Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam

Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam
TP - Vậy mà đã có tới gần ba nghìn ngày với hơn 2 triệu ngày công, những TNXP cống hiến cho công trường đường Hạnh Phúc. 11 tháng, tức là hơn 330 ngày trời, anh chị em treo mình trên vách đá Mã Pí Lèng (con dốc cao nhất, khối đá vững chắc và cheo leo nhất cao nguyên Đồng Văn) để mở riêng con đường vượt dốc đó.

Một con dốc, một cuộc treo mình kỳ lạ, mà chắc chắn lịch sử nước nhà không có cuộc mở đường phá đá thứ hai nào đến mức ấy.

Khi cùng đoàn các văn nghệ sỹ nổi tiếng như Chế Lan Viên, Văn Cao, Xuân Diệu… đi thực tế ở công trường Đồng Văn, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết về sự kiện đường ôtô khó nhọc vượt dốc Mã Pí Lèng như sau:

“Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc hai mươi bốn cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng (chiết tự ra là Xống – mũi - ngựa) này thì phải tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá để đục mìn, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại (...).

Đến đây là cùng đường, trước mặt chỉ có đá. Phải gọt đá đi mà tiến vào phía trước. Phải đục đá mà tiến tới. Trong trận đánh nhau này họ là nam nữ trai tráng gồm mười sáu dân tộc và quê hương thuộc tám tỉnh trên miền Bắc...” (Trích bút ký “Mỏm Lũng Cú tột Bắc”, in trong Tuyển tập Nguyễn Tuân, NXB Hội Nhà văn).

Ông Phạm Đình Dy, nguyên “Tổng chỉ huy” công trường Hà Giang - Đồng Văn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nói:

“Bây giờ, tôi nghỉ hưu rồi chứ (nếu không) tôi sẽ bảo lực lượng TNXP cố gắng mà tổ chức lại kỷ niệm, chứ tôi chả thấy anh nào nói tới TNXP của công trình mở đường phá đá tuyến Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc vĩ đại nhất Việt Nam kia cả".

Thông báo số 71/TB/TƯĐTN ngày 23/12/1998 của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (trích): … qua tra cứu những tư liệu lịch sử TNXP tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh – xây dựng XHCN giai đoạn 1955-1964 thì những TNXP do Khu Đoàn Việt Bắc huy động đi xây dựng tuyến đường Hà Giang - Đồng Văn (thuộc khu Việt Bắc) là đối tượng được xét cấp Kỷ niệm chương TNXP.

Không ít anh chị em đã ngã bệnh, bị đá đè, trôi suối nước lũ, hy sinh ở dọc đường phá đá. Anh em gọt một phiến đá làm bia mộ, rồi mai táng những người chết quá trẻ ấy ở dọc đường.

Rồi họ lại gọt một tấm đá nữa, tạc ghi lịch sử chiến thắng đá của khúc đường Hạnh Phúc ấy (kilômét thứ bao nhiêu tính từ Hà Giang đi, đơn vị nào của tỉnh nào thi công, mở đường ngày nào, hoàn thành ngày nào…) rồi lại tiếp tục lên đường.

Họ cứ nhảy cóc, dựng lán, chiến đấu với đá, rồi lại lên đường đi tiếp. Thanh niên 8 tỉnh chia nhau ra cùng tiến về phía Đồng Văn, ví dụ như lực lượng TNXP tỉnh Lạng Sơn, gần 300 người, họ phải 11 lần dựng lán, thi công 11 khúc đường gian khó thì (cùng đồng đội các tỉnh khác) tiến vào đến Đồng Văn. Làm được khúc đường nào, anh em tổ chức khánh thành, thông xe ngay khúc ấy.

Một sự kiện đáng nhớ, khoảng năm 1962, khi Vương Chí Sình chết, thi hài ông đã được ô tô chở từ Hà Nội về đến gần thung lũng Sà Phìn (nơi có “Dinh vua Mèo”), chỉ phải khênh có vài cây số thôi.

Trước đây, chắc chắn phải khiêng mất 3 ngày trời dọc các cung đường ngựa thồ trệu trạo leo núi. Đến khi đường Hạnh Phúc thông đến huyện lỵ Đồng Văn, Bộ trưởng Bộ Giao thông bấy giờ là ông Phan Trọng Tuệ lên cắt băng khánh thành.

Đây trở thành một sự kiện mà 8 vạn bà con ở phía sau Cổng Trời không thể nào quên. Bà con ra ngó cái ô tô đi nhanh hơn cả ngựa thồ với sự tò mò không tài nào diễn tả nổi, họ cãi nhau về cái giống ngựa hình vuông mà không ăn cỏ.

Chi tiết cảm động mà anh chị em TNXP nhớ mãi: Ô tô “đỏ đít” (đèn hậu, đèn phanh) đi ì ì khuất bóng rồi, mà đàn chó của bản còn sủa mãi. Đi mấy cây số rồi vẫn văng vẳng nghe tiếng chó sủa theo nhẫn nại. Có lẽ, chúng ngạc nhiên trước cái con ô tô - quái vật chưa từng gặp bao giờ ấy.

Tám năm ròng, hai triệu công lao động đằng đẵng, dù thận trọng cực kỳ, sự hy sinh vẫn là khó tránh khỏi. Nhiều người thoát chết trong gang tấc, như ông Hòa (người Lạng Sơn), khi một khối núi vừa nổ mìn bửa ra bay xuống vực sâu kéo theo một cơn thịnh nộ của trời đất.

Có người bay sang bên kia bờ vực, bám vào một rễ đại thụ như ông Nguyễn Văn Đức. Trong danh sách 12 người chết cho con đường Hạnh Phúc được khai sinh mà ông Đảm chép trong sổ tay (cũng trùng với các bia mộ ở nghĩa trang TNXP ở Yên  Minh), có trường hợp của ông Đào Ngọc Phẩm.

Ông Phẩm người Thái Nguyên, đang là đối tượng cảm tình Đảng, được sung vào Đội Cơ dũng (những người dũng cảm nhất) thi công khúc đường phải treo mình suốt 11 tháng của Mã Pí Lèng.

Đoạn đường thi công khó đến mức, ban chỉ huy công trường đã có chủ trương, huy động thật ít dân công nghĩa vụ, chỉ sử dụng những TNXP có tay nghề - tính kỷ luật cao để hạn chế tối đa những tai nạn thảm khốc.

Lực lượng chỉ huy công trường, cụ thể là ông Dy, Trưởng ty Giao thông và ông Lương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã trực tiếp đi kiểm tra tuyến, bị lạc trong rừng đêm, rồi quyết định “nắn tuyến” (so với đường mòn dọc dốc chín khoanh của dân trước kia) cho bớt nguy hiểm.

Vậy mà khi thi công, Đội Cơ dũng vẫn phải đứng trên đỉnh núi vòi vọi, ớn lạnh phóng tầm mắt ra biển đá nghìn thước cao, nghìn thước sâu, những mũi đá sắc như dao kiếm trải dài từ mây mù xuống đến dòng sông Nho Quế bé tẹo, trắng nhờ, đứng im một vệt như không phải là nước trong sương mờ.

Anh em bảo nhau dùng xà beng dài và dây chão lớn, tiến từng gang tay một về phía mép vực sâu bằng cách khoan lỗ cắm xà beng vào bức tường thành đá. Xà beng cắm đến đâu, anh em chăng dây, bò người như con mối dách đến đó.

Họ trườn ngày này qua ngày khác, qua suốt 11 mùa trăng, trên bức tường đá cao nghìn mét để khoan lỗ choòng nhét mìn vào phá đá. Phá đá đến đâu, san nền, cạp bờ kè bờ vỉa, giật cấp làm con đường xếp đá rộng 4,5m đến đó.

Cứ thế, đến một hôm, Đội Cơ dũng đang ngồi nghỉ trong lán, thì có hai bố con ông già người Mông đi qua. Một khối đá khổng lồ bất ngờ lăn về phía họ! Ông Đào Ngọc Phẩm băng ra, đẩy hai người mặc áo chàm, đội mũ nồi kia vào mép tả luy dương an toàn.

Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam ảnh 1
Nghĩa trang tại Yên Minh, dành riêng để tưởng niệm những người đã ngã xuống cho con đường Hạnh Phúc

Vừa lúc đó, một viên đá lớn khác lại hộc lên, băng từ đỉnh núi tới. Khối đá to bằng cái tủ quần áo đã đập nát thi thể ông Phẩm rồi kéo xuống vực sâu nghìn mét.

Bấy giờ, ông Minh, ông Thùy (hai cựu TNXP này hiện đang sống ở thị xã Hà Giang) đã phải kỳ công khoan đá cắm cọc xà beng rồi thòng dây chão bò xuống vực sâu khiêng thi thể nát nhừ của ông Phẩm lên. Đại diện ban chỉ huy công trường, ông Vũ Đắc Điểm đã có mặt, tổ chức mai táng ông Phẩm ở gốc đa khu vực Pả Vi.

Chắc trong lực lượng TNXP mở đường, chẳng ai quên được cái chết của anh Lương Quốc Chanh, mới 19 tuổi, quê ở Gia Lộc, Chi Lăng, Lạng Sơn.

Trước khi nhắm mắt, anh Chanh khóc: Tôi chết, tôi sẽ chết ở đây. Tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây, con đường được hoàn thành, anh em về lại quê hương Lạng Sơn...Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy! Nói rồi, anh tắt thở.

Trước đó, anh còn tỉnh táo bày cho anh em cách đi vào rừng nhặt lá lẩu, gốc cỏ tranh về sắc cho anh uống để tiếp tục phá đá. Là người vùng cao, trong gia đình có nghề thuốc bí truyền, anh Chanh không tin được là mình sẽ ngã bệnh chết giữa khi bầu máu nóng 19 tuổi vẫn hừng hừng khát vọng mang con đường ô tô đến cho 8 vạn đồng bào ở sau núi cao và mây mù.

Trong bài diễn văn xúc động đọc nhân dịp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng kỷ niệm chương cho hơn 50 trong tổng số 300 cựu TNXP mở đường Hạnh Phúc của tỉnh Lạng Sơn, ông Đàm Văn Kiềm thống thiết nói: Vào giờ phút này, tôi nhớ tới đồng chí Lương Quốc Chanh, và nỗi đau đáu của anh: Mai này đường Hạnh Phúc hoàn thành, có ai còn nhớ tới tôi không?

Sự “sao nhãng” đến mức khó hiểu!

Tôi đã nhiều lần liên lạc với Bảo tàng Việt Bắc để xin tư liệu mà không có kết quả. Tình trạng tương tự diễn ra ở Bảo tàng tổng hợp Hà Giang. Bảo tàng Việt Bắc có một phần “tiền thân” là Bảo tàng Khu tự trị Việt Bắc, các cựu TNXP đã nhiều lần trông thấy sa bàn và rất nhiều hiện vật liên quan đến Vạn lý trường thành bằng đá dài gần 200km của Việt Nam tên là “Đường thanh niên Việt Bắc” (Đường Hạnh Phúc) mà họ đã thi công.

Sau này, các bảo tàng chia tách, hiện vật bây giờ có thể không còn nữa. Nhưng hàng nghìn người từng đổ máu, đổ mồ hôi trên đại công trường phá đá đi dọc Cao nguyên Đồng Văn kia, vẫn đau đáu mong sao lịch sử đừng quên lãng cái trang sử đá kỳ vĩ, hào hùng này.

Ông Đảm, đại diện TNXP mở đường Hạnh Phúc của tỉnh Hà Giang còn nhớ y nguyên cái ngày Bí thư Khu ủy Việt Bắc lên thăm công trường, ông được cầm một đầu băng ca khênh đất với đồng chí, có ống kính camera rất là trịnh trọng.

Những bức ảnh các cựu TNXP còn giữ được mà độc giả xem trong loạt bài viết này, sau quá trình kỳ công tìm kiếm, chúng tôi đã được các cựu TNXP cho chụp lại. Dẫu bỏ công tìm kiếm, nhưng chúng tôi chưa nhìn thấy, nghe nói ở đâu có lưu trữ những tư liệu kiểu như thế này. Phải chăng tất cả đã biến mất, giống như là một giấc mơ, suốt nửa thế kỷ qua như là nó không còn hiện diện.

Ngoài hơn 100 chữ nhà văn Nguyễn Tuân viết (như đã trích ở trên), tôi chưa tìm thấy công trình hay tác phẩm nào phản ánh về cái không khí, cái chiến công tuyệt vời và vĩ đại kia.

Càng gặp nhiều nhân chứng, càng nghe kể chuyện, chúng tôi càng sửng sốt nhận ra những nỗ lực đáng khâm phục, những kỳ tích, những kỷ lục phá đá mở đường, kỷ lục của sự hoang sơ mông muội, kỷ lục của sức trẻ xông pha cống hiến cho cộng đồng.

Cái thời mà hai triệu ngày công lao động của tuổi trẻ Việt Nam đã bỏ ra, ai cũng khao khát được làm một Pa-ven trong “Thép đã tôi thế đấy”, cũng như sẵn sàng làm một “Trái tim Đan-kô” xé toang lồng ngực mình làm ngọn đuốc soi sáng cho cộng đồng bước tới.

Một trang sử đá hào hùng, kỳ vĩ đệ nhất xứ sở, thế mà lại hầu như bị quên lãng trong nỗi tủi hờn của nhiều kiện tướng - tráng sỹ phá đá. Vĩnh viễn, chúng ta không bao giờ được chứng kiến bản anh hùng ca về sức trẻ, về cơ bắp con người chiến thắng sự dữ dằn của vỏ quả đất để có một con đường như thế nữa. Bây giờ, đã là thời đại của tên lửa vũ trụ, của máy móc.

Trong khi chúng ta đã biết nhiều về đường Trường Sơn, đường mòn trên biển, đường ống dẫn dầu vượt Trường Sơn…, thì dường như trang sử đá đường Thanh niên Việt Bắc đang dần chìm vào quên lãng. Rất nhiều TNXP mở đường Hà Giang - Đồng Văn ngày ấy đang buồn bã về cái việc xin thành lập Ban liên lạc thôi mà cũng đã khó.

Đến cái kỷ niệm chương TNXP cũng phải chờ lâu lắc, nhiều người, khi kỷ niệm chương về đến nơi thì cũng là lúc phải từ giã cõi đời. Các cựu TNXP đang dần dà về với tổ tiên, trong khi đó, một sự ghi nhận  hoàn toàn ở cấp độ “động viên tinh thần” vẫn còn xa vời quá.

Thêm nữa, bây giờ, đó vẫn hầu như là cái con đường mà các cụ đã mở suốt 8 năm kia, nhưng dần dà có nắn cua và mở rộng ra ở một vài đoạn. Tuy nhiên, một số cựu TNXP vô cùng ngạc nhiên là tại sao nhiều tấm bia tạc đá ghi tên các đơn vị thi công, ngày khởi công, ngày khánh thành, tên và số hiệu các khúc phá đá lại bị hất xuống vực?

Tôi đã mạnh dạn hứa với ông Đảm rằng, sẽ cố gắng thu xếp để giúp gần 100 cựu TNXP thế hệ các ông được thỏa nguyện về thăm lại cung đường Hạnh Phúc một lần dối già.

Hứa để ông vui, để ông cởi mở hơn. Chứ lâu nay xuôi ngược xin được thành lập Ban liên lạc TNXP mở đường Hạnh Phúc vất vả quá, ông đã trở nên thất vọng. Hứa để bắt mình phải thực hiện, nhưng hơn thế, tôi hứa để cho lòng của thế hệ hậu sinh của tôi đỡ cay xót...

Phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.