Thành công nhờ liên kết chăn nuôi nông hộ

Thành công nhờ liên kết chăn nuôi nông hộ
TP - Chăn nuôi bò sữa theo mô hình nông hộ ở Mộc Châu (Sơn La) đang phát triển mạnh, nhờ liên kết chặt chẽ với nhà máy chế biến. Các khâu từ vắt sữa, bảo quản, vận chuyển, chế biến… đều được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo cho sữa chất lượng an toàn.

> Đồng hành với 4.000 nông dân
> Thông báo tiền sữa đến nông dân bằng tin nhắn

Tuân thủ nghiêm ngặt

Ông Phạm Văn Tế, khu Vườn đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu hiện chủ trang trại 80 con bò sữa, thuộc dạng lớn ở Mộc Châu. Ông chia sẻ, công đoạn vắt sữa ngoài việc tuân thủ ngặt nghèo về kỹ thuật, còn phải lưu ý con bò bị tác động rất lớn về tâm lý khi
nhả sữa.

Chất lượng, sản lượng sữa không chỉ phụ thuộc vào thức ăn, còn phụ thuộc vào tâm lý con bò khi vắt. “Thời gian vắt sữa bò cần sự yên tĩnh, giờ vắt cố định, thời gian vắt không quá 10 phút, mỗi ngày vắt làm 2 lần, vắt xong chỉ 2-5 phút sau phải cho sữa vào thùng bảo quản lạnh. Nếu vắt không hết sữa, có thể bò sẽ bị viêm vú”- ông Tế nói.

Theo ông Phạm Văn Nhán, Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đều vắt sữa bằng máy. Để cho dòng sữa đảm bảo sạch, bò được tắm rửa mỗi ngày hai lần, trước khi vắt, bầu vú bò phải được phun rửa sạch để đảm bảo vệ sinh.

Ông Nhán cho hay, để kích thích bà con, hàng tháng Cty cử một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra từng hộ về các điều kiện chăn nuôi, sau đó chấm điểm theo từng loại tốt, xấu. Hết quý, Cty sẽ tổng kết một lần, hộ nào đạt loại tốt, sữa đạt loại một sẽ được trả thêm 800 đồng/kg giá sữa.

Hiện ở Mộc Châu 18 điểm thu mua sữa tươi của Cty, đặt gần trại bò của người nuôi, nên việc mua, kiểm tra chất lượng và đảm bảo sữa được tốt, chất lượng cao.

Trung bình, cứ 40 hộ chăn nuôi có một trung tâm thu mua sữa, nhằm bảo đảm chất lượng sữa và giúp người dân không phải vận chuyển xa. Sau khi thu mua (sữa bò mới vắt ra ở nhiệt độ 35 - 37 độ C) sữa sẽ được chuyển xuống bảo quản ở nhiệt độ 2 - 4 độ C, và kiểm tra nhanh độ tươi của sữa để phân loại.

Ông Nhán cho hay, các bình sữa sẽ được lấy mẫu để kiểm tra chỉ tiêu như: nhiệt độ, hàm lượng chất khô, chất béo, tỷ lệ vi sinh… trong sữa. Tất cả số sữa thu mua từ các hộ chăn nuôi sẽ được vận chuyển về nhà máy bằng xe chuyên dụng.

Nâng quy mô đàn bò nông hộ

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn bò cả sữa cả nước đến ngày 1/4/2013 là trên 174 nghìn con, sản lượng sữa đạt 222 nghìn tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện chăn nuôi bò sữa tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam bộ với 89.700 con, chiếm trên 53% tổng đàn bò sữa cả nước (trong đó TPHCM chiếm gần 50% tổng đàn). Các địa phương có đàn bò sữa lớn, ngoài TPHCM, còn có Nghệ An, Sơn La, Hà Nội, Long An, Lâm Đồng, Sóc Trăng…

Ông Dương cho biết, ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam hiện chủ yếu là nuôi nông hộ quy mô nhỏ. Cả nước có trên 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình 5,3 con/hộ; trong đó phía Nam là 12.626 hộ, trung bình 6,3 con/hộ; phía Bắc 7.013 hộ, trung bình 3,7 con/hộ; có 384 hộ gia đình và Cty (chiếm 1,95%) chăn nuôi quy mô đàn từ 20 con trở lên.

Theo ông, xu hướng chăn nuôi bò sữa nước ta quy mô đàn dưới 5 con đang giảm dần, quy mô từ 5-10 con trở lên đang tăng. Đặc biệt là những khu vực chăn nuôi mô hình nông hộ, thuận lợi về khí hậu như Lâm Đồng, Mộc Châu (Sơn La).

Tại Sơn La, Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu vẫn tiếp tục phát triển liên kết với nông hộ. Hiện Cty nâng quy mô hộ bình quân từ 20-25 con/hộ lên 35-50 con/hộ; và số hộ từ 80-100 con/hộ chiếm 25-30%. Cty thực hiện hỗ trợ tới các hộ chăn nuôi từ 700-1.000 đồng/kg thức ăn tinh bột và cỏ Alfalfa; hỗ trợ cho vay vốn từ 50 - 70% phần vốn cho các hộ đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, 5 triệu đồng/con bò mới mua về…

“Ở Mộc Châu hiện đã có nhà máy trộn thức ăn hỗn hợp (TMR) phục vụ chăn nuôi bò sữa; bò được chăm sóc sức khỏe và hưởng dịch vụ thú y miễn phí, được thụ tinh miễn phí với nguồn giống cao sản tốt, sữa chất lượng cao nên được thu mua với giá gần như cao nhất cả nước”- ông Phạm Văn Nhán nói. Đặc biệt trong những năm qua Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu triển khai thành công nhất cả nước về bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa, giúp các hộ nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Hiện Mộc Châu đang thực hiện thành công chính sách chăn nuôi nông hộ. Dự kiến, đến năm 2015, Mộc Châu sẽ nâng tổng đàn bò lên 17.000, sản lượng sữa đạt 100.000 tấn; đến năm 2020 đạt 35.000 đến 40.000 con, sản lượng sữa đạt 180.000 đến 200.000 tấn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.