Người nghệ sĩ nặn tượng Bác Hồ thành công nhất

Người nghệ sĩ nặn tượng Bác Hồ thành công nhất
TPCN - Nghệ sĩ Diệp Minh Châu là nhà điêu khắc duy nhất được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.
Người nghệ sĩ nặn tượng Bác Hồ thành công nhất ảnh 1
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (ngươi thứ ba từ trái sang) được ăn cơm với Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. Ảnh: T.L

Sau buổi cùng đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh họp mặt chia vui, chúc mừng nghệ sĩ Diệp Minh Châu do Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức, tôi đã tìm ngay đến nhà nghệ sĩ 77 tuổi, tóc trắng như bông, song tâm hồn, phong thái vẫn rất trẻ trung.

Khi tới nhà ông ở đường Pasteur được ông dẫn đi xem phòng đặt tượng và những phác thảo của ông, tôi thấy quá nửa số tác phẩm đó đều là tượng Bác Hồ.

Ý tưởng và bối cảnh để tôi vẽ bức tranh Bác Hồ  với thiếu nhi ba miền Trung Nam Bắc bằng máu là thế nào ư?

Nhắc lại câu hỏi của tôi, Diệp Minh Châu không trả lời trực tiếp mà lục tìm đưa tôi xem bức điện thư của ông từ Đồng  Tháp Mười gửi ra Việt Bắc năm 1947 đã được in trong một tập sách. Ông không gọi Hồ Chủ tịch bằng Bác mà bằng Cha. Thư ông viết:

Kính gửi Cha già: Hồ Chí Minh

Kính Cha!

Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn khu Tám, Cách mạng Tháng Tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay, trong cảnh vĩ đại của ngày lễ Độc lập chưa từng có ở Nam bộ, sau khi nghe lời “Tuyên ngôn độc lập” của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của  Cha là lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn Thiếu sinh Nam bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và ba em nhỏ Trung Nam Bắc đương xúm đầu lại dưới chòm  râu của cha, trên nền lụa mà quân dân đã đánh tan quân địch đã chiếm được ở trận Giồng Dưa hồi tháng 4 năm 1947.

Thấy máu con chảy mọi người hoảng hốt băng bó, lo ngại. Con trả lời: Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì hao phí máu con đâu! Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi.

Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con đây lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha già đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Kính chào Cha

Khu 8, 2/9/1947

Con

Diệp Minh Châu

Tôi đọc xong bức thư, xúc động nhìn hai vết sẹo còn in trên cánh tay trái của nghệ sĩ.

Vậy cây bút mà bác vẽ bức tranh đó có lưu lại được không?

Tôi sẽ vẫn mang nó theo cho đến lúc xuống mồ - ông cười hóm hỉnh, giơ ngón tay út lên – Tôi dùng ngón tay út này làm bút.

Từ Nam bộ đang kháng chiến ác liệt, đường ra Việt Bắc lại xa xôi cách trở, ngày đó bằng cách nào mà bác chuyển được bức tranh đến Hồ Chủ tịch?

Câu hỏi đã như khơi đúng vào “mạch nước ngầm” kỷ niệm nên Diệp Minh Châu sôi nổi hẳn lên:

Không phải tôi vẽ xong là gửi ngay được ra Việt Bắc. Đầu năm 1948, ở Nam bộ có một đoàn đại biểu anh Trần Văn Trà, khu trưởng khu 8 làm trưởng đoàn ra chiến khu Việt Bắc báo cáo tình hình với Bác và Trung ương nên bức tranh đã được anh Trà đích thân mang ra dâng lên Bác.

Vừa nói, Diệp Minh Châu vừa lật tìm trong tập ảnh và chỉ cho tôi một bức ảnh Bác Hồ với nét mặt rất vui đang ngồi xem bức tranh cùng đồng chí Trần Văn Trà và các đại biểu Nam bộ.

Đến giữa năm 1949 đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương cử vào Nam bộ cùng chỉ đạo kháng chiến đã đến nơi tôi đang tổ chức triển lãm tranh mới vẽ ở chiến trường, đồng chí bất chợt hỏi:

- Trong số anh em ở đây, có ai là Diệp Minh Châu không?

- Dạ có, tôi đây!

- Đúng anh là Diệp Minh Châu không?

- Dạ, đúng!

- Sở dĩ tôi phải hỏi kỹ như vậy, vì tôi vào đây, Bác Hồ còn trao cho tôi hai việc. Một là, thế nào cũng phải tìm cho được Diệp Minh Châu, thay  mặt Bác bắt tay Diệp Minh Châu và nói lời cám ơn của Bác đối với Diệp Minh Châu.

Bác còn dặn kỹ là tôi phải trực tiếp bắt tay và nói lại lời Bác chứ không được nhắn qua người khác. Việc thứ nhất đã xong – Anh Lê Đức Thọ buông tay tôi sau khi đã siết chặt, quay ra mở xắc-cốt lấy ra tấm ảnh Bác và nói: Còn đây là việc thứ hai, Bác gửi tôi chuyển tấm ảnh này để tặng anh.

Trời ơi, Bác! – Tôi thốt lên định nói tiếp với anh Thọ nhưng nghẹn lời không nói được. Chỉ nâng tấm ảnh ấp vào ngực mình và rồi suốt từ lúc đó đến hết đêm hôm ấy, nước mắt tôi cứ trào ra vì quá sung sướng và xúc động.

Sau này nghệ sĩ Diệp Minh Châu đã được tiếp xúc với Bác nhiều lần. Năm 1951, ông được Trung ương cục chỉ định đi dự hội nghị sinh viên quốc tế ở Praha.

 Ông kể: Tôi cùng đi với đoàn đại biểu đảng của Nam bộ do anh Ung Văn Khiêm dẫn đầu ra Việt Bắc dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Một hôm khi Đại hội sắp bế mạc, tôi đang say sưa vẽ quang cảnh chung của hội trường Đại hội thì anh Hiền chụp ảnh hớt hải chạy ra gọi to:

- Châu! Châu! Bác gọi cậu đấy!

Tôi buông bút theo anh Hiền về nơi Bác đang đãi cơm các đại biểu. Mỗi đoàn Bác đãi một bữa, hôm nay đến đoàn đại biểu của miền Nam. Tôi đến bên Bác thưa:

- Thưa Bác, Bác cho gọi cháu!

Bác gật đầu cười rồi bảo “Chú đi tìm tên trên ghế mà ngồi ăn cơm với các đại biểu”. Tôi cảm động đi xuống phía dưới, nhưng Bác lại gọi chỉ vào một chiếc ghế trống có tên tôi cách Bác ngồi có một ghế, tức là nơi đồng chí Su-pha-nu-vông đang ngồi. Phía trái Bác  là đồng chí Ung Văn Khiêm.

Tôi hồi hộp run run, nhưng khi ngồi vào ăn do từ sáng mải vẽ quên đói, lúc này tôi ăn nghiến ngấu hết sạch ngay cả một con chim quay theo tiêu chuẩn, trong khi đó các đại biểu chỉ mới ăn hết một nửa.

Bác đi vòng quanh khích lệ các đại biểu. Lúc quay về thấy đĩa của tôi đã sạch trơn, Bác hỏi: “Phần thịt của chú đâu?” Tôi thú thật với Bác: “Thưa Bác, cháu đang đói quá nên ăn hết luôn rồi ạ”. Bác mỉm cười chia cho tôi  thêm một nửa phần của Bác.

Sau Đại hội, tôi được Bác cho ở bên Người 6 tháng. Những tác phẩm về Bác, về chiến khu Việt Bắc tôi  có được sau này chính là đã được “gieo mầm” từ thời gian đó”.

Nguồn “nước ngầm” kỷ niệm về Bác Hồ với Diệp Minh Châu không chỉ dừng lại ở đây. Sau 4 năm được cử đi học điêu khắc ở Tiệp Khắc  về tới Hà Nội, ông đã được đặc cách vào phủ Chủ tịch để nghiên cứu sáng tác về Bác.

Vì thế  trong 5 tác phẩm ở giải thưởng Hồ Chí Minh của ông đã có 3 tác phẩm về Bác. Ông đã có hơn 100 tranh tượng về Bác Hồ, trong đó nhiều tượng đã được đặt ở các vị trí lịch sử của đất nước.

Bức tượng Bác bằng đá hoa cương cao 8 mét, nặng 180 tấn được đặt ở công viên 23/9 của thành phố Hồ Chí Minh (năm 1997) được xem là tượng chân dung lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Hôm nay, khi viết lại chuyện này rất tiếc rằng nghệ sĩ Diệp Minh Châu đã xa chúng ta về cõi vĩnh hằng. Nếu còn sống, tôi tin ông sẽ còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về Bác Hồ kính yêu.

TP Hồ Chí Minh 5/2006

Hà Bình Nhưỡng

MỚI - NÓNG