Xóa xe ba bánh, bao giờ?

Xóa xe ba bánh, bao giờ?
TP - Chủ trương xóa xe ba bánh ở Hà Nội đã có từ mấy năm nay, song việc thực hiện lại làm nảy sinh vấn đề chuyển đổi nghề cho những lao động mưu sinh bằng xe ba bánh. Và các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn luẩn quẩn mãi với bài toán quản-cấm xe ba bánh.

Xe ba bánh tự chế tung hoành trên phố:

Bài cuối:

Xóa xe ba bánh, bao giờ?

Vô tư lọt chốt cảnh sát giao thông
> Vào lò 'độ xe'
> Xe ba bánh tự chế tung hoành trên phố

Biết cấm, vẫn chạy liều

Những ngày này, khi Hà Nội thêm một lần nữa công bố tuyên chiến với xe ba bánh tự chế, anh N.V.B (Phúc Xá, quận Tây Hồ) lo ngay ngáy. Mỗi lần chở hàng thuê bằng chiếc xe ba bánh tự chế của mình, B. luôn phải ngó trước, nhìn sau vì sợ phạt. “Bỏ xe không chạy nữa thì biết làm nghề gì. Thà bị phạt còn hơn bị chết đói”, B. nói. Quê B. ở Hưng Yên, làm nghề chở thuê hoa quả, vật liệu xây dựng… tại khu vực Phúc Xá, An Dương, chợ Long Biên gần chục năm nay.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, khá nhiều lái xe ba bánh tự chế tại khu vực cầu Long Biên, An Dương, Phúc Xá, phố Bạch Đằng…, cho hay có nghe láng máng thành phố đang cấm xe ba bánh, tuy nhiên họ vẫn phải liều chạy vì kế sinh nhai. Có chăng thay vì chạy ngang nhiên như trước đây, họ chuyển sang kín đáo hơn, thường chạy vào buổi đêm, sáng sớm, tránh giờ làm việc của cơ quan chức năng.

Chuyển đổi nghề: Tắc

Chủ trương xóa xe ba bánh đồng nghĩa với việc phải có biện pháp chuyển đổi nghề phù hợp cho những lao động sống bằng nghề này. Ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho hay, thành phố có chủ trương hỗ trợ 15 triệu đồng/người lái xe ba bánh để chuyển đổi nghề, song đến nay việc triển khai vẫn không đạt kết quả như mong muốn. “Chủ trương xoá xe ba bánh có từ mấy năm nay nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các lái xe, chủ phương tiện. Họ cho rằng mức hỗ trợ để chuyển đổi nghề hiện nay thấp, bởi họ cho rằng đã bỏ ra từ 20 - 50 triệu đồng để sắm xe trong khi TP hỗ trợ không quá 15 triệu. Hiện lãnh đạo thành phố đã giao việc chuyển đổi này cho Sở GTVT chủ trì tiếp tục thực hiện trong thời gian tới” - Ông Đức nói.

Chưa có lời giải?

Ngoài việc chuyển đổi nghề cho lái xe ba bánh, bài toán xóa xe ba bánh tự chế vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo quy định thì chỉ xử lý được những xe ba bánh tự chế không đăng ký, không giấy tờ. Riêng xe có đăng ký của người khuyết tật và thương binh vẫn được phép lưu hành. Chính điều này khiến nhiều chủ xe ba bánh tự chế giả danh là xe của thương binh và người khuyết tật để hoạt động, khiến cho việc xử lý của các cơ quan chức năng càng thêm khó khăn.

Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đơn vị đã vận động các chủ xe ba bánh chuyển đổi phương tiện, ký cam kết không lưu hành, chỉ tạo điều kiện cho thương binh, người khuyết tật sử dụng phương tiện này để đi lại. Tuy nhiên, nhiều chủ xe là người khoẻ mạnh vẫn vi phạm. Khi bị xử phạt, họ vin cớ là xe của thương binh, người khuyết tật để xin xỏ.

Việc thiếu địa điểm tạm giữ xe bị xử lý cũng khiến cho chủ trương xóa xe ba bánh gặp không ít khó khăn. “Khi chúng tôi xử lý thì chủ xe một là tỏ thái độ chống đối hoặc là trình bày hoàn cảnh rằng cả nhà trông chờ vào chiếc xe để kiếm ăn. Trong khi đó, nhiều trường hợp giả danh thương binh và người khuyết tật điều khiển xe ba bánh tự chế, tham gia chở hàng cồng kềnh, vi phạm Luật giao thông. Khi bị giữ xe họ tìm mọi cách để thoát, thậm chí chống đối”- một cán bộ CSGT cho biết.

Còn đại diện Sở GTVT cho hay, việc cấm xe ba bánh tự chế đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nhưng cái khó khăn nhất hiện nay là số lao động buộc phải chuyển đổi từ lái xe chở hàng thuê bằng xe ba bánh sang những ngành nghề khác là bài toán nan giải. “Thực tế, họ là những lao động không qua đào tạo, không có trình độ, là những người nghèo và phần lớn là lao động chính trong các gia đình nên việc chuyển đổi ngành nghề là rất khó khăn. Mặc dù cơ quan chức năng cũng đã có những giải pháp tìm cách tháo gỡ, nhưng hiện nay vấn đề này chưa được triển khai cụ thể” - Ông này nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG