Giá nào cho những chiếc đuôi voi?

Những con voi trụi lông đuôi ở huyện Lăk
Những con voi trụi lông đuôi ở huyện Lăk
TP - Sáng 12-1, vụ án đầu tiên liên quan đến nạn trộm lông đuôi voi được xét xử công khai trên địa bàn Tây Nguyên, do TAND huyện Lăk mở. Nhóm đối tượng ra trước toà có Phạm Văn Huy, Đàm Văn Nội, Lê Viết Dũng và Y Bia Hwing, với tội danh “Trộm cắp tài sản”.

>> Lông đuôi voi ám ảnh
>> Voi chết vì bị chém hàng trăm nhát

Những con voi trụi lông đuôi ở huyện Lăk
Những con voi trụi lông đuôi ở huyện Lăk.

Chặt trộm, nhổ trộm

Theo cáo trạng, ngày 1-3-2010, Phạm Văn Huy (SN 1979, ấp 5, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và Đàm Văn Nội (SN 1986, trú tại thôn 7, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) rủ nhau xuống thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk để nhổ trộm lông đuôi voi.

Huy và Nội ra chợ mua một con dao chặt xương, một chiếc đèn pin, thủ sẵn trong người. Khoảng 21 giờ cùng ngày, cả hai vào khu vực con voi H’Túk của ông Đặng Vân Long (trú tại thôn 1, thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk) đang xích ở đồi thông, để chặt trộm đuôi voi.

Huy cầm đèn pin soi, Nội dùng dao chặt đứt đuôi voi. Bọn chúng mang đoạn đuôi voi trộm được về TP Buôn Ma Thuột, bán 20 triệu đồng, chia nhau.

Thấy cách kiếm tiền này dễ dàng, ngày 8-7-2010, Huy rủ Y Bia H’Wing (người Êđê – Lào, SN 1990, ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và Lê Viết Dũng (SN 1976, ở ấp 8, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu) cùng xuống huyện Lăk.

Xẩm tối, cả 3 gã lần vào rừng, nơi con voi của ông Y Per Êung (trú tại buôn Lê) cột ở một gốc cây to. Vốn quen nghề thuần dưỡng voi (gia đình từng có 2 con voi), Y Bia trèo lên đầu voi khống chế. Voi sợ, đứng yên cho Huy nhổ lông đuôi trong lúc Dũng đứng ngoài cảnh giới. Cả bọn trộm được 200 chiếc lông đuôi voi, đem về Buôn Ma Thuột bán 6 triệu đồng cho một tiệm vàng.

Giá nào mới đúng?

Tại phiên tòa, các đối tượng khai báo quanh co, kẻ chủ mưu vẫn chưa được làm sáng tỏ. Hai chủ voi là ông Long và ông Y Per đều không đồng tình với cách tính thiệt hại của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng của huyện Lăk.

Theo biên bản, chiếc đuôi voi Huy và Nội chặt của ông Long có khoảng 350 sợi lông, mỗi sợi dài 7-20cm, được định giá 35 triệu đồng. Còn 200 sợi lông voi mà Huy, Y Bia và Dũng đã nhổ của voi ông Y Per trị giá 7 triệu đồng.

Ông Long cho rằng, chiếc đuôi voi của ông có khoảng 630 sợi, trị giá hơn 100 triệu. Ngoài ra, ông Long còn kể đến tiền thuốc men, công chăm sóc, tuổi thọ của voi suy giảm vì đau đớn, mất máu nghiêm trọng khi bị chặt đuôi, vẫn chưa được tính đến.

Đó là chưa kể đoạn chót đuôi voi với chùm lông dài óng mượt tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh cho Ông Tượng. Mất chót đuôi, giá trị của voi giảm hẳn, trước kia được định giá 300 triệu đồng, giờ giá trị chỉ còn phân nửa.

Chưa hết nỗi lo

“Đối với người Tây Nguyên, voi không chỉ có giá trị vật chất, mà còn mang ý nghĩa tâm linh, nên phải xử lý nghiêm những đối tượng này để răn đe. Xe để trong nhà, chứ voi phải cột trong rừng, nên dễ bị làm hại lắm!”- Ông Long lo lắng.

Các chủ voi từng là nạn nhân của bọn trộm chặt đuôi voi như ông Lê Văn Quyết (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk), ông Y Phong Srê đều đồng tình với bức xúc của ông Long.

Những chủ voi cho biết: Vì chưa có cách nào bảo vệ hữu hiệu voi, nên hiện đàn voi huyện Lăk còn 23 con, thì 3 con đã bị trộm chặt đuôi, 20 con còn lại đều bị các chủ voi phòng xa cắt trụi lủi chùm đuôi, để ngừa bớt chú ý của bọn trộm.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, thẩm phán Bùi Văn Tâm- chủ tọa phiên tòa, cho biết: “Vụ án xử trộm lông đuôi voi chưa từng có tiền lệ, nên chúng tôi hết sức thận trọng. Trong phiên xét xử, đã xuất hiện các tình tiết mới trong khâu định giá tài sản, người bị hại không chấp nhận cách tính mức độ thiệt hại của Hội đồng định giá nên chúng tôi buộc phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện KSND huyện Lăk để điều tra bổ sung”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.