Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử

Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử
TP - Sau 20 năm, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn. Để có được thành quả đó, chúng ta đã có một “Cuộc xé rào” lịch sử. Nhưng có những khoảnh khắc, xuất phát từ nhiều nguyên do mà cho tới hôm nay, nhà báo mới chuyển tải thông tin tới bạn đọc.
Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử ảnh 1

Hàng chục ngàn quần chúng xuống đường đả đảo tư sản mại bản (1976)  ảnh: Tư liệu

Chúng ta đang nói tới sự kiện xảy ra đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi ông Mai Chí Thọ – nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc CA  TP. Hồ Chí Minh – bị “triệu tập” gấp, mặc dù ông đang nằm điều trị tại bệnh viện. Những điều gì đã xảy ra xung quanh “sự kiện” ấy? Xin mời quý độc giả theo dõi loạt phóng sự do nhóm phóng viên báo Tiền phong vừa thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh.

Ở tuổi 85, lại đang mắc bệnh tiểu đường, song bác Tám Cao- biệt danh thân mật của nguyên ủy viên Bộ Chính trị Mai Chí Thọ - vẫn ngồi chuyện trò với chúng tôi nhiều giờ đồng hồ với trí nhớ tuyệt vời. Bữa trước, khi phóng viên báo Tiền phong nhắc lại “chuyện cũ” và ngỏ ý xin gặp, bác Tám Cao vui vẻ nhận lời ngay, và khi bắt đầu câu chuyện, bác còn nhắc chúng tôi nhớ bật máy ghi âm…

“Đó là thời kỳ rất khó khăn, phức tạp – Bác Tám Cao nhớ lại – Nếu tính mốc ngày chiến thắng 30/4/1975, Sài Gòn thực chất mới chỉ hưởng hòa bình vỏn vẹn được 3 ngày thì tiếng súng nơi biên giới Tây Nam đã nổ. Không một dòng, mẩu tin trên báo chí.

Một cuộc chiến kéo dài tới 14 năm (1975-1989) mới chấm dứt. Nhưng lúc đó, bạn bè quốc tế không hiểu, ngay một số người của ta lúc đầu cũng chỉ ý thức được đó là một “mâu thuẫn nội bộ”. Chúng ta thì nín nhịn cho mãi tới khi địch còn cách Sài Gòn hơn 42 km đường chim bay, thì buộc lòng mới phản công (năm 1979).

Thời điểm đó, Sài Gòn đã phải điều động nhân dân, kể các các linh mục, sư sãi… để làm chiến tuyến phòng thủ ở Tân Sơn Nhất mà báo chí trong và ngoài nước vẫn chưa lên tiếng… Cuộc chiến này đã gây cho đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng những tổn hại vô cùng lớn…”.

Trầm ngâm một lát, bác Tám Cao đúc kết: “Sau chiến thắng 30/4/1975 với chủ trương “Tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, ngay sau khi giải phóng, TW đã giao nhiệm vụ cho TP. HCM phải bắt tay ngay vào chiến dịch mang bí số X1 và X2 với nội dung “Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa” vẫn được quen gọi là “Đánh tư sản mại bản”.

Chiến dịch X1,  thì tạm được bởi chúng ta thực hiện cải tạo những tư sản có liên quan tới đế quốc, dù trong số họ không ít người chỉ thuần túy “làm kinh tế”.

Nhưng đến chiến dịch X2 thì sự sai lầm đã bộc lộ rõ: Vì “chỉ tiêu” được giao cao hơn, nên trong suốt một thời gian dài, hàng chục vạn lượt nhân dân lao động, thanh niên, sinh viên, học sinh  rầm rộ xuống đường với khẩu hiệu, biểu ngữ, loa tay, loa phóng thanh, nắm tay hô vang khẩu hiệu “Đả đảo tư sản mại bản” khiến cho lớp “người giàu” thuộc chế độ cũ kinh hồn bạt vía.

Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử ảnh 2
Đại tướng Mai Chí Thọ

Nhưng đến nửa chừng rà soát lại gần 2.000 “đối tượng X2”, thì chỉ đúng có… 3 đối tượng ! Chủ trương duy ý chí này đã làm  sa sút ghê gớm, biến dạng diện mạo cũng như nội lực của thành phố, xóa đi hết những ưu thế, cơ sở vật chất sẵn có của “Hòn ngọc Viễn Đông”…

Không khí cải tạo ồ ạt, tịch thu, tịch biên tài sản của các đối tượng “X1, X2”, đem về đổ dồn, chất đống đầy các kho không chứa xuể, phải tấp táp đâu đó, sau một thời gian ngắn, những tài sản này phần thì biến mất, số còn lại hư hỏng trở thành một đống đổ nát khổng lồ…

Từ một thành phố hưởng thụ, một Trung tâm công nghiệp lớn nhất, vậy mà chỉ sau mấy năm khi “Chiến dịch X1, X2” đi qua, toàn bộ nền sản xuất công nghiệp của thành phố bị tê liệt tới mức cạn cùng: Nguyên vật liệu không còn, viện trợ từ các phía bị cắt đứt, cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng, máy móc phương tiện “đắp chiếu” ngủ triền miên hết năm này sang năm khác.

Nền kinh tế của thành phố như thoi thóp, lạm phát  gia tăng chóng mặt từ 15,3% đến 31% vào năm 1979; từ 20% năm 1980 đến 40% năm 1981, cộng với thiên tai, mất mùa, tăng viện cho cuộc chiến phía Tây Nam, số người thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Rồi dịch bệnh tràn lan, phương tiện, thuốc men thiếu thốn đủ thứ khiến cho đời sống người dân ngày càng lâm vào cảnh cùng cực. Có nhiều người không chịu đựng nổi phải vượt biên.

Nhiều gia đình, thân nhân người làm việc trong chế độ cũ lúc đầu rất tin tưởng vào chính sách hòa hợp dân tộc, họ lại quen sống dựa vào đồng lương của chồng nay suốt ngày nhai bo bo. Lòng người dân bắt đầu rối loạn, những cảnh di tản rất bi thương diễn ra hàng ngày…

Chợt nhớ, trước lúc tới gặp bác Tám Cao, chúng tôi đã ghé thăm khá nhiều “nhân chứng” của thời kỳ “5 năm khổ hạnh”. Chưa nói gì  tới dân thường, dân nghèo, mà ngay đến cuộc sống của những gia đình cán bộ có “cỡ” của thành  phố lúc đó cũng lao đao, khốn đốn tột cùng.

Anh Ba Châu – con trai cả của cố quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, nhớ lại: “Sau giải phóng, vốn là cán bộ Đoàn, tôi ở chung khu tập thể với anh Sáu Phong (tức đồng chí Nguyễn Minh Triết, hiện là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM) lúc đó là Bí thư Thành Đoàn TP.

Gia đình anh Sáu Phong cũng cực khổ lắm, nên phải nuôi heo để tăng thêm thu nhập, còn tôi, suốt 5 năm trời, sáng nào cũng vậy, phải dậy từ 3 giờ sáng đi xếp hàng cùng các cháu 13-14 tuổi để lấy bánh mỳ đi bỏ kiếm thêm phụ vào bữa ăn gia đình.

Thành phố lúc đó dấy lên phong trào “tự túc lương thực” nhà nhà trồng rau, nuôi heo, làm đủ mọi việc để kiếm sống. Trước đó không lâu, còn là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nay, TP HCM như trở thành một khu chăn nuôi, trồng trọt khổng lồ, thậm chí có nhiều đoạn vỉa hè bị đào xới lên để trồng khoai lang, rau cải…”.

Nhắc tới chuyện này, bác Tám Cao cười đau xót: “Ngay như gia đình tôi đây, hồi đó, làm Chủ tịch thành phố, anh em họ thương, phân cho ở một ngôi nhà rất rộng và đẹp kiểu  château của Pháp ngày xưa. Biệt thự nằm trên khuôn viên rộng mấy ngàn mét vuông, có thảm cỏ xanh mượt rất đẹp mắt, những dãy hoa càng tô điểm thêm cho vẻ sang trọng lộng lẫy của khu biệt thự.

Phía trước nhà có bể bơi nước trong xanh phía sau có sân tennis. Thế mà chỉ sau một thời gian, bể bơi lúc đầu thả cả rô phi, sau chẳng lấy đâu ra thức ăn cho cá, vả lại cũng không có người chăm sóc nên  trong bể đầy nòng nọc; thảm cỏ thì biến thành ruộng trồng khoai lang để nuôi heo.

Còn sân tennis bỏ hoang vì lúc đó ai mà còn tâm trí chơi các môn thể thao quí tộc ấy, dù có muốn cũng chẳng tìm đâu ra được bóng với vợt… Nhiều sáng  đi làm, tôi cũng chỉ lót dạ mấy củ khoai lang luộc. Dạo ấy, từ Bí thư đến Chủ tịch thành phố, lúc nào cũng nghĩ cách kiếm gạo cho dân.

Khó khăn tới mức, mấy anh em công an phải dùng xe mang biển số CA, mặc sắc phục CA để xuống miền Tây chở gạo về cho anh em. Công nhân thì tới buổi cơm phải đem cân chứ không chịu bới ra chén sợ không đồng đều. Khi nhận được suất ăn, ai cũng chỉ ăn một nửa, còn một nửa mang về cho gia đình, tội lắm!

Có một hôm chú xuống thăm anh em thương binh, bệnh binh mà không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh anh em vừa đói bụng, đói thuốc men, mà chỉ cần mấy chục chiếc xe lăn mà cũng không sao lo nổi được cho anh em… Nhiều đêm, tôi đi từ Sài Gòn xuống Chợ Lớn, lòng đau thắt  khi nhà cửa, hiệu buôn đóng cửa im ỉm, thành phố như đang chết dần…”.

Kỳ II: Xé rào

MỚI - NÓNG