Thâm nhập lò sang chiết gas lậu

Quy trình sang chiết gas lậu. Ảnh: PV.
Quy trình sang chiết gas lậu. Ảnh: PV.
TP - Những bình gas mini han gỉ, cũ nát như quả bom nổ chậm bày bán tràn lan, không kiểm soát ở nhiều phô  phường, quán ăn Hà Nội. Vỏ gas chỉ được phép sử dụng 1 lần nhưng các đầu nậu thu gom, sang chiết hàng chục lần bằng dụng cụ thô sơ. Trong vai thợ xin học nghề chiết gas, PV Tiền Phong đã thâm nhập đường dây sang chiết gas trái phép.

Bài 1: Tôi đi học nghề chiết gas lậu

Chỉ cần một khay chiết (gồm van tổng, dây gas, 4 van chiết nhỏ), 2 lít nước sôi, với thời gian 20 phút, thợ gas lậu đã chiết xong “quả gas” (cách gọi loại bình gas 12kg của thợ chiết gas - PV) sang gần 70 bình ga mini. Khi bình gas mini đầy, nếu thợ chiết chậm rút khỏi khay chiết gas, chỉ vài giây có thể khiến bình nổ tung.

Vào “lò” chiết gas

Qua nhiều mối quan hệ, PV Tiền Phong mới có thể làm quen với đầu nậu chuyên sang chiết gas mini lậu tên Thắng, chuyên cung cấp gas cho các quán lẩu, tiệm tạp hóa khu vực Cầu Giấy, Đống Đa (Hà Nội). Sau nhiều lần từ chối gặp mặt, hỏi rõ người giới thiệu, tôi mới được gặp anh Thắng tại một quán trà đá trên đường Láng. 

Thắng ì ạch dựng chiếc xe máy cũ, chất đầy 3 bao tải lớn bình gas mini và 1 bao tải nhỏ đặt phía trước xe. Sau một hồi dò xét, anh Thắng đồng ý dạy nghề cho tôi nhưng dặn trước: “Em suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định nhé. Nghề này lãi lớn nhưng phải liều, chấp nhận nguy hiểm mới bám nghề được, bởi sểnh chút chết cháy thành than luôn đó”.

“Với quả gas mới, chỉ cần vài giây là đầy một bình 2,8 lạng, em phải nhanh tay đặt ra ngoài. Nếu chậm chỉ 1 hay 2 giây, vượt quá khối lượng, vỏ bình gas mỏng không chịu được áp suất sẽ nổ tung, mình cũng cháy thành than luôn”.

Thợ chiết ga lậu Nguyễn Văn Thắng

Trước kia, điểm chiết gas của anh Thắng đặt ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi báo chí đưa tin về các vụ nổ lò sang chiết gas lậu làm chết người, công an và quản lý thị trường kiểm tra gắt gao, anh chuyển “đồ nghề” về quê làm. Theo anh Thắng, về quê tuy đi giao gas hơi xa nhưng an toàn, tránh bị cơ quan chức năng bắt. Sau khi tôi khẳng định chắc chắn, muốn học nghề, Thắng dẫn tôi theo Quốc lộ 6, đi thẳng về xã Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội).

Trên đường về nhà Thắng, dễ gặp nhiều xe máy chở những bao tải gas chờ hàng. Vừa chỉ về phía một người đi xe máy chở theo thùng xốp, anh Thắng cho biết: “Ngoài bao tải, họ còn đựng bình gas mini vào các thùng xốp để không bị để ý. Ở xã anh có hàng chục người làm nghề chiết gas này, lượng bình gas mini cung cấp cho cả Hà Nội và khu vực lân cận”.

Về đến nhà, anh Thắng nhanh nhẹn dỡ từng bao tải gas đặt vào phòng nhỏ trong nhà bếp. Trong căn bếp nấu, hơn chục “quả gas” xếp la liệt, bình gas mini tràn đầy sàn bếp. Theo anh Thắng, chiết gas rất dễ, người học nhanh chỉ nửa tiếng là làm được. Khay chiết giá khoảng 1 triệu nhưng chỉ đặt chỗ quen mới có.

Thắng bắt đầu dốc ngược quả gas, nối van của khay chiết vào quả gas. “Khí gas vốn lạnh, mình bọc nước sôi phía trên quả gas nhằm tạo áp suất. Nóng đẩy lạnh, khí gas sẽ được dồn xuống phía van gas, đẩy gas ra các bình mini”, anh Thắng vừa dùng tấm ni lông bọc phía trên quả gas để chứa nước sôi vừa giải thích.

Thâm nhập lò sang chiết gas lậu ảnh 1

Trong “lò” sang chiết gas lậu.

Phát hoảng với bom gas lẫn bột mì

Sau khi tạo áp suất bằng nước sôi, anh Thắng hướng dẫn tôi phân loại vỏ bình gas mini. Bình nhìn bên ngoài còn mới sẽ dùng chiết 2,8 lạng (280 gam), giá nhập 8.000 đồng, các cửa hàng bán lẻ bán 10.000 đồng. Một “quả gas” chiết được khoảng 70 bình gas mini, lãi gần 300.000 nghìn đồng. Loại xấu hơn chiết 2,4 lạng, giá nhập 6.000 đồng, loại xấu nữa chiết 2,1 lạng, nhập 5.000 đồng. 

“Trên bình gas toàn chữ nước ngoài, có con số 250 gam, chắc là khối lượng nên anh chiết cao nhất là 280 gam để tránh bị nổ. Vỏ bình này, anh mua từ những người chuyên thu gom đồng nát. Họ mua lại ở các nhà hàng dùng 1 lần rồi vứt đi với giá 5.000 đồng/bình. Phân loại vỏ bình rất quan trọng bởi cho khối lượng lớn vào vỏ bình yếu (tức bình cũ, han gỉ - PV), không chịu được áp suất là nổ ngay”, anh Thắng nói và bắt đầu “làm xiếc” với bom gas mini.

Một tiếng xì phát ra khi anh Thắng vặn khóa, gas tràn ra đường ống dẫn vào khay chiết. Anh Thắng thoăn thoắt đưa bốn bình gas nhỏ lần lượt đặt vào van chiết. Tiếng xì xì phát ra khi gas được chiết dần sang bình gas mini. Trong căn bếp nhỏ, nồng nặc mùi gas. Cách đó một bức tường mỏng, xập xệ, vợ anh Thắng đang nấu cơm chiều, ánh lửa bập bùng.

Đặt hết một lượt, anh Thắng rút bình đầu tiên cho vào khay gas, đưa lên cân đồng hồ trước mặt. Bình gas chiết đầy được đưa ra phía sau, anh Thắng nhanh tay đặt bình gas mới vào vị trí còn trống. Anh lần lượt thao tác, các bình tiếp theo nhanh chóng tràn đầy gas trong vài giây. Quy trình đặt vào khay chiết, cân thử, đặt bình mới vào chỗ trống được anh Thắng thoăn thoắt thao tác. Chưa đầy 20 phút, 70 bình gas mini đã hoàn thành.

Anh Thắng bắt đầu dạy nghề cho tôi. Ngồi vào chiếc ghế gỗ cạnh khay chiết, mùi khí gas nồng nặc, nhìn khay chiết, dây dẫn mỏng manh, hơi nước bốc lên từ quả gas, tôi run cầm cập. Anh Thắng trấn an: “Cứ yên tâm, em mới học nghề, anh sẽ cho em chiết khi “quả gas” sắp hết. Gas sẽ chảy từ từ không sợ nổ”.

Vừa chiết được 3 bình gas mini, khi đang cầm bình thứ 4 đặt lên cân, tôi giật bắn mình bởi hơi lạnh ngấm vào lòng bàn tay. Thấy tôi đặt vội bình gas xuống đất, anh Thắng giải thích: “Bình này hoen gỉ bên sườn khiến gas bị rò. Nhiều người không chọn bình trước khi chiết, gas gỉ ra mạnh khiến tay bị bỏng. 

Bỏng lạnh do khí gas độc lắm, hơi lạnh đến đâu, khô cháy thịt tới đó, thậm chí bỏng vào tận xương. Bình gỉ không bao giờ bị nổ, chỉ có bình bị axit ăn mòn khiến mỏng vỏ, mới dễ nổ khi chiết”. Đặt bình gas bị rò lên cửa sổ, anh Thắng dùng van nhỏ, chiết gas từ bình gas bị rò sang bình khác.  

Anh Thắng cho tôi chiết gần 20 bình gas mini, sau đó anh dạy cách quét sơn nhũ lên nắp để bình được mới hơn. Theo chỉ dẫn, tôi dùng xăng pha lẫn sơn nhũ vào một lọ nhỏ rồi dùng chổi, lần lượt quét lên phía trên nắp. 

Chỉ vài nhát chổi, bình gas hoen gỉ đã trở nên sáng bóng như mới. Thủ thuật cuối cùng của nghề chiết gas là dùng xi lanh bơm bột mỳ để tăng trọng lượng bình gas. Bột mỳ được hòa loãng, hút đầy vào xi lanh, cắm vào van nhỏ, đặt trên miệng bình gas. Bơm bột mỳ giúp bán dễ hơn.

Sau buổi học đầu tiên, anh Thắng dẫn tôi đi mua đồ nghề chiết gas ở cửa hàng bán phụ kiện bếp gas trên phố Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội). Một khay chiết 4 van, giá 700.000 đồng. Tất cả vỏ bình gas anh Thắng đang sử dụng đều ghi do Cty Cổ phần khí hóa lỏng miền Bắc nhập khẩu.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện xã Đồng Phú có hàng chục người lén lút sang chiết gas sang bình mini trái phép để cung cấp cho Hà Nội và vùng lân cận.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG