Chuyện đốc lý đỏ bị bắt hụt ở phố Phó Đức Chính

Chuyện đốc lý đỏ bị bắt hụt ở phố Phó Đức Chính
TP - Theo lời kể của nhà văn Tô Hoài lúc ông bị giam trong xà lim Sở Liêm Phóng Bắc Kỳ ở Hà Nội, tên mật thám Luych gọi lên và chỉ nói một câu: “Cái thằng bé con vẫn họp với chúng mày ở nhà thằng Uy. Mày quan hệ với nó thế nào?

Tôi im lặng rồi lắc đầu.

Nó là quan đốc lý cộng sản đấy - biết rồi còn vờ, rồi tao sẽ làm cho chúng mày tỉnh người ra mà biết nhé!”.

Trước đó, đồng chí Lê Quang Đạo được đồng chí Trường Chinh giao trách nhiệm phổ biến “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 của Đảng cho giới văn nghệ sỹ và trí thức” trong đó có các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Như Phong.

Nhân dịp tên cố Chủ tịch Quốc hội  Lê Quang Đạo được đặt cho một phố ở Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu trích đoạn hồi ký lần đầu được công bố, do nhà văn Nguyệt Tú (vợ của cố Chủ tịch ghi).

Năm 1943, tôi được chỉ định về làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội. Tôi ở nhiều nơi, không nhớ hết. Có một chỗ mà tôi nhớ là ở lô cốt phía Bắc, nay là phố Phó Đức Chính, phía đường Trúc Bạch.

Ngôi nhà ấy, không nhớ rõ là số 124 hay 126. Tôi đóng vai một học sinh tự học để đi thi, ở cùng một số bạn bè, anh em cùng học trung học. Sau đó, tôi lại sang ở nhà khác, bên kia đường Phó Đức Chính bây giờ, ngôi nhà ở góc đường đi thẳng ra Ngũ Xá.

Ngôi nhà ấy có hai người đang ở, anh Vũ Quốc Uy được giác ngộ từ hồi Mặt trận dân chủ, lúc ấy là thư ký ở phủ Toàn quyền. Còn anh kia là Hoàng Đức Tường, bấy giờ lấy tên là Trang, phụ trách một phân hiệu Quỹ Cứu quốc ở trong Thủ Đức.

Tôi ở đó cùng hai người. Người yêu của anh Vũ Quốc Uy là cô Khương sau là bà Phương Thảo, thường đến chơi. Tôi ở phòng phía trước. Nhà chỉ có một bộ bàn ghế, hai cái giường.

Một thời gian sau, cô Khương chuyển sang yêu và lấy ông Tường, ông Uy phải đi nhà khác ở. Một lần, tôi được gọi về Trung Mầu họp với anh Hoàng Quốc Việt.

Trước khi đi, tôi hẹn với anh Vũ Quốc Uy, lúc ấy đã sang ở phố khác, cách chỗ tôi đang ở mấy trăm mét, là nếu tình hình có gì không ổn thì đánh cho một dấu động ở cây me, đánh dấu ngã có nghĩa là không vào nhà được.

Tôi đi họp với anh Hoàng Quốc Việt và chị Minh Châu, sau làm cục trưởng Cục Xuất bản. Hôm sau tôi về, lẽ ra tôi phải đi theo con đường từ cầu Long Biên thẳng qua chỗ cây me xem có dấu động không rồi mới đến phố Phó Đức Chính.

Tôi nghĩ là mình mới đi hôm trước thì hôm sau chẳng việc gì. Trời hôm đó mùa hè, nóng. Tôi đội mũ cát, đi dép xăng đan, mặc áo the, quần trắng, theo kiểu học sinh lúc đó, trong mặc áo sơ mi không túi.

Tôi đi thẳng vào nhà, thấy có hai người ngồi trên một chiếc giường, mặc pijama còn giường kia không có ai. Tôi nghĩ đấy là anh ruột của cô Phương Thảo đến chơi. Tôi hỏi: “Các anh đến chơi à?”. Họ nói “Vâng. Thế cậu ở đây à?”. Tôi đáp: “Vâng, tôi ở đây”.

Tôi cởi mũ, áo dài treo lên, bỏ dép, nói: “Nóng thật”. Có một thằng có vẻ lớn tuổi hơn, thong thả đi xuống nhà để ô tô. (Đi qua nhà để ô tô mới đến nhà bếp). Tôi cũng đi theo, thấy nhà vắng vẻ quá.

Tôi thấy nó đi từ trong bếp ra, nó hút điếu thuốc lào, rồi thong thả đi lên nhà, thái độ không bình thường. Tôi cũng hơi chờn chợn, có linh tính không bình thường.

Tôi thấy cô Phương Thảo đang làm bếp, mặt xanh mét. Tôi hỏi nhỏ: “Ai thế chị?”. Chị nói, run run: “Mật thám đấy”. Trên nóc cái nhà để ô tô có sân trời, có bậc thang lên phơi quần áo. Tôi chạy ba bước rất nhanh lên cái sân trời, thấy cửa cái nhà xe đang khóa.

May sao trên sân trời lại có cái chiếu đang phơi. Tôi trông thấy thằng mật thám ra khóa cửa, nhưng nó không trông thấy tôi, nếu trông thấy có thể nó bắn. Cạnh cái sân trời là nóc bếp. Tôi trèo lên nóc bếp, tụt xuống, ra phố khác. Tôi chạy chân đất, mặc cái quần trắng, áo sơ mi màu cà phê sữa, không có mũ.

Tôi chạy ra phố, bây giờ là phố Cửa Bắc, trông thấy cái xe kéo. Tôi nói: “Bác kéo tôi về phố Hàng Đậu với, nhà tôi có người ốm sắp chết”. Đến phố Quán Thánh, tôi lại lên một cái xe kéo khác, bảo kéo đến phố Hàng Đậu.

Tôi vào nhà một người quen, cũng trong tổ chức Thanh Niên. Nhưng anh ấy không có nhà, chỉ có vợ và mẹ vợ. Ngày xưa ra đường ăn mặc phải tươm tất một chút, có giày dép, áo dài, đằng này tôi lại đi chân đất. Thấy tôi không bình thường, họ sợ. Chị vợ bảo: “Nhà tôi đi vắng, để lúc nào anh ấy về thì anh đến”.

Lúc ấy, nếu tôi đi ra đường thì rất dễ bị bắt. Tôi nghĩ ra một cách, bảo chị chủ nhà: “Chẳng giấu gì chị, nói ra thì xấu hổ. Bố tôi sai tôi đến Hà Đông đòi tiền, tôi không có túi mới buộc tiền vào cái khăn mùi xoa trăm bạc (trăm bạc lúc ấy to lắm). Tôi đi tàu điện không may bị mất cắp. Ông cụ nhà tôi không tin, tưởng tôi mang tiền đi đâu, ông lại say rượu nên vác dao đuổi. Tôi không kịp mặc quần áo, cứ thế chạy. Nếu cứ mặc thế này ra đường không tiện. Chị với bà cho tôi ở nhờ đây đến tối, chờ anh ấy về lấy cho tôi mượn bộ quần áo”. Thế là tôi ở nhà ấy đến tối.

Anh chồng về, nhìn nét mặt tôi, hỏi: “Anh bị bắt hụt à?”. Để đề phòng, tôi nói: “Không”. May sao tối hôm ấy, có cậu Vũ Quý, bí danh là Kiến An, cùng trong Ban cán sự thành phố Hà Nội với tôi. Cậu ấy đến làm việc với anh chủ nhà thì gặp tôi.

Tôi nói nhỏ với cậu ấy: “Tôi bị bắt hụt. Anh thử để ý các phố xem nó có khám xét gì không. Nếu không thì kiếm cho tôi một chỗ ở ngoại ô để ở tạm”. Anh ấy kiếm cho tôi cái xe đạp, bộ quần áo hướng đạo sinh, cái gậy, đưa tôi đi.

Cậu ấy tìm cho tôi nhà của một người công nhân ở chân đê, đường đi xuống chỗ lò lợn, bây giờ là nhà máy xay xát. Cậu ấy đi trước, tôi đi sau, vừa đi vừa hát.

Nhà người công nhân chỉ có hai anh em với bà cụ. Tôi tiếc cái kính lúc trèo tường bị rơi. Kính ấy là của anh Trần Tử Bình cho anh Hoàng Quốc Việt, anh Hoàng Quốc Việt không đeo được nên cho tôi.

Tôi bị viễn, đeo kính ấy rất hợp. Nhìn lên ban thờ đơn sơ nhà người công nhân, tôi thấy có cái kính, tôi đeo thử, thấy được, thế là đeo luôn. Tôi hỏi, anh công nhân bảo: “Đấy là cái kính thằng em tôi nhặt được ở bờ đê, nhưng ai mà đeo được cái kính quỷ ấy, lóa cả mắt”.

Có một điều thú vị là mấy chục năm sau, năm 1972, hồi ở chiến trường Khe Sanh, tôi gặp anh chủ nhà năm ấy. Tôi kể lại chuyện ngày xưa và nói là không còn nhớ đấy là nhà ai.

Anh ấy thốt lên: “Đó là nhà tôi”. Anh ấy tên là Khánh. Anh kể rằng khi anh đi làm về, nghe em trai kể về tôi và cả chuyện cặp kính nữa. Không ngờ bây giờ lại gặp tôi.

Mấy ngày sau, tôi đi. Thoát được lần ấy, phấn khởi lắm, nhưng thấy là mình ẩu. Tôi qua sông Hồng, sang bến xe Gia Lâm, đi lên Phúc Yên, gặp anh Trường Chinh báo cáo. Lúc ấy tôi mới 23 tuổi. Đi trên xe, thấy khoái lắm.

Sau này, khi gặp lại cô Phương Thảo, ông Tường, tôi mới biết, có người đưa bọn nó đến nhà bắt mình. Đó cũng là một người mới bị bắt. Nhưng người đó nói là do một người khác khai.

Mà đúng là cậu ấy không biết nhà này thật. Bọn chúng vào, để ngỏ cửa nằm ở đó từ sáng đến trưa, đã bắt nhầm rất nhiều người. Sau nó sợ mình biết, mình không về nên đổi kế hoạch. Nó định có ai đến, nó biết đích xác là tôi thì mới bắt. Cũng may là hôm ấy tôi không đeo kính.

Tôi bị viễn nhưng chỉ lúc làm việc, đọc sách mới phải đeo. Thấy tôi không đeo kính, người lại nhỏ nhắn nên chúng nghĩ chắc không phải tôi. Lúc tôi vào nhà, nó lẳng lặng xuống bếp, hỏi chị chủ nhà: “Có phải nó không?”. Chị chủ nhà nói: “Nó đấy”.

Đúng lúc ấy thì mình vào, nó giả vờ quay ra hút thuốc lào, rồi nó ra khóa cửa. Lúc xuống bếp, không thấy mình, nó hỏi chị Phương Thảo: “Nó đâu rồi?”. Chị ấy nói: “Nó ở nhà trên mà”.

May sao nhà ấy có hai gian. Gian ngoài là chúng tôi thuê, gian trong liền với cái sân trời, người khác thuê, họ đi vắng nên khóa cửa. Bọn chúng tưởng tôi trốn ở đấy, bèn phá cửa vào.

Không thấy mình, bọn chúng lại trèo lên trần nhà, nhà không có gác nhưng có cái mái ra. Trèo lên trần nhà, chúng vớ được tập tài liệu nhưng không bắt được tôi.

Mãi rồi chúng mới nhìn thấy cái sân trời, biết là tôi chạy rồi, đuổi theo nhưng không kịp. Khi ông Tường về, chúng hỏi: “Tại sao ông bà lại chứa chấp cộng sản, chính nó là đốc lý đỏ mà chúng tôi đang truy lùng đấy. Trong nhà lại còn có sách báo cộng sản?”.

Ông Tường nói: “Nó đến trọ, trả tiền cơm, nó nói nó dạy học thì tôi biết đâu. Lúc các ông đến, vợ tôi đã nói là nó đấy rồi, không bắt được nó là tại các ông chứ tại sao lại là tôi”.

Thế là bọn kia đành nói: “Nếu Tây mà biết việc này thì chúng tôi sẽ bị tội. Ông bà cứ để tôi ở đây, khi nào Tây đến thì chúng tôi về. Ông bà cứ nói là nó chưa về nhà”.

Trong đời hoạt động cách mạng của tôi, có nhiều lần bị bắt hụt nhưng lần đó là lần may nhất, đáng nhớ nhất.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.