Vua thằn lằn

Vua thằn lằn
TP - Anh Ngô Văn Trí, người được trang web www.cryptomumdo.com, chuyên săn tìm những vật thể và sinh vật lạ trên trái, đất gọi là “Vua thằn lằn Việt Nam”.
Vua thằn lằn ảnh 1
Anh Ngô Văn Trí trước một cuộc thám hiểm hang đá. Ảnh: PV

Theo chân Vua thằn lằn

Hiện anh Trí công tác tại phòng công nghệ quản lý tài nguyên môi trường – Viện Sinh học nhiệt đới TPHCM. Hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được “Vua thằn lằn” tại Sài Gòn. Tôi muốn theo chân anh trong một chuyến đi rừng nhẹ ở Nam Cát Tiên, để có dịp tận mục sở thị tài nghệ săn thằn lằn của anh.

Hình dung nhiều về “vua”, nhưng hóa ra anh là một người đàn ông dễ mến, nói giọng Quảng, nụ cười luôn nở trên môi.

Do chuyến đi rừng ngắn ngày nên đồ đạc anh mang theo đơn giản hơn so với chiếc ba lô 40kg vẫn thường vác trong những cuộc đi dài, bên trong là thực phẩm và đầy đủ “dụng cụ hành nghề”.

Đến rừng lúc trời về chiều, anh giải thích: “Thường thằn lằn xuất hiện vào buổi tối trong những khe đá nên phải chịu khó đi vào ban đêm để phục kích”.

Tôi đi đôi giầy chống vắt, cầm cây đèn pin rồi cùng mọi người lên đường. Với kinh nghiệm lâu năm săn lùng thằn lằn, anh Trí cho biết, tùy địa hình mà chủng loại thằn lằn sẽ khác nhau. Nhưng thường chúng sống ở khe đá, bộng cây, dưới thảm mục.

Đi khoảng hơn hai giờ đồng hồ, qua đám cỏ cây lá rừng chằng chịt, chúng tôi rất mệt, nhưng riêng anh vẫn ung dung. Nước đem theo đã uống hết, mồ hôi nhễ nhại.

Bỗng dưng, anh ra dấu cho chúng tôi im lặng, đứng im tại chỗ. Anh đặt ba lô xuống, đeo máy hình vào cổ, tay cầm cái thòng lọng tự chế mà tôi đoán đó chính là dụng cụ bắt thằn lằn.

Anh trèo lên một cây to có bộng, đứng im gần 40 phút. Có lúc lại rón rén lấy máy ảnh ra chụp vài kiểu, sau đó lại đứng im.

Chúng tôi ở dưới sốt ruột vì không biết bao giờ con thằn lằn ấy mới chạy ra. Bỗng thấy anh một tay thò vào bộng cây lùa thằn lằn, tay kia chặn đầu để chụp.

Nhưng, chú thằn lằn ấy không nằm gọn trong bàn tay anh, mà lại nhảy lên cánh tay và chạy biến đi. Theo phản xạ, anh chỉ chụp lấy chú thằn lằn mà quên rằng, mình đang đeo cái máy chụp hình trước ngực. Kết quả là thằn lằn chạy mất còn máy ảnh va vào thân cây, nứt màn hình.

Chúng tôi hỏi tại sao không cho chúng tôi đến gần để xem, anh bảo: thường thằn lằn rất nhạy, chỉ cần có chút mùi hương nhân tạo như: nước xả, dầu gội, nước hoa… là chúng nhận ra và chạy ngay. Nên hầu như đi rừng, anh không bao giờ thoa kem chống muỗi hay xài bất cứ loại xà bông nào.

Đang nói, bỗng nhiên một con thằn lằn từ tán cây rơi xuống và bám lên tay anh. Tôi giật mình hoảng hốt, anh chỉ cười và nói: Đấy thấy chưa! Tôi rất có duyên với thằn lằn.

14 năm đi rừng

Không có cánh rừng nào ở Việt Nam anh Trí chưa đặt chân đến. Cứ trung bình một tháng hai đến ba lần anh có mặt ở rừng, đi ít thì một tuần, nhiều hơn là sáu tuần. Có những cánh rừng anh quen đường đi lối về do “nằm vùng” quá nhiều. Nhưng cũng có lúc lạc.

Anh nhớ một lần đi rừng buổi sáng tại Sơn Trà, một phần do mải theo chân bầy voọc chà vá chân đỏ mà anh đi lạc lúc nào không biết. Khi quay lại, anh chỉ thấy toàn cây cối, tuyệt nhiên không một lối ra.

Do không chuẩn bị lương thực cho chuyến đi dài nên anh đói và khát đến lả người. Điều đầu tiên anh làm đó chính là nghe tiếng chim hót để tìm đến con suối giải quyết cơn khát cháy cổ. Thế nhưng, khi đến nơi thì suối cạn khô, may cho anh chỉ còn chút nước trong một trũng đá.

Kế đến, anh trèo lên cây theo kinh nghiệm để định hướng. Linh cảm của người đi rừng lâu năm giúp anh tìm thấy lối ra sau một ngày lạc trong rừng. Anh cười và nói với tôi: đi rừng không lạc thì không phải là rừng, mà lạc không tìm thấy đường ra thì không phải người đi rừng.

Ngoài ra, anh còn biết cách bảo quản đồ ăn trong suốt thời gian đi rừng để không hư, nhận biết các loại rau trong rừng ăn chung với thức ăn để tránh bị táo bón, nghe tiếng chim hót để định vị, nhìn cây cối, vách đá để xác định lối đi.

Tất cả những điều này, không có trường lớp nào dạy được, chỉ là sự đúc kết kinh nghiệm bản thân trong những lần tìm kiếm thằn lằn và các loài động vật hoang dã khác.

Những lần đối mặt với “tử thần”

Hiện tại Việt Nam có khoảng 40 loài thằn lằn các loại, trong đó, 11 loài mới do Ngô Văn Trí cùng đồng nghiệp phát hiện và công bố. Hầu hết, đây đều là những nhóm thằn lằn đặc hữu của Việt Nam.

Đi rừng hơn 14 năm, gặp thú dữ hổ, voi, gấu… là chuyện thường tình. Anh nói: Thật ra, thú không chủ động tấn công con người nếu như chúng cảm thấy an toàn, nên nghe tăm người nó chạy trốn. Bên này, mình cũng lo trốn nên cũng hiếm trường hợp bị thú tấn công, chỉ sợ nhất là đạp nhầm rắn.

Một lần, anh đã “đối mặt” với con rắn lục đuôi đỏ khi đi rừng ở Bình Thuận. Do bất cẩn, anh bị một nhát cắn ngay tay. Người dân quanh vùng bảo, rắn này không sao nhưng với kinh nghiệm đi rừng, anh biết đây là loại rắn độc.

Quả đúng thật, vết cắn chỉ sau 10 phút đã khiến cánh tay anh sưng phù lên. Đường đến trạm xá thì xa xôi. Cũng may lần đó, anh kịp thời nhờ người bạn chở đi sớm. Nếu không, chắc cũng khó lòng qua khỏi.

Vì phải leo trèo trên những địa hình núi đứng, nên việc té ngã cũng được xem là rất đỗi bình thường với anh. Anh nói đùa: Miễn còn nguyên xương là được. Có lần, anh suýt rớt xuống vực sâu nếu không kịp thời buông chú thằn lằn ra để cứu lấy mạng sống của mình.

Lại có những lần đang đóng trại thì bị lũ ống bất ngờ tràn xuống. Chỉ trong vòng chưa đến 30 phút, lũ cuốn đi mọi thứ. Anh phải chống chọi với cơn lũ để giữ lấy mạng sống.

Đến khi lũ qua đi, anh lại phải đối diện với “cái đói, cái khát”. Phải ăn rau rừng, ếch rừng, câu cá… May cũng nhờ có kĩ năng đi rừng nhà nghề, nếu không ăn nhầm rau độc hay ếch độc, chắc cũng chết – anh cười nói.

Đi rừng sợ nhất là thiếu nước và mất ý chí. Anh nhớ có lần đi trong địa hình đá vôi không có nước, mọi người trong đoàn bắt đầu thiếu bình tĩnh. Lúc đó, anh phải chơi đến chiêu “tâm lý chiến” bằng cách nói với mọi người hình như gần đây có một vườn chanh.

Sốt rét rừng đã hành hạ anh hơn 10 lần, trong đó bốn lần suýt chết. Ra viện với thân thể ốm yếu, hồng huyết cầu tụt nhiều, nhưng anh lại tiếp tục đi rừng, mặc cho mọi người can ngăn.

Biết là nguy hiểm rình rập trong mỗi chuyến đi nhưng không đi là muốn bệnh, người cứ bồn chồn. Anh nói: chắc có lẽ tôi còn mắc nợ đại ngàn nhiều quá.

Mang cả thằn lằn về nhà

Vua thằn lằn ảnh 2
Thằn lằn người tròn đuôi trắng

Anh Trí tâm sự: Đi rừng riết đâm nghiện, về nhà vài bữa là nhớ rừng kinh khủng, thế là lại quẳng ba lô lên vai và đi tiếp.

Có những loại thằn lằn đi đến ba lần vẫn không theo được, dù đã nghiên cứu rất kỹ sinh hoạt, cũng như môi trường sống. Có những lần, anh đi quá lâu, hết sạch tiền. May mắn, anh gặp những người bản xứ tốt bụng, cho ăn và ở nhờ trong thời gian đi rừng.

Cũng vì quá đam mê thằn lằn mà anh viết email làm quen với vị giáo sư người Mỹ. Ông tên là Aaron M. Bauer, được mệnh danh là vua tắc kè của thế giới.

Ông đã xuất bản hơn 400 công trình khoa học và viết rất nhiều cuốn sách giảng dạy tại đại học Villanova bang Pennsynvania, Hoa Kỳ.

Nhiều lần, anh gửi mail đi nhưng không được hồi âm. Cuối cùng, chính sự kiên nhẫn của anh khiến vị giáo sư nổi tiếng liên lạc lại. Sau này, chính ông giúp anh rất nhiều trong công việc viết lách, công bố các loại thằn lằn mới.

Anh cũng được gặp vị giáo sư này ngoài đời trong một chuyến đi dự hội thảo Bảo tồn Đa dạng Sinh học Quốc tế tại San José, California, Hoa Kỳ, do tổ chức WWF tài trợ vào năm 2006. Chuyến đi tuy ngắn nhưng anh học hỏi được rất nhiều thứ liên quan đến công việc từ những người đồng nghiệp trên thế giới.

Thời gian đầu, vợ anh chưa hiểu tính chất công việc của chồng nên hờn giận. Đi thì thôi nhưng về lại nhốt mình vào phòng thí nghiệm với toàn hình ảnh và chai lọ toàn thằn lằn xung quanh! Tối đến, nằm ngủ, lại mơ gọi tên thằn lằn!

Chưa hết, những con tắc kè anh đem về nhà nuôi để nghe tiếng kêu cho đỡ nhớ rừng cũng là nỗi ám ảnh của vợ con và cả hàng xóm. Thế nhưng, sau khi thấy anh xuất hiện trên truyền hình và báo chí với những bài viết về công trình nghiên cứu, mọi người hiểu ra và ủng hộ anh.

Cho đến nay Ngô Văn Trí “khai sinh” cho nhiều loại thằn lằn. Anh đặt cho chúng những cái tên như: thằn lằn người tròn chân cam - Cnemaspis aurantiacopes Grismer & Ngô, 2007 có đặc điểm là các chân có màu da bò hay cam; thằn lằn đá người tròn đuôi trắng - Cnemaspis caudanivea Grismer & Ngô, 2007, đuôi có màu trắng tuyết được phân biệt với các loài thằn lằn cùng giống khác.

Có loại thằn lằn đặt tên theo ngọn núi như núi Núi Cấm - Cnemaspis nuicamensis Grismer & Ngô, 2007, hay núi Tức Dụp Cnemaspis tucdupensis Grismer & Ngô, 2007…

Ngoài ra, anh còn đặt chúng theo tên của những vị giáo sư mà anh yêu thích như: Đặng Huy Huỳnh – Cyrtodactylus huynhi Ngô & Bauer, 2008,  giáo sư L. Lee Grismer – Cyrtodactylus grismeri.

Nhằm đánh giá cao những nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của Tiến sĩ Stephanie L. Eisenmani, WWF, Hoa Kỳ, anh đặt tên giáo sư này cho loài thằn lằn chân ngón Eisenmani – Cyrtodactylus eisenmani Ngô, 2008. 

Những loại thằn lằn này được công bố trên những tạp chí: Herpetologica, Zootaxa, Hamadryad, Zoosystematics and Evolution...

Nhưng có lẽ, tin vui nhất chính là anh được tổ chức WWF, Hoa Kỳ tặng thưởng 1,500 USD và chính cơ quan anh đang công tác tài trợ 45 triệu cho những chuyến nghiên cứu tiếp theo.

Đây chính là nguồn động viên rất lớn, giúp anh tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu và tìm ra những loại thằn lằn mới cho nền khoa học của Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.