Xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính: GTVT đứng đầu, KHCN bét bảng

Đại diện Bộ Nội vụ thông báo về Kết quả chỉ số CCHC năm 2014.
Đại diện Bộ Nội vụ thông báo về Kết quả chỉ số CCHC năm 2014.
TP - Theo xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2014 do Bộ Nội vụ công bố hôm qua, Bộ GTVT tiếp tục “về nhất”, Bộ KH&CN “đội sổ”, xếp sau Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.

Tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 4/9, bên cạnh những ý kiến khẳng định, xếp hạng là cách thức để các đơn vị, địa phương nhận rõ các khâu yếu, qua đó chấn chỉnh kịp thời, cũng có đại biểu cho rằng, chỉ số CCHC đôi khi còn phụ thuộc vào việc Nhà nước có “bơm sữa” hay không.

Xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính: GTVT đứng đầu, KHCN bét bảng ảnh 1

Theo kết quả xếp hạng CCHC năm 2014, ở nhóm các bộ, ngành, Bộ GTVT tiếp tục giữ vững ngôi quán quân, khi chỉ số tăng từ 81,06% lên 81,83%. Ở nhóm cuối, sau 2 năm “đội sổ”, Ủy ban Dân tộc đã bứt tốp vươn lên thoát khỏi “tốp 3 ngược” để giành lấy vị trí thứ 16/19 bộ, ngành. Với việc để giảm chỉ số từ mức 77,27% (năm 2013) xuống 71%, Bộ KH&CN đã bị đẩy xuống đứng cuối bảng xếp hạng,  sau Bộ GD&ĐT (vị trí 18) và Bộ Y tế (vị trí 17).

Làm gì cũng phải xin ý kiến cấp trên thì mất hết cơ hội

“Bộ Nội vụ cần nghiên cứu tiến hành phân cấp mạnh các công việc cho địa phương. Vì nhiều việc nếu để địa phương, quận, huyện làm còn tốt hơn để Trung ương hoặc thành phố thực hiện. Nhất là trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu làm gì cũng phải công văn xin ý kiến của Trung ương, của bộ, ngành thì mất hết cơ hội”.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Về phía địa phương, trong khi Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục khẳng định sự nỗ lực trong CCHC, Bắc Kạn lại có bước tụt lùi, khi từ vị trí thứ 58 (năm 2013) rơi xuống vị trí “đội sổ”… Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bộ ngành, tỉnh thành đã dần bị thu hẹp. Trong năm 2014, không có bộ, ngành nào có chỉ số CCHC dưới 70% và không có địa phương nào có kết quả dưới 60%. “Điều này cho thấy các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu, nghiêm túc nhận rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC”, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhận xét.

Đề cập kinh nghiệm để cải thiện chỉ số CCHC từ vị trí thứ 9 (năm 2013) lên vị trí thứ 6 (năm 2014), Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Hoài Trung cho biết, khi bị xếp thứ 9, các đơn vị trong thành phố đã “kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống”, phân tích rõ vì sao xếp hạng chưa cao để đề ra các giải pháp khắc phục. Nhờ thế lần này thành phố đã vươn lên vị trí thứ 6. Tuy nhiên, ông Trung khẳng định, điểm số, thứ hạng không phải là cái quan trọng nhất mà qua kết quả chỉ số CCHC, mỗi địa phương nhận rõ khâu nào yếu để chấn chỉnh kịp thời.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, muốn nâng cao chất lượng CCHC, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, nếu đơn vị nào không thực hiện, hoặc thực hiện không tốt việc CCHC, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm, bị kiểm điểm, thậm chí có nguy cơ bị thay thế… Chính nhờ sự quyết liệt này mà những năm qua, công tác CCHC ở Bộ GTVT có những chuyển biến tích cực.

Sẽ đo mức độ hài lòng của dân

Đứng ở vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, CCHC là nhu cầu nội tại bắt buộc các cơ quan, đơn vị phải làm, chứ không phải vì xếp hạng. Bởi nếu không CCHC, thì không thể nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Không nâng cao được chất lượng phục vụ thì không thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng, việc đánh giá chỉ số CCHC đôi khi còn phụ thuộc vào đặc trưng của mỗi ngành, mỗi địa phương, thậm chí còn phụ thuộc vào việc Nhà nước có “bơm sữa” hay không. “Cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện hiện tại không tốt, người dân vào đông đúc, chật chội thì làm sao mà họ hài lòng được. Nhưng nếu Chính phủ “bơm sữa”, người bệnh không phải nằm ghép nữa thì chắc chắn đánh giá của người dân về y tế sẽ khác”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, nhiều chỉ số đánh giá, chấm điểm về CCHC cần được thay đổi, sát thực tế hơn. “Các bộ, ngành xây dựng thông tư cũng được chấm điểm. Thế nhưng không thấy chúng ta phân tích, đánh giá xem giá trị của các thông tư, văn bản đó thế nào, hay hơn hay dở hơn”, ông Tiến nói. Đề cập việc tinh giản biên chế, ông Tiến cho rằng, có nhiều điểm không phù hợp. “Yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với Bộ Y tế là phục vụ việc khám, chữa bệnh, phục vụ người dân một cách toàn diện. Nhưng với đội ngũ thiếu như vậy, tôi nói thật, mơ 100 năm nữa cũng chưa được. Thậm chí, nếu có đưa rô bốt vào mổ thì cũng cần phải có con người để điều khiển. Đôi khi ê kíp điều khiển ca mổ đó còn nhiều nhân lực hơn cả ê kíp mổ trực tiếp”, ông Tiến dẫn chứng.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhìn nhận, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn tồn tại một số chỉ số thành phần chưa đạt yêu cầu đề ra, cũng như chưa đáp ứng được mong muốn của người dân và xã hội. Chỉ số về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức mới chỉ đạt chưa đến 60% đối với các bộ, ngành và hơn 68% đối với các tỉnh, thành phố. “Để nâng cao chỉ số CCHC, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ triển khai đánh giá mức độ hài lòng của người dân, trong quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính”, ông Tuấn cho biết.

MỚI - NÓNG