Hy hữu vụ kiện ba con heo

Anh em Điểu Dum và Điểu Gieo trước chuồng heo Ảnh: Sáu Nghệ
Anh em Điểu Dum và Điểu Gieo trước chuồng heo Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Ba con heo chửa, khi ở nhà dân được cho là bị bệnh lở mồm long móng, đem đến lò mổ của cán bộ xã thì khỏe mạnh, dân đòi trả heo về nhà thì lại… mắc bệnh và bị tiêu hủy không bồi thường. Từ đó, sinh ra vụ khiếu nại hy hữu.
Anh em Điểu Dum và Điểu Gieo trước chuồng heo Ảnh: Sáu Nghệ
Anh em Điểu Dum và Điểu Gieo trước chuồng heo.
Ảnh: Sáu Nghệ.

Úm ba la bệnh và không

Hai anh em Điểu Dum và Điểu Gieo (ở thôn 4, xã Đắc Ơ, Bù Gia Mập, Bình Phước) nuôi 3 con heo nái, đã đẻ 2 lứa, đến lứa thứ 3 đang có chửa 1-3 tháng. Sáng 17-2, ông Ngô Đại Nam là cán bộ thú y xã Đắc Ơ đến phán: Heo bị bệnh lở mồm long móng, phải tiêu hủy.

Sau đó, ông Nam gọi điện thoại cho ông Bùi Văn Bình, cán bộ thú y huyện, đến bắt 3 con heo chở đi. Thế nhưng, họ lại chở heo đến thẳng lò mổ của bà Huỳnh Thị Kim Cúc (vợ của Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Ơ Cao Minh Dũng) ở thôn 7, xã Đắc Ơ, cách chừng 3 cây số.

Việc gian lận bị dân phát hiện, báo chính quyền xã. Ngay chiều 17-2, Trưởng Công an xã Vũ Đức Duy cùng nhiều cán bộ của xã đến lò mổ lập biên bản tạm giữ đồ vật, tài sản là 3 con heo. Đêm đó, 3 con heo được chủ lò mổ giao trả cho anh Điểu Dum chở về, lập biên bản ghi: “Heo đang khỏe mạnh”.

Đến sáng hôm sau, cán bộ thú y xã Ngô Đại Nam cùng cán bộ thú y huyện và vài người khác, lại đến chuồng heo của anh Điểu Dum, xác định trọng lượng mỗi con heo 100 kg và heo lại “bị bệnh lở mồm long móng”. Họ lập “biên bản tiêu hủy heo bệnh” rồi chở 3 con heo đi, lần này tiêu hủy thật.

Kiện lên huyện, tỉnh

Ba con heo nái bị bệnh lở mồm long móng hay không, đến nay vẫn chưa xác định được rõ. Trong biên bản làm việc của Công an xã Đắc Ơ ngày 23-2, cán bộ thú y xã Ngô Đại Nam vẫn cho rằng “heo bị bệnh”. Nhưng cũng trong biên bản này, cán bộ thú y huyện Bùi Văn Bình lại khẳng định, sáng 17-2 xuống nhà anh Dum “nhìn heo tôi thấy heo này không bị bệnh nên có ý định đưa lên lò mổ để thịt”. Ông Bình thú nhận, đã lợi dụng lòng tin của dân vờ đưa heo đi tiêu hủy.

Tuy nhiên, nếu 3 con heo bị bệnh, cách đưa đi tiêu hủy như các cán bộ thú y xã và huyện đã làm cũng sai quy trình. Ông Nam thừa nhận: “Khi heo bị bệnh đem đi tiêu hủy thì trước tiên phải lập biên bản xong mới đi tiêu hủy. Nhưng tôi không làm vậy là sai”. Ông Bình cũng nói: “Tôi thấy mình làm là sai, tôi chấp nhận bị xử phạt”.

Từ những lùng nhùng trên, hai anh em Điểu Dum và Điểu Gieo khiếu nại, đòi những người liên quan phải “bồi thường giá trị heo lành”. Hai ông cán bộ thú y không chịu bồi thường, anh em Dum - Gieo đâm đơn lên huyện và tỉnh, “đề nghị làm sáng tỏ vụ việc và xử lý cho đúng pháp luật”. Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đang chỉ đạo xem xét, xử lý vụ việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG