

Trước đó, theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP HCM phê duyệt, khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (nằm trọn trong khu vực nhà máy Ba Son) được giới hạn bởi sông Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh. Toàn diện tích quy hoạch khoảng gần 24 ha, trong đó 40% dành cho khu trung tâm tài chính văn phòng, 20% khu ở, còn lại kinh doanh thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp. Định hướng chức năng của khu đô thị này ngoài mục đích trở thành trung tâm phức hợp, còn là công trình cao tầng tập trung, đồng bộ về tiện ích xã hội kỹ thuật, phát triển thương mại.

Để chuẩn bị cho việc triển khai dự án, lãnh đạo thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hướng dẫn Tập đoàn EUNSAN và OUE quy trình, thủ tục lập văn phòng đại diện tại TP HCM và lập tư cách pháp nhân theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu việc thành lập tổ công tác chuyên trách dự án nêu trên do lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận 1 và các đơn vị liên quan nghiên cứu việc quy hoạch và xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Xưởng cơ khí Ba Son thành một bảo tàng về lịch sử Cách mạng Việt Nam, phong trào đấu tranh của công nhân Ba Son và dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, bảo đảm sự hài hòa về kiến trúc với dự án tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son sẽ được xây dựng trong tương lai.

Liên hiệp nhà máy Ba Son là cái nôi phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân Sài Gòn từ trước giải phóng. Xưởng cơ khí mang số 323, đường số 12 trong khuôn viên xí nghiệp là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1969 đến 1980) từng làm việc và hoạt động cách mạng những năm 1915-1928.

Nhiều tài liệu cho rằng Nhà máy Ba Son được xây dựng vào năm 1858. Đến những năm đầu thế kỷ XIX, xưởng được mở rộng thành một công trường thủ công lớn. Đây là nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền, nơi đặt lò đúc các hạng súng lớn nhỏ bằng đồng hay bằng gang, tập trung hàng nghìn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau.

Nơi đây từng chứng kiến cuộc bãi công đòi tăng lương, nghỉ nửa ngày vào ngày lãnh lương của công nhân Thủy xưởng Ba Son nổ ra 4/8/1925 kéo dài đến 8 ngày.

Ngày 12/8/1993, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận Ba Son là di tích lịch sử

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.