Tiếp bài về vụ án đưa người xuất cảnh trái phép : 

Ninh Thuận: Vì sao để lọt người, lọt tội?

Ninh Thuận: Vì sao để lọt người, lọt tội?
TP - Trên Tiền Phong các số ra ngày 20/3/2006 và 22/3/2006 đã viết về đường dây làm giả hồ sơ để ghép người muốn xuất cảnh vào gia đình người được xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO hoặc con lai.

Huỳnh Văn Long (Tám Long) có quan hệ với nhiều cán bộ Công an tỉnh Ninh Thuận, tuy có vai trò quan trọng trong đường dây này nhưng lại “được” các cơ quan pháp luật cho là nhân vật thứ yếu.

Theo điều tra của chúng tôi, đường dây này đã đưa khoảng 50 người ở Ninh Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh xuất cảnh trót lọt, thu bất chính hơn 300.000 USD.

Nhưng cũng có vài chục người đang ở Ninh Thuận mất của mà không đi được. Sau khi báo ra, chúng tôi đã tiếp xúc được một số người này.

Họ cho biết, khi rủ rê họ và người thân làm giả hồ sơ để xuất cảnh, Tám Long luôn miệng khoe có mối quan hệ thân cận với nhiều cán bộ công an Ninh Thuận, do vậy “đi” theo đường dây của ông ta sẽ rất thuận lợi.

Khi họ đã thuận, chính Tám Long là người trực tiếp nhận tiền “chạy hồ sơ” của họ và ký tên vào giấy nhận tiền trước mặt các “thân chủ”. Những giấy này thường do vợ hay con trai Tám Long viết, ghi là mượn tiền lấy vốn làm ăn. Có khi Tám Long còn cho người thân làm chứng.

Ví dụ giấy nhận 1.000 USD của bà Kiều Thị Tọi ngày 9/9/1997 do Huỳnh Văn Long ký tên, được một người là Hồ Bằng xác nhận ở mặt sau.

Với những chiêu này, Tám Long khiến các “thân chủ” tin rằng việc xuất cảnh trái phép của họ sẽ trót lọt, nếu trục trặc thì cơ quan pháp luật cũng không buộc tội họ được vì họ cho Long mượn vốn làm ăn chứ không phải đưa tiền để làm hồ sơ giả!

Từ lòng tin mù quáng ấy, nhiều người đã gom góp, bán tất cả gia sản để đưa tiền cho Tám Long. Gia đình ông Từ Công Dê đã bán hơn 100 con bò và dê để có 7000 USD đưa cho Tám Long cùng 10 cây vàng tích cóp được, với hy vọng đưa được một người xuất cảnh.

Nay, người không đi được nhưng gia đình không đòi lại được tiền từ Tám Long… Thiết nghĩ, nếu được CA Ninh Thuận khuyến khích và bảo vệ, chắc chắn sẽ còn nhiều người mất tiền vì Tám Long mạnh dạn tố cáo đường dây làm hồ sơ giả này.

Những khuất tất khác

Cùng “làm ăn” với Tám Long, Hà Thuận có Đặng Quang Châu (cháu rể Tám Long), Huỳnh Đăng Khoa (cháu Tám Long, anh vợ Châu), Nguyễn Thanh Tùng (cháu rể Tám Long, anh em cọc chèo với Châu), Tạ Trúc, Chín Kỳ Đồng, Bảy “Việt kiều”…

Theo các cơ quan pháp luật, không làm rõ được hành vi phạm tội và xử lý họ vì tất cả đã “ngoài vùng phủ sóng”! Chỉ có Đặng Quang Châu bị bắt và ra toà sơ thẩm ngày 26/6/2002 cùng Tám Long và Hà Thuận.

Châu sinh 1959, thường trú ở quận Tân Bình, TP.HCM, năm 1998 bị TAND TP.HCM kết án 7 năm tù về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” và tội “giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức xã hội”.

Ngày 1/9/2000 Châu được đặc xá, đến ngày 14/12/2001 lại bị CA Ninh Thuận bắt tạm giam vì cùng đồng bọn mua bán hồ sơ xuất cảnh diện HO.

Mặc dù đã có tiền án cùng tội và là người ngoài tỉnh, không thể áp dụng thay đổi biện pháp ngăn chặn nhưng Châu chỉ bị giam 3 tháng. Ngày 26/3/2002, Châu được các cơ quan pháp luật Ninh Thuận cho tại ngoại.

Vì sao Châu được ưu ái như thế? Chưa hết, sau đó Châu bị kêu án một năm tù nhưng y không thi hành án mà cũng chẳng ai truy bắt y. Đến nay không ai biết Châu còn ở VN hay đã định cư ở nước ngoài!

Phải chăng một đầu mối quan trọng của vụ án đã bị cố tình bỏ lọt? Cũng cần đặt câu hỏi, tại sao vụ “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” của nhóm Tám Long lại bị tách thành 3 vụ khác nhau?

Được biết, trong lời khai trước đây của Tám Long có nhắc đến một người tên là L. ở Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh. Mỗi người tráo ghép muốn qua được vòng phỏng vấn phải trả cho nhân vật này 1500 USD.

Trong một “phi vụ”, Tám Long đã đưa cho L. 15.000 USD vì lần đó cả 10 người được phỏng vấn đều đậu! Tám Long cũng từng khai báo về việc móc nối hồ sơ tại Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh.

Theo Tám Long, có lần một hồ sơ bị đánh rớt, để lấy hồ sơ ra làm lại ông ta đã phải chi 25.000 USD cho một số “cò”. Những thông tin này chưa được điều tra làm rõ.

Cũng chưa được làm rõ việc, có hay không sự tiếp tay cho nhóm Tám Long của một số người có chức quyền quen ông ta, họ chỉ giúp đỡ không công hay được chia chác như thế nào?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.