Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo:

Thực hiện nghiêm việc công khai tài sản

TP - Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị: “Thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, từng bước nghiên cứu việc quản lý tài sản cá nhân thông qua cơ chế nộp thuế cho nhà nước, từ đó có điều kiện xác định tài sản bất minh”.

Tham nhũng thường rơi vào người có chức, quyền

Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, để chống tham nhũng, chúng ta đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng tham nhũng có nguyên nhân từ yếu kém trong quản lý điều hành, được thể hiện rõ là tình hình vô trách nhiệm, thiếu kiểm tra, nhắc nhở, là bệnh thành tích. Nhiều cơ quan đơn vị đang tồn tại tình trạng: “Cái tốt thì thích thổi phồng, cái xấu thì tìm mọi cách che giấu, bưng bít”. Không ít ý kiến lại cho rằng, sở dĩ có tình trạng tham nhũng là vì hệ thống luật pháp của ta vừa thiếu, vừa không đồng bộ; còn có tình trạng ngược nhau, vô hiệu hóa lẫn nhau trong các quy định của một số bộ luật. Tình trạng này, suy cho cùng chính là tình trạng “cơ chế” không rõ ràng. Cũng có ý kiến về các phương án, đề án cải cách cơ chế, là duy trì sự nghiêm minh của pháp luật, là Nhà nước phải có “bàn tay sắt”... “Từ lý luận đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá xa và công cuộc chống tham nhũng cho hữu hiệu vẫn còn đó như một thách thức” – Ông Thảo nói.

Thực hiện nghiêm việc công khai tài sản ảnh 1

Chủ tịch Thành phố Hà Nội cho rằng “thực tế các vụ việc tham nhũng thường rơi vào người có chức có quyền”. Vấn đề đặt ra ở đây là bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật khiến không ai có thể lợi dụng nó để tham nhũng, điều rất cần thiết là phải giáo dục con người. Đã là cán bộ, nhất là người có chức, có quyền càng cao càng phải nêu gương về phẩm chất đạo đức trước cấp dưới, trước quần chúng nhân dân. Chính sự gương mẫu đó có sức mạnh hơn cả những quy định và những bộ luật.

Chủ tịch Thành phố nhận định, sau khi Hà Nội mở rộng, đặt ra nhiều thách thức về sự phát triển hạ tầng; đồng thời tình hình tham nhũng diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất đạo đức đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp, những kẽ hở trong cơ chế, chính sách và điều hành để tham nhũng, trục lợi. Mặc dù đã cố gắng hạn chế không để xảy ra những vụ tham nhũng lớn, nhưng công tác đấu tranh chống tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn. Hậu quả tham nhũng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Xử lý nghiêm để không dám tham nhũng

“Cần có những biện pháp, quy định vừa trừng trị, vừa phòng ngừa tham nhũng; thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, từng bước nghiên cứu việc quản lý tài sản cá nhân thông qua cơ chế nộp thuế cho nhà nước, từ đó có điều kiện xác định tài sản bất minh; xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng; quy định chế tài nghiêm khắc, làm cho công chức không dám tham nhũng” – Ông Nguyễn Thế Thảo nói.

Trong giai đoạn 2006-2010, Thành phố Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, giám sát hàng ngàn tổ chức đảng, và hàng chục ngàn đảng viên, đã kỷ luật 95 tổ chức đảng, 3.406 đảng viên vi phạm. Riêng từ năm 2011-2013, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 247 tổ chức đảng và 946 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, qua đó tiến hành kỷ luật 2.573 đảng viên (có hàng trăm cán bộ, đảng viên tiêu cực, trục lợi). Qua thanh tra, Thành phố cũng phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi hơn 1 nghìn tỷ đồng, 1.790 ha đất, kiểm điểm 124 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc nghiêm trọng.

Hồng Phúc (ghi)

Để PCTN đạt hiệu quả, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần đề cao việc giáo dục cán bộ, đảng viên, nêu cao vai trò của người đứng đầu. Thành ủy đã chỉ đạo phải công khai minh bạch trong xét tuyển, đề bạt bổ nhiệm cán bộ. Việc bố trí cán bộ quản lý theo hướng đang từng bước thí điểm công khai thi tuyển, nhằm ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền. Thành phố thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn 2013-2015; xây dựng đề án xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức tại các cơ quan chuyên môn. 

Chủ tịch Thành phố Hà Nội kiến nghị, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tiếp tục thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. “Cần chỉ đạo xử lý nghiêm những người phạm tội tham nhũng bất kể vị trí, cương vị công tác nào. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị cần được đặt lên hàng đầu”.

Cùng với đó, Chủ tịch Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy cơ chế, vai trò giám sát, phát hiện của quần chúng nhân dân để công tác PCTN đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh:

Tài sản không giải trình được bị coi là bất hợp pháp, phải tịch thu

“Cần nghiên cứu để sớm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng quy định việc mua, bán tài sản có giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản. Giao cho một cơ quan ở Trung ương làm đầu mối quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm soát, tiếp nhận, xử lý thông tin, xác minh về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn; bổ sung quy định về việc xử lý đối với các khoản thu nhập không kê khai hoặc kê khai không chính xác. Đặc biệt, cần bổ sung quy định về việc người có nghĩa vụ kê khai tài sản có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của người đó mà không giải trình được một cách hợp lý thì tài sản đó bị coi là bất hợp pháp, phải bị tịch thu. Người sở hữu tài sản đó có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.