Có thể xem xét xử lý hình sự vụ phát 'án nháp'

Có thể xem xét xử lý hình sự vụ phát 'án nháp'
TP - TAND TP Hà Nội sẽ lập Hội đồng thẩm định làm rõ có hay không việc thẩm phán Hoàng Văn Thành (TAND huyện Thạch Thất, Hà Nội) cấp "án nháp" cho đương sự như Tiền Phong đã phản ánh - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, thẩm phán Tạ Quốc Hùng khẳng định với PV sáng 19-4.

Án nháp phát cho đương sự
> Tài liệu tẩy xóa vẫn được công nhận

Theo ông Hùng, nếu việc trên là đúng, có thể xem xét trách nhiệm hình sự thẩm phán Thành về hành vi ban hành bản án trái pháp luật.

“Không thể chấp nhận nháp án”

Làm việc với PV Tiền Phong, Phó Chánh án Tạ Quốc Hùng khẳng định, theo quy định pháp luật, bất cứ thẩm phán nào khi ban hành bản án thì đó phải là một bản án hoàn chỉnh, kể cả là để cấp cho đương sự, lưu hồ sơ hay gửi các cơ quan chức năng. Việc để lửng, khuyết (dấu ba chấm - PV) các nội dung trong bản án khi đã ký, đóng dấu là không thể chấp nhận được.

“Để dấu chấm lửng có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Có thể hiểu, khi để dấu chấm lửng, thẩm phán còn chủ ý điền thêm nhiều thông tin, vấn đề khác vào. Cũng có những dấu chấm lửng là sự đánh dấu của người viết để sau này bổ sung thông tin” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hành vi của thẩm phán Thành được coi là cẩu thả, thiếu trách nhiệm khi ban hành bản án. Đáng lẽ ra, thẩm phán Thành phải đọc lại toàn bộ bản án rồi mới ký, đóng dấu. Việc thẩm phán Thành cấp bản án nháp cho đương sự rồi viện lý do “đương sự cần gấp, hôm nay xử, mai đòi cấp luôn” là không thể chấp nhận được. Theo quy định của pháp luật, sau khi xét xử 5 ngày, thẩm phán có thể cấp trích lục bản án nếu đương sự yêu cầu và 15 ngày, thẩm phán có thể cấp bản án.

Ông Hùng cũng khẳng định, một thẩm phán nháp án đã là sai, nháp án rồi cho đương sự bản án nháp lại càng sai. “Với công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, không thể chấp nhận hành vi nháp án, soạn trước nội dung tranh tụng tại tòa, bởi đó là những diễn biến chưa xảy ra” - ông Hùng nói.

Có thể hủy án, xem xét trách nhiệm thẩm phán

Về hướng xử lý vụ việc, Phó Chánh án Tạ Quốc Hùng cho biết, TAND TP Hà Nội sẽ thành lập hội đồng thẩm định để xem xét các nội dung Tiền Phong phản ánh, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của thẩm phán Hoàng Văn Thành.

Trong phiên phúc thẩm tới, TAND TP Hà Nội sẽ xem xét, đối chiếu lại bản án gốc và phân tích toàn diện vụ án do thẩm phán Thành xét xử, sau đó sẽ đưa ra phán quyết. Nếu bản án sơ thẩm mắc phải những lỗi nghiêm trọng, sẽ phải giải quyết theo hướng giám đốc thẩm và hủy án.

Về trách nhiệm của thẩm phán Hoàng Văn Thành, “nếu hội đồng thẩm định xác minh, làm rõ thẩm phán Thành cố tình ra bản án trái pháp luật, chúng tôi sẽ kiến nghị xử xử lý hình sự thẩm phán này về hành vi ra bản án trái pháp luật” - ông Hùng khẳng định.

Điều 295: Tội ra bản án trái pháp luật

1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG