Thực phẩm tăng theo giá xăng

Giá thịt lợn tại Hà Nội tăng 10.000 đồng mỗi kg trong những ngày gần đây. Ảnh: BH
Giá thịt lợn tại Hà Nội tăng 10.000 đồng mỗi kg trong những ngày gần đây. Ảnh: BH
Giá thịt gà, thịt lợn tại Hà Nội tăng mạnh, trong khi tại TP HCM giá cả các loại rau biến động sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu đầu tháng 7.

Các tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân, Mỹ Đình, Thành Công (Hà Nội)... đều cho biết giá đa số các mặt hàng đều nhích từ khoảng nửa tháng nay. Trong đó, tăng mạnh nhất là thịt lợn, gà. Chị Lan, bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân cho hay, nửa tháng nay, giá thịt tăng khoảng 10.000 đồng mỗi kg. Trước đó, giá bán ra của thịt lợn dao động 85.000-90.000 đồng thì nay lên 95.000-100.000 đồng, tùy loại.

“Các lò mổ đều nói lý do là do xăng tăng khiến cước vận chuyển và một số chi phí cao hơn. Còn thực tế, nguồn cung mùa này không giảm”, chị Lan nói. 

Giá thịt gà cũng mới tăng thêm 10.000 đồng mỗi kg. Gà ta sống hiện được các chợ bán với giá 150.000 - 160.000 đồng một kg. Theo các tiểu thương, vào cuối tháng 6 giá gà đã tăng 5.000 đồng mỗi kg sau khi số lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc giảm so với thời gian trước. Thêm đợt giá xăng tăng khiến mặt hàng này càng đội lên cao hơn. 

Trong khi đó, giá thịt bò và loại rau lại giữ được mức ổn định hơn. Hiện thịt bò loại ngon vẫn ở mức 280.000 – 300.000 đồng một kg, tùy từng chợ. 

Các loại rau, nhờ nguồn cung dồi dào nên giá cũng không biến động. Chị Nga, một tiểu thương bán rau tại chợ Đồng Xa cho hay, cách đây chục ngày, riêng mặt hàng cà chua tăng giá mạnh từ 20.000 lên 30.000 đồng một kg vì nguồn cung giảm. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, giá ổn định hơn ở mức 20.000 đồng.

Các mặt hàng rau củ quả khác giá không tăng, kể cả những ngày mưa bão. Cụ thể, rau ngót, mồng tơi 3.000-3.500 đồng mớ, đậu cove 20.000 đồng một kg, cải ngọt 15.000 đồng một kg, mướp đắng 10.000 đồng một kg… 

Ở TP HCM, sau khi giá xăng tăng và mưa bão liên tục nhiều ngày qua, một số mặt hàng thực phẩm cũng tăng giá so với tuần trước đó. 

Tại chợ Văn Thánh, Thị Nghè, Bà Chiểu (Bình Thạnh), Tân Định, Thái Bình (quận 1) so với tuần trước, súp lơ xanh tăng giá mạnh nhất từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng một kg. Xà lách cuộn 35.000 đồng lên 40.000 đồng. Cà rốt Đà Lạt tăng 5.000 đồng lên 30.000 đồng một kg. Giá khoai tây tăng từ 18.000 đồng lên 22.000 đồng một kg. Các loại rau có lá khác như cải ngọt, cải bẹ lên mức 15.000-17.000 đồng một kg.

Bí xanh, bầu, khổ qua 2 tuần trước đó có giá 10.000-12.000 một kg, nay đắt thêm 5.000 đồng. Rau muống là loại ít biến động về giá nay cũng đắt thêm 2.000 đồng một kg, lên 10.000 đồng.

Không chỉ rau xanh tăng giá mà một số loại thực phẩm khác cũng tăng theo giá xăng. Cụ thể, tại một số chợ giá thịt heo tăng thêm 1.000-3.000 đồng một kg, hay trước đó giá trứng gia cầm cũng tăng từ 3.000 đến 5.000 đồng một hộp (10 quả). 

Lý giải nguyên nhân tăng giá, nhiều tiểu thương cho biết do mưa bão nên lượng hàng giảm sút, nguồn cung không ổn định khiến thực phẩm bán lẻ tăng giá. Bên cạnh đó, giá xăng cũng như chi phí vận chuyển một số mặt hàng đang tăng nên thương lái buộc phải điều chỉnh giá để bù đắp chi phí.

Chị Hạnh, tiểu thương chợ Văn Thánh cho hay, trước đây chị đổ 50.000 đồng tiền xăng vận chuyển hàng được 4 ngày, nhưng nay chưa tới 3 ngày đã phải đổ đợt mới. Cho nên, mỗi kg rau của chị cũng phải gánh thêm vài trăm đồng tiền chi phí.

Còn chị Hằng, chủ sạp bán rau củ tại chợ phường 25 (Bình Thạnh), cho biết trước đây thuê một chuyến xe chở hàng từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức về mất 150.000 đồng, nay do xăng tăng giá nên chủ xe đòi thêm 50.000 đồng nữa mới chở. Cho nên chị cũng buộc phải tăng giá bán lẻ một số mặt hàng để bù vào tiền chở hàng.

Không chỉ thực phẩm tăng giá, một số hàng quán ở TP HCM cũng rục rịch tăng. Mới đây một số quán phở, hủ tiếu ở quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 3 cũng tăng thêm 2.000-3.000 đồng một tô. Nguyên nhân là do đầu mối giao hàng báo tăng giá liên tục thời gian gần đây nên để đảm bảo chất lượng chủ quán buộc phải tăng giá.

Theo Song Hà

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.