Tín dụng đang chuyển biến tích cực

Tín dụng đang chuyển biến tích cực
TPO - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đến ngày 24/10/2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã xấp xỉ đạt 7,85% so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, con số này là tín hiệu tốt cho thấy tín dụng đang đi 'đúng và trúng'.

Tín dụng đang đi vào thực chất hơn

Với nhận xét chất lượng tín dụng đang phát triển thực chất chứ không bị “ảo”, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) khá lạc quan: “Tôi thấy mừng cho thị trường tài chính hiện nay, nó đang lành mạnh hóa. Tín dụng đang đi vào thực chất của cuộc sống, đang chảy đến chỗ thực sự cần, đó là các hoạt động sản xuất chính của nền kinh tế, hơn là cho vay đầu cơ bất động sản, đầu tư tài chính”. 

Để minh chứng cho nhận định này, ông Trung làm phép so sánh: trước đây, tăng trưởng tín dụng 30% - 40%, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%; hai năm qua, tăng trưởng tín dụng dao động quanh con số 10% nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn quanh mức 5%. 

Dù cho rằng tăng thấp do nguyên nhân chính là cầu tín dụng còn yếu nhưng tiến sĩ Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo cán bộ BIDV nhận xét: “Tín dụng đi vào những chỗ tốt hơn theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tập trung hơn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, tăng trưởng đều từ 5-12%, hạn chế vốn đi vào những chỗ rủi ro, đồng vốn đi đúng chỗ, hiệu quả hơn. Xu hướng tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước, chứng tỏ cầu tín dụng đã nhúc nhích tăng lên”. 

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng lớn ở phố Wall (Mỹ), Tiến sĩ Alan Phan nhìn nhận mức tăng trưởng tín dụng hiện nay là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế. “Đây chính là thời điểm các doanh nghiệp có cơ hội để phát triển nguồn lực nội tại của mình bằng những phương thức khác ngoài vay vốn. Họ sẽ tập trung hơn để giải những bài toán về thị trường, về chất lượng sản phẩm.

Từ góc nhìn tổng thể về nền kinh tế Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Alan Phan cho rằng: “Không nên đặt quá nặng vấn đề tăng trưởng tín dụng, đây không phải là giải pháp cho mọi bài toán vì nền kinh tế vận hành trên nhiều chân rết. FDI và kiều hối khá tốt, dòng tiền và hệ thống tài chính cũng đang ổn định”.

Quyết liệt đưa vốn vào nền kinh tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm để có thể cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. NHNN tiếp tục triển khai tích cực Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng.

Thực tế, thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã quyết liệt tổ chức, triển khai chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần bảo đảm an sinh - xã hội. Nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã được triển khai như: chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, chương trình liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng, chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm nông sản xuất khẩu, mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, mô hình cánh đồng mẫu lớn; chính sách cho vay hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. 

NHNN cũng phối hợp với các chính quyền địa phương, chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tích cực triển khai các chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp tại các địa phương, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Với những giải pháp tích cực mà hệ thống ngân hàng đã triển khai, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietinbank cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để thấy tăng trưởng tín dụng cuối năm sẽ khả quan hơn.

“Theo thông lệ nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào cuối năm. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành cũng đã có nhiều giải pháp kích thích nhu cầu tiêu dùng, sản xuất. Nếu các dự án, phương án vay vốn của khách hàng có tính hiệu quả và cân đối nguồn trả nợ tốt thì không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm vẫn vay được vốn”, ông Thọ khẳng định.

MỚI - NÓNG