Tranh phần 100 ngàn tỷ: Cuộc đua “ai chết trước“

Khuyến mãi, giảm giá nhiều nhưng các trung tâm điện máy vẫn vắng khách. Ảnh minh họa.
Khuyến mãi, giảm giá nhiều nhưng các trung tâm điện máy vẫn vắng khách. Ảnh minh họa.
Vẫn tăng trưởng hai con số, vẫn mở nhiều siêu thị, trung tâm mới... , song thị trường điện máy 2014 lại chìm trong khó khăn. Lợi nhuận gần như không có, nhiều DN vẫn ngập đầu trong nợ nần, thua lỗ.

Lợi nhuận "bèo"


Theo các DN, thị trường hàng điện máy Việt Nam năm 2014 có mức tăng trưởng bình quân trên 20%, với tổng doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu là mặt hàng điện thoại di động với mức tăng trên 30%; các sản phẩm máy tính, máy tính bảng tăng 20%; các mặt hàng điện lạnh tăng khoảng 15% và tivi có tăng trưởng 11%. Bộ Công Thương đánh giá, thị trường điện máy Việt Nam năm nay có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Không ít DN kinh doanh trong lĩnh vực điện máy dự kiến có doanh thu "khủng" trong năm 2014 như Nguyễn Kim, VHC, Trần Anh... Tuy nhiên, doanh số cao nhưng lợi nhuận không cao. Trong số các DN điện máy, đến nay mới có Trần Anh tham gia thị trường chứng khoán và theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu đạt 1.744 tỷ đồng, lợi nhuận âm 4 tỷ đồng. Hiện Trần Anh có 13 siêu thị điện máy trên toàn quốc, như vậy, tính bình quân, mỗi siêu thị đạt doanh thu 21,5 tỷ đồng/tháng và lợi nhuận âm 3,7 triệu đồng/tháng.

VHC có dự kiến doanh số 2014 đạt khoảng 6.800 tỷ đồng, nhưng từ chối công bố lợi nhuận. Đại diện VHC cho biết, hiện công ty đang ưu tiên cho tăng trưởng doanh số và lợi nhuận ở mức “an toàn”.

Ý kiến từ một số nhà quan sát cho biết, kinh doanh điện máy trong tình hình hiện nay lợi nhuận rất thấp, mức lợi nhuận khoảng 10% đã là con số đáng mơ ước. Trên thực tế, rất ít DN đạt được con số này, bởi các DN liên tục phải tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá, mở rộng hệ thống phân phối và đầu tư cho dịch vụ hậu mãi.

Đóng cửa nhiều

Năm 2014, hàng loạt các DN điện máy gặp khó khăn, trong khi số phát triển tốt không nhiều, có thể kể ra những cái tên như Nguyễn Kim, VHC, Trần Anh, Pico, Media Mart, Thiên Hòa... Số còn lại, không ít DN đối mặt nguy cơ phá sản, với các khoản nợ lớn và hàng tồn kho cao.

Năm nay, người tiêu dùng cũng chứng kiến sự ra đi của thương hiệu điện máy lâu đời nhất Việt Nam là Việt Long. Từ cuối năm 2013, DN này đã khốn đốn và phải đóng cửa dần các siêu thị của mình. Sang đến đầu năm nay, Việt Long bị một ngân hàng siết nợ và phía ngân hàng tự đứng ra kinh doanh để giải phóng nốt hàng tồn kho. Sử dụng vốn vay ngân hàng quá lớn, kinh doanh không hiệu quả khiến Việt Long thua lỗ, không có khả năng trả nợ.

Hiện còn nhiều chuỗi siêu thị lẻ điện máy ở Hà Nội ngấp nghé bờ vực phá sản. Có DN sở hữu 7 siêu thị điện máy lớn, đang gánh khoản nợ lên tới 600 tỷ đồng, liên tục bị các ngân hàng và công ty bảo hiểm đưa ra cảnh báo. Chỉ cần dạo qua các siêu thị điện máy sẽ thấy rõ, nhiều siêu thị vẫn mở cửa nhưng hàng hóa bày bán chẳng có nhiều. Nợ lớn, không thanh toán được cho nhà sản xuất nên họ bị cắt hàng. Có những DN điện máy tại Hà Nội và TP.HCM đến nay hầu như không thể mua hàng chính hãng vì thua lỗ, công nợ lớn, dẫn đến phải khai thác các nguồn hàng trôi nổi, có xuất xứ không rõ ràng, khiến người tiêu dùng chịu thiệt lớn khi mua tại đây.

Tại các tỉnh lẻ, sau làn sóng mở rộng hệ thống phân phối hàng điện máy của các ông lớn, hàng loạt những DN bán lẻ điện máy rơi vào thảm cảnh thua lỗ, đóng cửa, chuyển nghề. Tại Thái Nguyên, Thái Bình, khi hàng loạt các siêu thị điện máy lớn tràn về thì số DN bán lẻ điện máy hàng đầu của địa phương đã phải chuyển nghề, đóng cửa do không cạnh tranh nổi. Tại Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương... nhiều DN bán lẻ điện máy địa phương đến nay đã phải thu hẹp quy mô, chỉ còn "bán tại gia" để cầm cự.

Theo các DN, số lượng và chủng loại mặt hàng điện máy của các cửa hàng địa phương chỉ chiếm khoảng 30-50% những gì đang bán trên thị trường, khi các siêu thị lớn với hàng hóa phong phú tràn về thì hầu hết không cạnh tranh nổi. Có thể nói, càng ngày cánh cửa dành cho các DN nhỏ, năng lực tài chính yếu tham gia thị trường bán lẻ điện máy càng hẹp.

Sàng lọc để tồn tại

Các DN cho rằng, giải pháp để tồn tại duy nhất là phải mở rộng quy mô. Năm 201,5 xu hướng mở rộng hệ thống phân phối của các DN điện máy vẫn tiếp tục, không chỉ tại các thành phố lớn mà còn phủ sóng mạnh mẽ về địa phương nhằm gia tăng thị phần, thu hút thêm khách hàng tiềm năng.

Các DN như Nguyễn Kim, Trần Anh, Pico, VHC, Media Mart... vẫn lên kế hoạch mở thêm siêu thị mới. Trần Anh dự định mở thêm 6 siêu thị điện máy mới tại các địa phương, Pico cũng tính mở khoảng 4 siêu thị mới. Media Mart và VHC cũng đều có kế hoạch mở hàng loạt siêu thị mới cả tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc hiện vẫn còn trống. Các chương trình khuyến mại vẫn sẽ diễn ra với tần suất lớn, giảm giá sâu.

Cùng với đó, các DN cho biết sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Một số đơn vị tiết lộ, doanh số bán hàng trực tuyến năm 2014 có mức tăng tới 130% so với 2013. Chi phí thấp do không phải thuê mặt bằng, nhân viên ít, chi phí điện, nước, tiền lương cũng giảm nên lợi nhuận cao hơn, khách hàng cũng được hưởng lợi nhờ giá bán thấp.

Với sản phẩm, xu hướng chung là loại bỏ hàng có xuất xứ Trung Quốc, chuyển sang phân phối hàng từ khu vực ASEAN.

Thị trường điện máy Việt Nam vẫn cạnh tranh khốc liệt trên mọi phương diện và người tiêu dùng sẽ được lợi. Quá trình đào thải cũng diễn ra nhanh chóng và khắc nghiệt hơn để hình thành Top 3 DN chiếm thị phần chính và đủ sức đi đường dài. Những siêu thị có năng lực cạnh tranh thấp sẽ phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi.

Theo Trần Thủy
Theo VEF
MỚI - NÓNG