Chuyện tìm mộ nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý

Chuyện tìm mộ nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý
TP - Chú tôi nói: Như ông Bùi Minh Quốc đi tìm hài cốt bà Dương Thị Xuân Quý ở làng mình đó, mấy năm ni đều thấy ổng về thắp hương nhưng không nhờ anh em mình đào tìm nữa mô. Còn chi nữa, lâu lắc từ cái thuở 1969 mà.
Chuyện tìm mộ nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý ảnh 1
Ông Đặng Xuân Ba bên cái hố tìm thấy hài cốt nhà văn

Thôi thì thằng Bắc rằm mồng một thắp hương cho bả là được rồi, cũng ở quanh vườn nớ chứ mô. Có ông bảo tôi, năm nớ cô Quý chạy xuống được vùng Bàn Thạch - Duy Vinh. Chưa hết.

Đầu Giêng năm nay, anh Thông ở Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam điện thoại cho: Có ông vừa đào trong vườn được cái võng dù, họ nghi của cô Xuân Quý, em về xem thử. Anh đem chuyện này nói với nhà thơ Bùi Minh Quốc khi gặp ở Hội An trong dịp Hội nghị viết văn trẻ...

Ông Quốc điện cho ông Bá Thâm ở Hội Văn nghệ tỉnh. Chúng tôi phóng xe về cũng là lúc anh em đào bới vừa dừng tay. Bà con xúm chặt. “Thôi lần ni khỏi đào nữa chú Quốc hè”. Giọng anh Chính. Ông gật đầu nhè nhẹ, mắt đăm đắm vào đôi bàn tay run run giữ một gói nhỏ bọc bằng báo.

Trong lớp báo là lớp lá chuối xanh mướt. Một cái kẹp tóc bằng Inox, mặt trước khắc hoa văn, trái tim, ngôi sao, mặt sau sâu xuống có ép tấm nhựa vừa rớt, một dòng chữ được đục khá đều: Tặng chị X. Quý. EI. “Đúng đây rồi cháu à”.

Ông nói với tôi như vừa đủ cho mình ông nghe. Dây thép gài tấm I-nox đã gỉ, bung ra. Cái kẹp ấy có thể do ai đó tặng. Ông Bá Thâm thì đoán rằng là bộ đội trung đoàn I sư đoàn II của tướng Nguyễn Chơn tặng.

Ông Quốc lặng phắt. Rồi như sực tỉnh, quay sang giới thiệu tôi với một ông già thấp đậm, cách ăn mặc của một cựu binh. Ông tên là Đặng Xuân Ba, trước ở đơn vị thông tin 320 đánh nhau ở chiến trường Tây Nguyên, nhà cửa ở Sài Gòn, nhưng ông lại ở Lâm Đồng đảm nhận việc đặt trạm liên lạc đi tìm mộ liệt sĩ.

Ông Quốc: “Tất cả nằm ngoài suy nghĩ của chú”. Năm 1984, ông về tìm hài cốt vợ. Chỗ đào đầu tiên là bia tưởng niệm bây giờ. Đó là cái giếng cũ. Một du kích thoát chết kể lại rằng anh cùng nhà văn Xuân Quý bị bắn ngay dưới giếng trong đêm 8/3/1969 nhưng anh chạy được. Tìm mãi chỉ được vài ba chén bát sành. Thôi thì hốt nắm đất bỏ tiểu sành rồi táng tại chỗ.

Ông Bá Thâm, vốn làm việc ở Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, mấy năm qua chuyên đi tìm mộ cho ông Nguyễn Hồng, nhà thơ Nguyễn Mỹ, dựng bia nhà văn Chu Cẩm Phong, khóc ròng: “Năm 1985, trưa nắng đổ lửa, tau đem tiểu sành đó, đi cùng ông Quốc ra táng ở nghĩa trang Hòa Phước, trước khi ông Quốc rời Đà Nẵng.

Lần hai, năm 1995, lại quay về chỗ cũ. Rồi cũng đào bới, dùng máy xúc, phá tung bờ tre sát giếng cũ. Nước trào lên đến ngực. Chịu. Lần ba, năm 1996, lại về tìm lần nữa. Quá tam ba bận. Có lẽ lần này là lần cuối.

Câu thơ ông Quốc đề sau mặt bia tưởng niệm vợ dựng tại giếng cũ đó vào năm 1996 trong vườn anh Võ Bắc: “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên”, như lời chứng cho lòng thành cho tình yêu của ông “anh mất em như mất nửa cuộc đời” trong “Bài thơ về Hạnh phúc”.

Chuyện tìm mộ nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý ảnh 2
Chiếc kẹp tóc có khắc tên X. Quý

Mỗi lần về ông lại đáo ra thắp hương, rồi đi. Cuộc sống bất tận, sức người bao lăm. Chút yên ủy, an ủi chứ không bằng lòng, rằng thôi đâu cũng là đất mẹ, anh em biết, bà con biết, trời xanh biết lòng thành của mình. Tôi đứng trước hố đào rộng nửa mét, sâu 1,4 m, miên man nghĩ...

Ông Quốc bảo, ông gặp ông Đặng Xuân Ba chỉ vài ba lần thôi, lâu rồi. Chuyện này có căn cớ xa xa một chút. Khi còn làm ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng, vợ chồng con gái ông Ba cũng làm ở đó. Cuộc sống eo xèo, chỗ ở khó khăn, vợ chồng ông nhường cho họ một phòng ở tầng dưới.

Năm trước, một bạn văn nói với ông rằng, ông Ba tìm mộ giỏi lắm. Ông nghe rồi gặp, kể hết hành trình tìm mộ vợ nhưng nói thật ra là không tin tưởng mấy. Ông Ba không chịu, hẹn về Quảng Nam.

Khi chạy xe honda đến Thăng Bình thì nhận điện ông Ba, hẹn rằng ngày mai sẽ tìm, nhưng ông Ba lại nói rằng cũng đang ra đây, thôi đi tìm luôn trong chiều nay...

Tôi hỏi ông Ba: “Làm sao bác xác định được?”. “Tôi phán đoán. Theo lời kể, nguyên ở đây hai bên là lũy tre, giữa là giao thông hào. Bên kia, xịch gần chỗ bia tưởng niệm một chút, trước đã đào tìm thấy tấm dù.

Kinh nghiệm chiến trường cho thấy, khi bị thương nằm một chỗ, nếu tỉnh dậy sẽ bò đi một đoạn. Tôi nghe nói, ngay cái chuồng bò kia (cách hố đào thấy hài cốt khoảng 8 m-PV), khi lính Nam Triều Tiên đi rồi, bà con thấy máu nhiều lắm, ruồi bu đầy, có lẽ chị Quý bị bắn chỗ đó. Tôi áng chừng, chị bò đến đây rồi nằm luôn”.

“Tại sao chỗ này, chỉ duy nhất chỗ này mà không chỗ khác? Không còn điều chi nữa à?”. Biết ý tôi, ông nhẹ nhàng: “Không có chuyện thần giao cách cảm ở đây đâu”. Ông chỉ nói chừng đó. Tôi nghĩ rằng ông là cựu binh đang đi tìm đồng đội.

Mọi người kể: Lúc đầu định đào chỗ cách hố này chừng 3 m, nhưng ông không chịu. Đào chỉ hơn 30 phút, trúng ngay. Ông Thành: Trên Mang Yang đó rừng rú đất đá tùm lum mà ổng tìm cũng ra đó anh!

Ông Quốc nhắc lại: Linh lắm, tất cả ngoài dự đoán của chú. Gần 25 năm qua, anh em bà con  làng này đã đào nát  cái vườn để tìm cô Quý mà có ra đâu. Điều mình không ngờ đã xảy ra. Hy vọng đã tắt.  Tưởng rằng đã hết...

Bà con chạy lên quốc lộ mua giùm ông Quốc cái tiểu sành. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý, tác giả của “Hoa rừng”, sau gần 40 năm không gặp mặt chồng, âm dương đôi ngả, giờ được chính tay ông Quốc an táng dưới chân bia tưởng niệm.

“Thôi, chú có đề câu thơ sau tấm bia đó mà, để cô nằm đây cũng được”. Vây quanh là những người nông dân chân đất, nhiều người đã từng gặp nhà văn Xuân Quý khi bà viết cái ký cuối cùng của đời văn “Gương mặt thách thức” về Bình Dương-Thăng Bình xong lội qua sông Ly Ly, về vĩnh viễn nằm tại đây.

Nhiều người trong số họ đã giúp, tìm giùm, rồi hiến đất xây bia tưởng niệm như anh Võ Bắc. Ông Quốc: “Anh em về trước, chú ở lại với cô một đêm”...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.