Uẩn khúc trong vụ án con giết mẹ ở Vĩnh Long

Uẩn khúc trong vụ án con giết mẹ ở Vĩnh Long
TP - Một vụ án đau lòng được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Long quy buộc cho người con phạm tội giết mẹ, để lại đằng sau những uẩn khúc cần được làm rõ...

Theo kết luận điều tra (KLĐT) của Cơ quan CSĐT tội phạm về TTXH (PC14) CA tỉnh Vĩnh Long, bà Dương Thị Tám (SN 1929, ngụ xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) đã bị chính Huỳnh Văn Quyên (tức Út Quyên, SN 1962, con trai bà Tám) và Lê Thị Tám (SN 1966, vợ Quyên)  sát hại do mâu thuẫn gia đình.

Theo đó, khoảng 2 giờ sáng 7/2/2007, bà Tám thức giấc, cùng vợ chồng Út Quyên chuẩn bị đi bán bún. Do mâu thuẫn từ chiều tối hôm trước, bà Tám tiếp tục rầy la vợ chồng Út Quyên, khiến Quyên bực mình nên tiến lại giường bà Tám, dùng hai tay bóp cổ bà.

Lê Thị Tám cũng chạy đến dùng hai tay đè lấy hai chân đang giẫy giụa của bà Tám, cho đến khi bà Tám bất động mới buông ra. Nghĩ bà Tám đã chết, vợ chồng Út Quyên bàn nhau khiêng xác bà từ giường ngủ ra phía sau nhà tắm, rồi dùng xuồng chở xác bà Tám đi giấu.

Vợ chồng Út Quyên ra phía sau vườn chặt 4 khúc cây chuối làm con lăn để kéo xuồng từ trong ao ra sông. Sau đó hai người quay vào nhà khiêng xác bà Tám xuống xuồng. Thời điểm này, tình cờ bà Trần Thị Ngọc Yến (một người cùng xã) đi hái trộm bưởi khu vườn nhà Quyên nên trông thấy.

Sau khi đưa xác bà Tám xuống xuồng, vợ Quyên trở lên nhà lấy vỏ bao đựng thức ăn gia súc hiệu Vina, loại 5 ký và sợi dây gân (loại dây luộc), rồi vợ chồng Quyên nhặt một số viên gạch và bê tông bỏ vào bao, xách xuống xuồng, cột dây túm đầu túi gạch, đầu dây còn lại buộc ngang bụng bà Tám. Hai vợ chồng bơi xuồng trên sông Tân Hạnh cách nhà chừng 100m thì bỏ xác bà Tám xuống.

Mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng duy nhất

Sau hai lần điều tra bổ sung và một lần hoãn tòa, ngày 25/9/2008, TAND tỉnh Vĩnh Long đã xử sơ thẩm vụ án, tuyên Huỳnh Văn Quyên tù chung thân, Lê Thị Tám 13 năm tù giam về tội giết người.

Qua nghiên cứu hồ sơ và những diễn biến tại phiên sơ thẩm, có thể thấy căn cứ chủ yếu để PC14 kết luận vụ án là dựa vào lời khai của “nhân chứng” duy nhất Trần Thị Ngọc Yến, song lời khai này đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn.

Uẩn khúc trong vụ án con giết mẹ ở Vĩnh Long ảnh 1
Con mương và chiếc xuồng được cho là phương tiện chở xác bà Tám đi phi tang. Ảnh: Hữu Vinh

Về thời gian, tại CQĐT cũng như tại tòa, bà Yến đều xác nhận hái trộm bưởi lúc 1 giờ sáng và trông thấy vợ chồng Út Quyên khiêng vật gì dài, nặng được quấn kín không thấy rõ từ sân ra bờ sông bỏ xuống xuồng.

Trong khi đó, KLĐT thể hiện 2 giờ sáng Quyên mới cự cãi với bà Tám và giết bà. Những hành vi tiếp sau đó như chặt chuối, chuyển xuồng từ ao xuống sông với quãng đường có địa hình phức tạp, chúng tôi đã làm thử  và cho thấy cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ thì vợ chồng Út Quyên mới hoàn tất việc đưa xác mẹ xuống xuồng.

Vị trí gốc bưởi mà bà Yến hái trộm và trông thấy diễn tiến vụ việc cũng được xem là có vấn đề. Bởi xét về mặt thời gian, thời điểm này giáp Tết, trời có trăng khuyết, ánh sáng lờ mờ, với địa hình bị che khuất bởi đám cỏ lau lùm xùm và đám dừa nước mọc ven sông, nhân chứng khó có thể nhìn rõ hành vi từ khi vợ chồng Út Quyên chặt cây chuối, khiêng xuồng và đưa xác bà Tám xuống đến sông.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Yến cũng đã thể hiện sự mâu thuẫn khi khai có đến 3 vị trí khác nhau để trông thấy toàn bộ hành vi của vợ chồng Út Quyên.

Ngoài một số mâu thuẫn khác trong lời khai của nhân chứng, hồ sơ vụ án còn có hai biên bản CQĐT ghi lời khai của bà Yến trùng khớp về mặt thời gian nhưng lại được lập ở hai ….địa điểm khác nhau!

Bà Tám chết do tự tử?

Điểm mấu chốt của vụ án, theo chúng tôi thể hiện qua kết luận giám định pháp y của Viện Giám định pháp y quốc gia (Bộ Y tế). Theo đó, nguyên nhân các chết của bà Dương Thị Tám được kết luận là do ngạt nước, suy hô hấp, trụy tim mạch.

Trong khi đó, KLĐT lại kết luận nạn nhân chết do bị bóp cổ rồi mới bị dìm xuống sông, song khám nghiệm tử thi bà Tám lại không phát hiện dấu vết tác động của ngoại lực cho thấy nạn nhân bị “bóp cổ” chết.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, bà Tám từng có ý định tự tử bằng cách lao vào xe tải nhưng không thành. Nhiều người thân của bà Tám còn cho biết, trước khi xảy ra vụ án, bà Tám đã có một số biểu hiện bất bình thường, thậm chí bà cho biết sẽ “tự giải quyết” cuộc sống của bà để khỏi làm bận rộn con cái… Những thông tin này rất đáng để CQĐT tham khảo khi xem xét vụ án.

Điều đau lòng ở vụ án này, đó là một gia đình vốn ấm êm với 20 công ruộng và đàn bò 7 con, nghề làm bún có đồng ra đồng vào giờ đã tan nát. Ba đứa con của anh chị Út Quyên sau khi ba mẹ bị bắt, cũng bị triệu tập thẩm vấn và chịu nhiều tác động tâm lý tiêu cực, phải sống trong nỗi ám ảnh khi ba mẹ chúng bị quy buộc phạm tội tày đình.

MỚI - NÓNG