Ngôi nhà lưu niệm của Hoàng Thái hậu Từ Cung

Ngôi nhà lưu niệm của Hoàng Thái hậu Từ Cung
TPCN - Ngôi biệt thự có số nhà 79B, nay đổi số mới là 147, ở đường Phan Đình Phùng – thành phố Huế, hướng mặt tiền ra sông Lợi Nông (sông An Cựu) từ vài chục năm  nay người Huế quen gọi là nhà Đức Từ Cung.
Ngôi nhà lưu niệm của Hoàng Thái hậu Từ Cung ảnh 1
Nhà lưu niệm Hoàng Thái  hậu Từ Cung         

Ngôi nhà được xây cất dưới thời thuộc Pháp, đã qua vài lần đổi chủ. Chủ nhân cuối cùng là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.

Bà Từ Cung, nhũ danh là Hoàng Thị Cúc, con ông Hoàng Văn Tích, nguyên quán ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế. Ông Hoàng Văn Tích được ban chức Thái Thường Tự Khanh, tước Nghi Quốc Công.

Phủ thờ họ Hoàng, họ ngoại vua Bảo Đại, được lập ở đường Nguyễn Du, phường Phú Cát. Dưới thời Duy Tân (1907-1916) bà là phủ thiếp của Phụng Hoá Công Bửu Đảo. Bà sinh hạ công tử Vĩnh Thụy vào ngày 20/10/1913.

Năm 1916, khi Phụng Hoá Công lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định, địa vị của bà Hoàng Thị Cúc trở nên quan trọng trong Hoàng gia.

Tháng 3 năm Khải Định thứ 2 bà được phong tước Tam giai Huệ Nhân, tháng 10 năm sau được phong Nhị giai Huệ Phi, tháng 2 năm Khải Định thứ 8 (1923) được phong Nhất giai Hậu Phi.

Năm 1925, khi Hoàng tử Vĩnh Thụy nối ngôi vua cha địa vị của bà càng quan trọng hơn. Tháng 2 năm Bảo Đại thứ 8 (1933) bà được triều đình tấn phong Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.

Từ đó bà được tôn xưng là Từ Cung. Vào ngày sinh nhật hàng năm của bà triều đình tổ chức lễ mừng rất trọng thể, gọi là Lễ Từ Khương.

Tháng 8-1945, một ngày sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, gia đình nhà vua ra khỏi Hoàng cung, chuyển về ở tại Cung An Định. Đây là Tiềm để của vua Khải Định và vua Bảo Đại.

Công trình này nguyên có tên là Phủ Phụng Hoá, do vua Đồng Khánh xây dựng dành cho Hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Khi lên ngôi, vua Khải Định cho cải tạo Phủ Phụng Hoá thành một lâu đài tráng lệ, dành tặng cho Hoàng tử Vĩnh Thụy.

Vĩnh Thụy đã ở tại đây cho đến năm 1922 thì qua Pháp học. Khi tại vị, cả vua Khải Định và vua Bảo Đại đều ở trong Điện Kiến Trung.

Khi cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng Thái hậu Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương cùng các hoàng nam, hoàng nữ vẫn ở tại Cung An Định.

Những năm 1949 - 1954, khi Bảo Đại trở về làm Quốc trưởng bà Từ Cung trở lại Hoàng cung, ở tại Cung Diên Thọ. Năm 1954, khi Bảo Đại qua Pháp lưu vong bà lại phải ra khỏi Hoàng thành về sống ở Cung An Định.

Năm 1955, khi Quốc trưởng Bảo Đại bị lật đổ, ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng thì chính quyền (miền Nam Việt Nam) không cho phép bà Từ Cung ở lại trong Cung An Định. Trong tình cảnh này bà đã mua lại ngôi nhà của bà Ân Phi.

Ngôi nhà lầu của bà Ân Phi nguyên chỉ có 2 gian. Bà Từ Cung cho xây thêm 1 gian ở bên phải, cho cải tạo một số bộ phận kiến trúc và trang trí nội thất theo lối hiện đại.

Bà đã cho mang khá nhiều đồ tự khí và bảo vật từ Cung An Định về trang hoàng trong ngôi nhà này. Nhiều hiện vật trong ngôi nhà hiện vẫn thấy chạm khắc 2 chữ An Định (chữ Hán).

Tầng trệt, gian giữa, phần trước thờ bà Từ Cung. Gian bên trái là nơi bà Từ Cung ăn, ở. Gian bên phải dành để tiếp khách quan trọng. Trong phòng khách bà cho treo nhiều hình ảnh của những thành viên trong gia đình, từ vua Khải Định đến các cháu nội của bà.

Trong một cái tủ ở giữa phòng khách hiện còn trưng một bức ảnh có giá trị lịch sử, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với cố vấn Vĩnh Thụy tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội) năm 1945.

Tầng trên của ngôi nhà dùng để thờ phụng. Gian giữa thờ các vua, chúa nhà Nguyễn. Gian bên phải thờ phật, thánh, thờ bà Nghi Quốc Công (mẹ bà Từ Cung); và thờ 2 bà Thánh Cung, Tiên Cung - Bà Thánh Cung là mẹ đích, bà Tiên Cung là mẹ đẻ của vua Khải Định.

Gian bên trái sắp đặt một số tượng của vua Bảo Đại và ảnh Hoàng hậu Nam Phương. Sau khi cựu Hoàng Bảo Đại mất, phần trước của gian này được dùng để thờ ông.

Bà Từ Cung đã ở trong ngôi biệt thự tư hữu này từ năm 1955 cho đến ngày qua đời - ngày  10/11/1980.

Từ khi trở thành Hoàng hậu cho đến những ngày cuối đời bà Từ Cung đã đóng góp rất nhiều công sức và tiền của trong việc thờ phụng, kỵ giỗ các vị vua, chúa nhà Nguyễn; trong việc tu bổ một số miếu, điện; và cả trong việc gìn giữ di sản văn hoá cung đình Huế.

Suốt một đời người bà chưa bao giờ bỏ Huế mà đi cho dù chính sự đổi thay, chiến tranh ác liệt. Bà là người nhân hậu, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng làm hết bổn phận của mình đối với các bậc tiên vương và Hoàng tộc.

Đạo đức và nhân cách của bà đã làm cho mọi người từ trong cung đến ngoài nội nể trọng. Kể từ khi Tôn Nhơn Phủ bị cháy (vào năm 1975), tại ngôi biệt thự này bà Từ Cung đẫ tổ chức những cuộc lễ kỵ giỗ các vua Nguyễn, chúa Nguyễn và một số nhân vật đặc biệt trong Hoàng tộc Nguyễn.

Vì thế, trong một thời gian dài, nhiều người đã coi Nhà Đức Từ như là Từ đường của Nguyễn Phước tộc, là hậu thân của Tôn Nhơn Phủ.

Về giá trị lịch sử, ngôi nhà này là nơi ở của bà Hoàng Thái Hậu cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Ngôi nhà chứng kiến sự “lưu lạc” của một bà Hoàng Thái Hậu trong suốt 35 năm thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Bên trong ngôi nhà hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Trong đó có nhiều đồ ngự dụng, cổ vật còn ghi rõ niên đại thời nhà Thanh, thời vua Thiệu Trị, thời vua Tự Đức. Vì thế, có thể xem ngôi biệt thự này là một bảo tàng mi ni, một điểm tham quan du lịch nhân văn.

Được biết, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này cũng là một vị quan chức quê ở Nghệ An. Ông tậu ngôi nhà hồi đầu thế kỷ XX, khi vào Huế làm việc. Chủ nhân tiếp theo là ông Hồ Đắc Điềm.

Là con quan Thượng thư, ông Điềm có điều kiện du học ở Pháp và đã đậu Tiến sĩ Luật. Về nước ông được giữ chức Tham tri Bộ Hình, sau chuyển qua ngành Hành chính của Chính phủ Bảo hộ Pháp tại Đông Dương. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng.

Từ năm 1941 ông làm Tổng đốc  tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 ông ở lại miền Bắc, làm Phó Chủ tịch UBHC thành phố Hà Nội, sau đó chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố, ủy viên trung ương UBMTTQ Việt Nam.

Ông mất hồi thập niên 80. Sinh thời, vì thương mến người chị ruột, ông Hồ Đắc Điềm đã mua ngôi nhà này cho bà Ân Phi - người vợ chính thức của vua Khải Định do triều đình cưới hỏi - làm nơi ăn ở.

Năm 1975, khi Huế vừa giải phóng ông đã vào công tác kết hợp thăm gia đình. Ông đã tìm bà Ân Phi và quan tâm đến việc sắp xếp chỗ ở cũng như việc phụng dưỡng bà.

Về kiến trúc, đây là một công trình mang dấu ấn của 2 nền văn hoá Đông phương và Tây phương. Nội thất và sân vườn ngôi biệt thự thuộc kiến trúc nhà - vườn Huế. Kết cấu công trình có bê tông cốt thép đánh dấu giai đoạn giao thời của kiến trúc nhà ở Việt Nam..

Bà Từ Cung chỉ có một người con duy nhất. Khi bà qua đời cựu Hoàng Bảo Đại vẫn đang sống lưu vong ở Pháp.

Ở Huế không có ai đủ tư cách thừa kế gia sản cho nên ngôi nhà của bà và các hiện vật bên trong được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý để bảo tồn và phát huy tác dụng.

Trong hồ sơ tiếp quản di tích ngôi nhà có tên là Nhà lưu niệm bà Hoàng Thái Hậu Từ Cung, thường được gọi tắt là Nhà lưu niệm bà Từ Cung.

MỚI - NÓNG