Vinalines tổn thất lớn với vụ kiện 3 triệu USD

Tàu Vinalines Sky từng bị phía Hàn Quốc bắt giữ theo yêu cầu của SKE&C sau khi có phán quyết của VIAC. Ảnh: Vinalines
Tàu Vinalines Sky từng bị phía Hàn Quốc bắt giữ theo yêu cầu của SKE&C sau khi có phán quyết của VIAC. Ảnh: Vinalines
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có nguy cơ thiệt đơn thiệt kép trong vụ kiện có giá trị hơn 3 triệu USD với một nhà thầu Hàn Quốc.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội đề nghị cơ quan này sớm xem xét kiến nghị của Vinalines về việc hủy phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) mà Tổng công ty là bị đơn.

Đầu tháng này, Vinalines đã phải phát văn bản “kêu cứu” các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Giao thông, Văn phòng Chính phủ và tư pháp như tòa án, viện kiểm sát liên quan đến phán quyết này.

Đầu năm 2014, VIAC đã ra phán quyết buộc Vinalines phải trả gần 65,4 tỷ đồng cho công ty SK Engineering & Construction (SKE&C) của Hàn Quốc - nhà thầu thi công gói thầu bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động).

Dù dự án này được Chính phủ cho phép dừng từ tháng 9/2010 nhưng số tiền nói trên là khoản mà cơ quan trọng tài buộc tổng công ty phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP mà SK E&C mang đến công trường trước khi dự án bị dừng.

Theo Vinalines, vụ việc sẽ không có gì đáng nói nếu nhà thầu thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng. “Tổng công ty sẵn sàng thanh toán đầy đủ với phần việc mà nhà thầu đã thực hiện, theo đúng trình tự thủ tục”, ông Vũ Quyết Thắng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải thuộc Vinalines cho biết.

Ông Thắng nói thêm, trên thực tế, Vinalines đã tạm ứng cho SK E&C 87,6 tỷ đồng, số tiền mà chủ đầu tư tin rằng vượt quá giá trị nhà thầu Hàn Quốc thực hiện trong gói thầu này.

Tuy nhiên, chủ đầu tư khẳng định, nhà thầu không thực hiện trách nhiệm thầu chính theo các quy định trong hợp đồng đã ký cũng như theo pháp luật Việt Nam về thực hiện dự án đầu tư xây dựng vốn Nhà nước. Lô cọc ống thép nhà thầu này đưa đến công trường là sai quy cách, không có hồ sơ sản xuất, không tuân thủ hợp đồng về số lượng và giá cả. Bên cạnh đó, SKE&C không thực hiện quy định nghiệm thu khối lượng, khai thuế hàng tháng và kỳ đề nghị thanh toán.

Đặc biệt, hồ sơ thanh toán của nhà thầu không hợp lệ dù theo chủ đầu tư, họ đã nhiều lần phát văn bản yêu cầu nhà thầu hoàn thiện theo quy định về thanh toán của Việt Nam.

Với những phân tích trên, Vinalines cho rằng Hội đồng trọng tài vẫn ra phán quyết buộc họ phải thanh toán (và trả cả tiền lãi phát sinh chậm thanh toán) là “vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam”.

Không phục phán quyết của trọng tài, Vinalines đã đâm đơn ra tòa án Hà Nội yêu cầu tòa xem xét hủy phán quyết nói trên theo Luật Trọng tài thương mại và đã được toà thông báo thụ lý vào ngày 7/3/2014.

Thế nhưng, trong thời gian chờ Toà xem xét huỷ phán quyết có trị giá trên 3 triệu USD thì Vinalines phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do SKE&C đã liên tiếp yêu cầu nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ tàu biển của các công ty con thuộc Vinalines.

Một đại diện của Vinalines cho biết, để giải cứu hai con tàu bị bắt giữ trong thời gian nói trên, tổng công ty đã phải chi đến 3 triệu USD khác nhằm thực hiện các thủ tục mở tài khoản phong toả để giải phóng tàu.

“Việc làm này của SK E&C gây ảnh hưởng xấu và tổn thất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đội tàu của Tổng công ty, đặc biệt là trong giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành vận tải biển như hiện nay ”, lãnh đạo Vinalines kêu cứu.

Theo Chí Hiếu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.