Thật giả xứ dầu tràm

Nhìn từ bên ngoài chai, với nhiều màu sắc khác nhau, khó phân biệt đâu là dầu tràm thật
Nhìn từ bên ngoài chai, với nhiều màu sắc khác nhau, khó phân biệt đâu là dầu tràm thật
TP - Nhiều người gọi vùng nam Phú Lộc, tỉnh TT - Huế, là thủ phủ dầu tràm miền Trung. Nghề dầu tràm phục hồi, nhiều chủ lò dầu vẫn không vui bởi thật - giả lẫn lộn.
Nhìn từ bên ngoài chai, với nhiều màu sắc khác nhau, khó phân biệt đâu là dầu tràm thật
Nhìn từ bên ngoài chai, với nhiều màu sắc khác nhau, khó phân biệt đâu là dầu tràm thật.

Một thuở, những rừng tràm, rừng bổi (cây chổi) mọc bạt ngàn suốt vùng nam huyện Phú Lộc. Lá tràm, lá bổi mọc tự nhiên được dân nghèo hái về đun sôi đơn giản làm thuốc xông. Lâu dần, lá tràm được chưng thành tinh dầu chữa bệnh, hình thành nên làng nghề nấu dầu tràm.

Một thời thiếu thốn thuốc men, dường như gia đình nào ở vùng nam Phú Lộc cũng có chai dầu tràm thần dược trị bá bệnh.

Nghề dầu tràm Phú Lộc có một thời kỳ hưng vượng với hàng chục lò chưng cất nổi lửa suốt ngày đêm, tập trung chủ yếu ở vùng Nước Ngọt (nay là xã Lộc Thủy). Sản phẩm được xuất vào Nam, ra Bắc, sang Lào.

Dầu tràm đã trở thành một thứ hiếm, ít được nhắc tới cho đến đầu những năm 2000, khi người dân có xu hướng quay lại với sản phẩm truyền thống được sản xuất sạch, hiệu quả sử dụng tốt. Nghề dầu tràm Phú Lộc hồi sinh trở lại.

Dọc Quốc lộ 1A hiện nay trên chiều dài hơn 30km qua các xã vùng nam Phú Lộc như thị trấn Phú Lộc, Lộc Trì, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lăng Cô, dầu tràm đóng chai được bán dày đặc, với gần 1.000 điểm tiêu thụ lẻ. Hằng ngày, hàng trăm chai dầu tràm được bán đi, nhưng chưa đến một nửa trong số đó là dầu tràm chính gốc Phú Lộc.

Bật chai dầu tràm sánh vàng, ngào ngạt thơm vừa ra lò, bà Nguyễn Thị Tam (xã Lộc Thủy) cho biết: “Nếu dầu tràm thứ thiệt, dù đứng xa năm, bảy mét cũng nhận được mùi cay nồng xộc lên mắt, mũi. Dầu nhái nơi khác đưa về, khi hít vô mũi vừa ít có vị cay mà lại nặng mùi như nhựa thông hay mùi dầu nhớt. Cho tới chừ, trong vùng không ai biết dầu nhái được pha chế bằng cách chi, có chứa hóa chất độc hại không”.

Ông Trương Diệp (xã Lộc Thủy) nói: “Dầu thứ thiệt giá cao, khách mua nơi xa không phân biệt được thật giả nên cứ chọn dầu nhái vì ham đồ rẻ. Dân đây buồn và lo lắm. Danh tiếng dầu tràm Phú Lộc không khéo rồi sẽ bị đánh mất bởi dầu rởm, dầu nhái từ nơi khác đưa về”.

Nhiều bô lão địa phương nhận xét, dầu tràm nơi khác có chất lượng không bằng dầu ở Phú Lộc nên sinh ra hàng rởm. Dầu tràm Phú Lộc có chất lượng vượt trội là nhờ bí quyết truyền thống, nguồn nước đặc biệt, nguồn nguyên liệu tự nhiên tốt.

Hiện nay, một chai dầu tràm nguyên chất (loại 300ml) ở Phú Lộc có giá bán khoảng 50 - 60 ngàn đồng. Dầu nhái, dầu rởm có giá chỉ bằng nửa dầu thật.

“Nếu dầu các nơi tốt hơn, chất lượng cao hơn, thì vì răng họ không dám cạnh tranh sòng phẳng với dầu Phú Lộc, mà đi mượn danh dầu ở đây để tồn tại. Lo nhất hiện nay là gần 2/3 lượng dầu tràm bày bán tại Phú Lộc là hàng nhái, không rõ xuất xứ, hoặc dầu mang thương hiệu vùng khác”, anh Nguyễn Văn Hào, xã Lộc Thủy, nói.

Dạo một vòng qua nhiều điểm bán lẻ dầu tràm ở Phú Lộc, hầu như nơi đâu cũng bày bán loại dầu không rõ nguồn gốc.

Theo UBND xã Lộc Thủy, chính quyền địa phương đang xúc tiến đề án xây dựng làng nghề dầu tràm truyền thống, nhằm tạo điều kiện sản xuất dầu theo hướng tích cực, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, xóa bỏ hàng rởm, hàng nhái từ nơi khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG