TPP mở cửa cho dệt may: Miếng ngon không dễ xơi

Đại diện nhiều doanh nghiệp may mặc cho rằng có cơ hội gia tăng xuất khẩu nhờ TPP nhưng các quy định chặt chẽ của Hiệp định cũng khiến các DN gặp khó khăn. Ảnh: Như Ý.
Đại diện nhiều doanh nghiệp may mặc cho rằng có cơ hội gia tăng xuất khẩu nhờ TPP nhưng các quy định chặt chẽ của Hiệp định cũng khiến các DN gặp khó khăn. Ảnh: Như Ý.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may cho rằng, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đồng nghĩa có thêm nhiều cánh cửa mới cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam, nhưng điều này không đồng nghĩa việc DN có thể dễ dàng “xơi” miếng bánh này.

Khó kiếm giá trị gia tăng từ làm gia công

Trả lời PV Tiền Phong, ông Vũ Minh Bằng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm nói: Điều có thể thấy được trước mắt chính là việc các DN dệt may sẽ có cơ hội xuất khẩu ra các thị trường lớn với mức thuế ưu đãi. 

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đối với DN nằm ở quy định chứng minh xuất xứ hàng hóa. Hiện tất cả các nguyên phụ liệu của Việt Nam trong cấu phần sản phẩm chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa đầy 30%. Các nguyên phụ liệu còn lại đều được nhập từ Trung Quốc nên chứng minh xuất xứ là rất khó. 

“TPP là cơ hội nhưng do trong các sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nên việc được lợi chắc chắn sẽ không nhiều, dù sản lượng xuất khẩu có thể tăng”, ông Bằng cho biết.

Theo ông Bằng, để đón đầu TPP, công ty đã mở rộng nhà xưởng, lập kế hoạch mở rộng thị trường ở Mỹ, Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, do công ty cũng như nhiều đơn vị khác trong ngành dệt may làm hàng gia công là chủ yếu nên việc được hưởng lợi lớn từ mở cửa thị trường chưa chắc xảy ra.

“Miếng bánh ngon từ TPP nhìn bề ngoài rất hấp dẫn nhưng chưa chắc dễ xơi”, là khẳng định của chủ tịch HĐQT một DN chuyên sản xuất, xuất nhập khẩu dệt may có trụ sở ở Hà Nội khi nói về những cơ hội trong ngành. 

Theo vị này, TPP là hiệp định với những cam kết ở mức cao với nhiều yếu tố rất khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa, xuất xứ nguyên liệu cũng như sản phẩm phải có độ an toàn đối với sức khỏe. 

“Hiện mới chỉ có những thông tin cơ bản ban đầu được công bố còn những cam kết cụ thể thế nào thì tôi chưa được biết. Phải chờ khi cam kết cụ thể được công bố mới có thể biết DN được, mất gì khi không đáp ứng được cuộc chơi” - vị này nói.

Khá thận trọng khi phân tích về những áp lực sẽ phải đối mặt sau khi TPP có hiệu lực, ông  L.T, tổng giám đốc một DN ngành may ở Bắc Ninh cho rằng, TPP là cuộc chơi lớn nhưng cũng có thể chưa hẳn là cơ hội đối với tất cả các DN trong ngành do hiện nay những cam kết cụ thể của Việt Nam với các nước chưa rõ thế nào. “Với hơn 60% nguyên phụ liệu ngành dệt may nhập từ Trung Quốc nên việc chứng minh xuất xứ không phải dễ”, ông T. nói.

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may Việt Nam hiện rất yếu trong việc chủ động nguồn nguyên liệu. Tỷ trọng nhập từ Trung Quốc còn cao. Trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, hiện các DN mới chủ yếu tập trung vào khâu may. 

Trong khi đó, phần thiết kế vốn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng giá trị thiết kế của các DN Việt hiện chỉ chiếm 5%. Vì vậy, phải nhập nguyên phụ liệu để gia công cho các đơn hàng từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu không mang lại nhiều giá trị thặng dư nhiều. DN muốn bứt lên phải hướng vào tăng tỷ trọng thiết kế, làm hàng thời trang thay vì tập trung làm gia công, làm thuê cho các nước như hiện nay.

Ngành dệt may nhiều ảnh hưởng lớn

Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, TPP sẽ có một số quy định cứng đi kèm với việc mở cửa thị trường của các nước. Trước mắt, các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may ngay lập tức, mặc dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất. 

Bên cạnh quy định mở về cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải không có sẵn trong khu vực, các cam kết về dệt may cũng bao gồm các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP. Điều này sẽ thúc đẩy các DN phải tăng cường thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư khu vực trong lĩnh vực này. 

Ngoài ra, chương này còn bao gồm các cam kết về hợp tác và thực thi hải quan, nhằm ngăn chặn việc trốn thuế, buôn lậu và gian lận cũng như cơ chế tự vệ đặc biệt đối với dệt may để đối phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu.

“12 nước thành viên TPP đã thống nhất về một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể có xuất xứ. Cùng đó, các bên tham gia TPP cũng đưa ra các quy tắc để bảo đảm rằng, DN có thể hoạt động dễ dàng xuyên khu vực TPP thông qua việc thiết lập một hệ thống chung trên toàn TPP về chứng minh và kiểm tra xuất xứ của hàng hóa TPP. Các nhà nhập khẩu sẽ có thể yêu cầu được hưởng ưu đãi về xuất xứ với điều kiện họ có chứng từ chứng minh”, đại diện Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho biết. 

Hàng dệt may và quần áo sẽ được chia làm 3 nhóm sản phẩm để áp thuế

Nhóm A - ít nhạy cảm nhất, thuế quan sẽ giảm về 0% ngay khi TPP có hiệu lực.

Nhóm B - nhạy cảm hơn, thuế sẽ giảm dần về 0% trong 5 năm.

Nhóm C - nhạy cảm nhất, thuế sẽ chỉ giảm một chút sau khi TPP có hiệu lực. Sau đó giữ nguyên trong 10 năm tiếp theo đối với hàng dệt kim và 15 năm đối với hàng dệt sợi. 

MỚI - NÓNG