Doanh nhân David Dương:

Tôi lạc quan khi về đầu tư ở Việt Nam

Ông David Dương.
Ông David Dương.
TP - Trở về quê hương sau hơn 30 năm tạo dựng cơ ngơi với biệt danh “vua rác” trên đất Mỹ, doanh nhân David Dương nói rằng ông về Việt Nam với hai lý do: vì tâm nguyện của bố mẹ và muốn giải quyết vấn đề rác thải của TPHCM vốn đang nan giải thời điểm những năm 2000.

Bắt đầu khởi động dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại TPHCM năm 2005, đến nay doanh nhân David Dương đã tạo nên diện mạo mới cho vấn đề bảo vệ môi trường ở thành phố 10 triệu dân này. Ông cho rằng có được khu xử lý rác tầm cỡ khu vực với công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ như hôm nay là nhờ vào những chính sách thông thoáng, thu hút đầu tư mà nhà nước và TPHCM đưa ra. 

“Chúng tôi đã tham gia hai cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo của thành phố và doanh nghiệp đầu tư trong nước cũng như nước ngoài được tổ chức đầu năm nay. Những cuộc gặp với chủ đề “lắng nghe và đổi mới” như thế cho thấy quyết tâm thay đổi của thành phố trong đầu tư là rất lớn. Đó là một tín hiệu đáng mừng, nó cũng giúp chúng tôi lạc quan khi về đầu tư”- David Dương nhìn nhận.

“Tín hiệu của năm  2016 rất tốt, khi Bí thư thành uỷ Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có cuộc gặp gỡ với những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và tuyên bố sẽ làm những điều tốt hơn. Về vấn đề của chúng tôi ông Đinh La Thăng cũng nói là đã được xử lý từ lâu, trong khi TPHCM cũng đưa ra văn bản họp báo thông báo rõ ràng. Tôi nghĩ một khi xã hội biết thì bất cứ người nào muốn sử dụng thông tin đó cũng không dùng được nữa”.

ông David Dương nói.

Theo ông, một khi lãnh đạo cấp cao của thành phố đã có những quyết tâm như vậy thì sự quyết tâm đó cần được đốc thúc bởi các ban ngành ở dưới. Dưới góc nhìn của ông Dương, một doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào thành phố không phải là đi thẳng lên lãnh đạo cấp cao, mà họ phải đi qua các ban ngành, các sở để xin giấy phép hay các thủ tục cần thiết để đầu tư. 

Vì vậy, ông Dương cho rằng cần sự quyết tâm chung của tất cả các ban nghành trong thành phố chứ không riêng gì của lãnh đạo. Việc tham mưu của các ban ngành rất quan trọng bởi vì lãnh đạo không thể làm việc trực tiếp với tất cả các nhà đầu tư.

“Làm sao cho các ban ngành biết nhà đầu tư là những người đem tới lợi nhuận cho thành phố, đem quyền lợi đến cho xã hội, là những người góp phần phát triển cho thành phố thì thái độ làm việc của họ với các nhà đầu tư tốt hơn, thoáng hơn, như vậy sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn”- Ông Dương, lý giải.

Tôi lạc quan khi về đầu tư ở Việt Nam ảnh 1
Cho đến thời điểm hiện tại, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở huyện Bình Chánh do công ty VWS của ông làm chủ đã hoạt động được gần 10 năm, số vốn bỏ ra cho nơi đây hơn 150 triệu USD nhưng ông Dương còn tham vọng xa hơn. Đó là khu công nghệ Môi trường xanh ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An rộng hơn 1700 ha- nơi sẽ xử lý chất thải cho 8 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, các bộ ngành cấp phép đầu tư với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến gần 500 triệu USD. 

Bắt đầu khởi động vào năm 2015, ông Dương hy vọng trong vài năm tới nơi đây sẽ trở thành khu công nghệ môi trường xanh đúng nghĩa. Hai dự án lớn mà ông David Dương và cộng sự dành tâm huyết, một đã đơm hoa kết trái, xử lý 5 nghìn tấn rác mỗi ngày cho thành phố, một đang dần thành hình hài cho thấy khi đã xác định đầu tư về quê hương, ông Dương đã dành trọn công sức và tâm huyết cho những “đứa con” này.

“Khi đất nước trải thảm đón nhà đầu tư và TPHCM cũng ưu cho Việt kiều trở về công hiến, tôi rất mừng”- ông Dương thú nhận. “Tôi nghĩ TPHCM có rất nhiều điều kiện để cho Việt kiều và nhà đầu tư nước ngoài có thể trở về đầu tư, bởi vì đây là đầu tàu kinh tế của cả nước, luôn đi đầu với những sáng kiến, sự đột phá mới của lãnh đạo. Điều quan trọng là họ cùng lắng nghe, suy nghĩ và lo lắng về vấn đề đầu tư nước ngoài”. Gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý môi trường ở Hoa Kỳ và giờ là Việt Nam, ông David Dương cho rằng ở môi trường đầu tư nào cũng có những khó khăn nhất định. “Cái quan trọng là khó khăn đó được tháo gỡ hay không”- ông Dương đặt vấn đề. 

“Vua rác” cho rằng khi dòng chảy được khơi thông, mọi thủ tục, sự phiền hà được tháo gỡ chắc chắn nhà đầu tư sẽ hào hứng hơn. Nhìn thấy sự cởi mở từ TPHCM trong nhiều năm qua, ông Dương hy vọng việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ lan rộng ra cả Long An, nơi “đại dự án” khu công nghệ môi trường xanh của ông đứng chân và xa hơn là cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hỏi về thuận lợi và khó khăn khi về quê hương đầu tư, ông Dương cười: “Khó khăn cũng có mà thuận lợi cũng nhiều”. Khó khăn theo ông Dương khi một nhà đầu tư muốn đầu tư bất cứ lĩnh vực nào thì họ cũng lo nghĩ đến việc làm sao đầu tư tốt, làm sao cho hiệu quả. Nhưng khi làm việc trực tiếp với các ban ngành và họ lệ thuộc bởi các ban ngành đó, bởi vì nhiều thủ tục, kiểm tra cũng như kiểm soát. 

“Không chỉ là trong thời gian vừa qua, chúng tôi nghĩ khó khăn của chúng tôi bắt đầu từ năm 2005, khi bắt đầu đầu tư vào dự án”- ông Dương thừa nhận và cho biết lúc đó một vài tờ báo đã đăng trong thời gian vừa qua thì đó là những việc cũ đã được xử lý từ năm 2006, 2007 cho đến nay. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng sau mỗi lần xử lý thì những sự vụ này không được phổ biến rộng ra bên ngoài nên báo chí không nắm được khiến những nhà đầu tư không lành mạnh dùng những thông tin đó đưa đi đưa lại.

Tôi lạc quan khi về đầu tư ở Việt Nam ảnh 2
Tuy vậy, ông David Dương nói mình không nản chí nhưng ông thừa nhận những việc như vậy làm phiền đến công ty của mình. Lý do ông đưa ra là không chỉ đầu tư tại Việt Nam mà hiện nay CWS của ông đang phát triển mạnh tại Hoa Kỳ. 

“Và mỗi lần công ty này đi đấu thầu ở những nơi khác để cạnh tranh với những công ty bản xứ thì những việc nói xấu như vậy sẽ được đưa lên mạng và đối thủ của chúng tôi lại dùng những trang mạng này dịch ra tiếng Anh rồi đưa trình cho những thành phố những nơi chúng tôi đấu thầu. Vô hình trung tạo ra những khó khăn khi chúng tôi phải đi giải trình lại những sự việc này. Vì vậy không chỉ có những khó khăn tại đây vì những điều chúng tôi gặp tại đây lại trở thành những phiền toái khi chúng tôi làm tại nước ngoài”- ông Dương chia sẻ.

MỚI - NÓNG