Ai hỗ trợ, thức tỉnh doanh nghiệp? - Bài 2:

Tự đổi mới để thích ứng thời mở cửa

Cà phê Robusta trồng tại Việt Nam có năng suất cao nhất thế giới (ảnh to); Chọn cà phê trên băng chuyền ở Cty CP Phước An (ảnh nhỏ). Ảnh: Hoàng Thiên Nga.
Cà phê Robusta trồng tại Việt Nam có năng suất cao nhất thế giới (ảnh to); Chọn cà phê trên băng chuyền ở Cty CP Phước An (ảnh nhỏ). Ảnh: Hoàng Thiên Nga.
TP - Cơ hội nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít... là nhận định của nhiều doanh nghiệp khi trao đổi với Tiền Phong quanh việc thị trường sẽ mở nhiều hơn khi các hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực. Ngoài tận dụng cơ hội, doanh nghiệp phải tự đổi mới để thích ứng.

Liên doanh, liên kết

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Cty CP Giày Gia Định, nói rằng, năm 2015 là năm đất nước hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng với Mỹ, châu Âu, ASEAN… đang đàm phán ở giai đoạn cuối, chuẩn bị ký kết, nên đối với các doanh nghiệp (DN), không chỉ DN dệt may, giày da, đây là năm hết sức quan trọng, mang tính quyết định, đột phá. Ngoài việc tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng cường đầu tư trang thiết bị, đón các đơn hàng trực tiếp từ Mỹ, Nhật, từ DN các nước dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Cty đẩy mạnh đầu tư phát triển mảng sản phẩm công nghiệp phụ trợ để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, hưởng lợi về thuế, đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho rằng, DN gặp thuận lợi là có một thị trường rộng mở, nhưng cũng phải chịu sức ép mở cửa thị trường để  hàng hóa nước ngoài vào. Vì vậy, DN Việt Nam phải nỗ lực để đạt được những chuẩn mực trong cạnh tranh quốc tế.

Năm 2015, ngoài việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập vào tháng 12, Việt Nam có thể sẽ ký kết 6 hiệp định thương mại tự do khác, gồm: TPP, ASEAN+6 nước đối tác (RCEP), Việt Nam - Liên minh châu Âu, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan; Việt Nam và 4 nước Trung, Bắc Âu (EFTA).

Lãnh đạo Saigon Co.op cho rằng, các DN bán lẻ trong nước đang tự tìm nhiều phương cách để thích ứng tình hình hội nhập, hình thức phổ biến nhất hiện nay là liên doanh, liên kết, kể cả với nước ngoài, để mở rộng mạng lưới. “Co.opmart cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Những năm gần đây, Co.opmart đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới phân phối, trong đó có các đại siêu thị và trung tâm thương mại”, ông Hòa nói.

Cơ hội luôn đi kèm thách thức là nhận định của Phó tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - ông Chu Văn An. Ông cho rằng, để tồn tại trong thời hội nhập, DN phải biết cách tự cứu trước khi trông chờ người khác, phải biết tận dụng cơ hội, phải tự đổi mới để thích ứng. Theo ông An, kế hoạch của Minh Phú năm 2015 là xuất khẩu 1 tỷ USD, trong đó với sản phẩm tôm chế biến, Tập đoàn cố gắng giữ vững các thị trường đòi hỏi chất lượng cao là Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc. “Năm 2015, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản phẩm tôm không kháng sinh bằng công nghệ vi sinh, từ con giống, kỹ thuật nuôi, thu hoạch đến chế biến, xuất khẩu. Công nghệ vi sinh sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các thị trường cao cấp, mang lại lợi nhuận tăng thêm cho người nuôi tôm, đại lý mua tôm khoảng 15-20% so với thời gian qua”, ông An nói.

Ngành thép, cà phê đối mặt nguy cơ

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường, cho rằng, việc DN ngành thép phải đối mặt việc phải đóng cửa khi cạnh tranh là điều khó tránh khỏi khi thép nhập khẩu từ Nga, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan, Hàn Quốc... đổ bộ vào Việt Nam, sau khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Ông Cường nói rằng, cuối năm ngoái, hàng loạt nhà máy trong nước phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ, ngược lại, nhiều dự án sắt thép của nước ngoài không ngừng rót vốn, mở rộng đầu tư và được hưởng nhiều ưu đãi. “Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam nhập khẩu sắt thép của nhiều nước, trong đó lớn nhất là từ Trung Quốc với 6,3 triệu tấn trị giá hơn 3,8 tỷ USD và hơn 1 tỷ USD nhập các sản phẩm từ sắt thép... Nguy cơ thép ngoại xâm lấn thị trường là khó tránh. Để trụ được, DN ngành thép cần đổi mới công nghệ, hạ chi phí sản xuất để cạnh tranh với hàng ngoại”, ông Cường nói.

Ông Hồ Sỹ Trung, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Phước An (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cho rằng, việc hội nhập sâu hơn vào ASEAN và các nước khác cho thấy không ít thách thức. Với ngành cà phê, trong khối ASEAN hiện Việt Nam chỉ có 1 đối thủ về cà phê, là Indonesia, không mấy ảnh hưởng đến nhau vì lâu nay cùng nhằm mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam thiếu những DN lớn về cả quy mô lẫn nguồn vốn để có thể đối chọi các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Khi các DN ngoại tràn vào thị trường nội địa, nhiều DN nội yếu sức có thể sẽ bối rối, cạnh tranh không lành mạnh và tự hại lẫn nhau, ông Trung nói.

 Mặt yếu của ngành cà phê Việt Nam hiện nay là công nghệ chế biến. Nhân công Việt Nam rẻ, nguồn nguyên liệu dồi dào ngày càng kích thích DN ngoại đầu tư. “Nhiều mặt hàng cà phê từ các tập đoàn đa quốc gia sẽ nhập vào Việt Nam, khiến các DN Việt khó bảo vệ được thị phần nội địa, việc tìm thị trường xuất khẩu cũng khó hơn trước. Cái gốc của vấn đề vẫn nằm ở ý thức của người sản xuất. Một tỷ lệ lớn nông dân thâm canh cà phê tự do vẫn quan tâm giá cả hơn chất lượng sản phẩm, phương pháp chế biến manh mún, lạc hậu”, ông Trung nhận định.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG