Vì một nền tài chính lành mạnh, minh bạch

Bộ Tài chính đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trao tặng nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam
Bộ Tài chính đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trao tặng nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam
TP - Lịch sử chứng minh đổi mới bắt đầu từ tài chính và tài chính tiếp tục được xem là nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu đưa nền kinh tế nước nhà hội nhập sâu rộng hơn vào vòng xoáy toàn cầu hóa.

Nét son truyền thống

Ngày 28/8/1945, mốc son ghi dấu sự ra đời của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam. Ngày này hằng năm đã trở thành ngày truyền thống để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành kế thừa và viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng, giữ vững, phát triển nền tài chính quốc gia vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, vì sự trường tồn của đất nước.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, trên mỗi chặng đường, ngành Tài chính luôn song hành với nhiều vận hội và cũng không ít thách thức. Hội nhập vào dòng chảy của nhân loại, với bản lĩnh và trí tuệ của mình, cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính đã đồng sức đồng lòng vượt qua nhiều gian nan, thử thách, góp phần đưa đất nước chuyển mình vươn lên đạt những thành công mới.   

Ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Chính phủ và nhân dân vừa phải chống giặc ngoại xâm, chống chọi và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phải chống giặc đói, giặc dốt để bảo vệ độc lập dân tộc và kiến thiết đất nước. Trong bối cảnh đất nước muôn vàn khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp bách: Huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng của Chính phủ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập.

“Những chính sách tài chính mới mà ngành Tài chính tham mưu với Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều lấy lợi ích của quốc gia, của nhân dân làm trọng”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Tài chính đã xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.

Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, ngành Tài chính tiếp tục thi hành nhiều chủ trương, biện pháp nhằm khai thác và giải phóng tiềm năng kinh tế trong nước là chủ yếu, đồng thời tranh thủ khai thác và tăng cường quản lý chặt chẽ các nguồn viện trợ và vay nợ nước ngoài. Thực hiện chính sách tài chính động viên và quản lý, phân phối các nguồn vốn có hiệu quả hơn, từng bước tiến hành chế độ quản lý tài chính thống nhất trong cả nước. Ngoài ra, ngành Tài chính áp dụng nhiều hệ thống quản lý tài chính, quản lý ngân sách,… để xây dựng Tổ quốc vượt qua nhiều gian khó thời hậu chiến.

Tiên phong đổi mới

Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đánh dấu sự thay đổi căn bản trong tư duy lý luận bằng quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn bộ nền kinh tế. Với chủ trương kiên quyết thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thừa nhận cơ chế thị trường và giá thị trường, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VI) đã giúp nền kinh tế - tài chính có những chuyển biến sâu sắc. Cơ chế quản lý tài chính mới đã dần thay thế cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp.

Nhờ thực hiện kiên định đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, trong giai đoạn 1986 - 2000, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng. Thời kỳ này, ngành Tài chính đã tiến hành hai bước đột phá trong cải cách hệ thống chính sách thuế tạo kết quả tích cực. Qua đó giúp thu ngân sách nhà nước tăng nhanh qua các năm, đáp ứng cơ bản yêu cầu chi thường xuyên ngày càng tăng, giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, tạo môi trường bình đẳng. Lớn hơn là thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển của kinh tế thị trường, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới.

Thực hiện chủ trương mở cửa, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, hệ thống tài chính tiếp tục chủ động, tích cực cải cách để củng cố, phát triển và đáp ứng kịp thời yêu cầu của quá trình hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới. Những thành công của chính sách thu hút nguồn vốn ODA, FDI, chính sách vay và trả nợ nước ngoài… khẳng định quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện tiền đề, mở đường và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

Trong giai đoạn 2001 - 2015, nền Tài chính bước vào thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện. Công tác tài chính tiếp tục được đổi mới để trở thành công cụ sắc bén trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên tối đa mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh...

Ngành Tài chính đã thực hiện những cải cách thể chế quan trọng theo hướng tập trung tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tạo lập môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, đã hình thành đồng bộ các loại hình thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn phục vụ cho phát triển kinh tế.

Vì nền tài chính lành mạnh, minh bạch

Với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh và minh bạch, toàn ngành Tài chính đã quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành trong giai đoạn 2011 - 2015 và đạt được nhiều thành tựu rõ nét. Hệ thống pháp luật, chính sách tài chính về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, hải quan, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, giá cả, dự trữ nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tài sản công... tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện đồng bộ đáp ứng yêu cầu của Đảng là “xây dựng đồng bộ thể chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng được củng cố và lớn mạnh. Ngân sách nhà nước đảm bảo chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Trong bối cảnh mới đất nước trong xu thế toàn cầu hóa, ngành Tài chính đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương, đa phương góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính được hình thành và phát triển. Cơ cấu, quy mô, phạm vi hoạt động được mở rộng và đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện.

Vì một nền tài chính lành mạnh, minh bạch ảnh 1

Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính bỏ lá phiếu đầu tiên bầu BCH Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXIV.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 70 năm phát triển, trong đó có 30 năm đổi mới đã làm cho thế và lực của đất nước được củng cố và tăng cường. Thành công của hoạt động tài chính - ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để ngành Tài chính phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.


Quá trình hội nhập kinh tế, tài chính sâu rộng và toàn diện sẽ mang lại nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng đặt ra cho ngành Tài chính không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo động lực mạnh mẽ trong toàn ngành quyết tâm đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của ngành đã đề ra.

Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang trong 70 năm trưởng thành cùng đất nước, nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính quyết tâm tranh thủ các điều kiện thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Mỗi cán bộ tài chính Việt Nam nguyện xứng đáng hơn nữa với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với truyền thống hào hùng, tốt đẹp của ngành, luôn phấn đấu rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, chung sức chung lòng đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ đó đưa đất nước phát triển ngang tầm khu vực và thế giới, trở thành nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.