Ðẩy nhanh chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả

Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng (bên phải), việc ứng dụng giống ngô biến đổi gene vào sản xuất sẽ giúp Việt Nam hạn chế nhập khẩu ngô làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Nam Khánh.
Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng (bên phải), việc ứng dụng giống ngô biến đổi gene vào sản xuất sẽ giúp Việt Nam hạn chế nhập khẩu ngô làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Nam Khánh.
TP - Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Trong đó, việc sử dụng giống ngô chuyển gene là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân cải thiện thu nhập.

Nỗi lo từ hạn hán, xâm nhập mặn

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2015, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hiện tượng El Nino (hiện tượng nước biển ấm lên) cường độ mạnh, kéo dài. Hai lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Theo các chuyên gia, El Nino năm 2015 thuộc dạng mạnh nhất kể từ năm 1997-1998, thậm chí tính từ năm 1950.

Tại Việt Nam, hiện tượng trên đã gây tình trạng khô hạn,thiếu nước kéo dài, nhất là ở khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Ðồng bằng sông Cửu Long cũng đang trong tình trạng khô hạn và 1/3 diện tích khu vực bị nhiễm mặn cao nên sản lượng, năng suất lúa giảm đáng kể. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, nông dân đang bị mất 30-40% sản lượng lúa. Riêng tại những vùng bị nhiễm mặn xâm nhập sâu và kéo dài đến 4%, sản lượng lúa có thể giảm 50%.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, năm qua miền Trung hạn hán nặng nề với 50.000 ha bị ảnh hưởng trong đó 10.000 ha bỏ trắng, phải chuyển đổi sang các cây trồng khác. Hiện các tỉnh phía Nam đang có hơn 9.000 ha bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, năng suất giảm…

Trước tình hình trên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Ðức Phát cho biết, đã đề ra giải pháp để tổng rà soát nguồn nước và bám sát các cơ quan chuyên môn để điều chỉnh lại sản xuất và cơ cấu cây trồng. Trong đó, cần tăng ứng dụng giải pháp kỹ thuật để dùng nước tiết kiệm, hiệu quả trong tình trạng nóng nắng còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới.

Nói về diễn biến thiên tai năm 2016, Bộ trưởng Phát lo ngại, sau khô hạn có thể xuất hiện lũ lụt nhiều nơi. Do vậy, các địa phương, ngoài việc chống hạn hán thì cần có thêm các giải pháp để phòng ngừa những hiện tượng thiên nhiên cực đoan khác.

Ðẩy mạnh chuyển đổi

Hiện ở nước ta, sản lượng lúa đạt từ 44-45 triệu tấn/năm, trong đó tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, phục vụ chăn nuôi, làm giống và dự trữ khoảng 29 triệu tấn; còn dư khoảng 15-16 triệu tấn lúa (quy gạo hàng hóa khoảng 7,5-8 triệu tấn). Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn, bấp bênh; giá trị nhập khẩu ngô, đậu tương và các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thường cao hơn giá trị xuất khẩu gạo.

Theo Bộ NN&PTNT,  để ứng phó với biến đổi khí hậu và sản xuất theo tín hiệu của thị trường, thời gian qua có hàng trăm nghìn nghìn hécta đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, có giá trị kinh tế cao hơn và giảm bớt sức ép về xuất khẩu lúa gạo.

Riêng Ðồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi được hơn 100.000 ha. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển đổi sang trồng ngô vẫn còn hạn chế, dẫn đến lượng ngô nhập khẩu vẫn còn cao. Ðể tháo gỡ, Bộ NN&PTNT đã công nhận 11 giống ngô biến đổi gene và đưa vào trồng với diện tích khoảng 3.500 ha; phấn đấu tăng diện tích lên 35.000 - 40.000 ha trong thời gian tới.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo quy hoạch định hướng đến năm 2020, sẽ chuyển đổi 700-800 nghìn ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Cùng đó, để khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi, Bộ cũng trình Thủ tướng chính sách hỗ trợ chi phí về giống (giống ngô không vượt quá 3 triệu đồng/ha, giống cây trồng hàng năm không vượt quá 2 triệu đồng/ha).

Ông Trung cho biết, hiện trạng canh tác ngô của Việt Nam năng suất đang ở mức thấp (xếp thứ 59/66 các nước trồng ngô trên thế giới), giá ngô trong nước cao hơn giá ngô nhập khẩu. Theo ông Trung, qua sản xuất thử và mô hình trình diễn, các giống ngô chuyển gene có năng suất cao, giảm chi phí và công phun thuốc trừ sâu…  Do vậy, việc ứng dụng các giống ngô chuyển gene là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân cải thiện được hiệu quả sản xuất ngô. 

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2016, dự kiến sẽ chuyển khoảng 100 ngàn ha diện tích gieo trồng lúa sang trồng một số cây khác (chủ yếu là ngô, cây thức ăn chăn nuôi). Mở rộng diện tích ngô lên 1,22 triệu ha, tăng 20 ngàn ha so với năm 2015. Tiếp tục đưa các giống ngô mới có năng suất cao, giống ngô chuyển gen vào sản xuất đại trà, kết hợp các biện pháp thâm canh nhằm đạt năng suất bình quân 45 tạ/ha, sản lượng 5,5 triệu tấn.

MỚI - NÓNG