Đối đáp gây thất vọng trong vụ liên quan đến dự án cầu Bãi Cháy

Đối đáp gây thất vọng trong vụ liên quan đến dự án cầu Bãi Cháy
TP - Hôm qua, trong phần đối đáp tại phiên xét xử vụ tham ô xảy ra tại dự án cầu Bãi Cháy, luật sư Hoàng Văn Dũng (bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng) cho rằng hai công tố viên không đối đáp hết các nội dung, bỏ qua những đề nghị quan trọng của luật sư.

> Cựu Tổng giám đốc PMU 18 thoát tội tham ô
> 'Tôi là cấp trên, việc gì phải biếu cấp dưới'
> Hoàn tất điều tra bổ sung vụ tham ô dự án cầu Bãi Cháy

Luật sư Hoàng Văn Dũng nhận định, cơ quan kiểm sát nhầm lẫn các dấu hiệu của tội danh. Cáo trạng truy tố Bùi Tiến Dũng “Tham ô tài sản”. Tại tòa, công tố viên rút tội danh này, đổi sang “Lợi dụng chức vụ...”, vẫn với những hành vi của bị cáo hồ sơ đã nêu. Theo luật sư, để chứng minh bị cáo “Lợi dụng chức vụ...”, buộc phải chứng minh tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng ở đây, công tố viên đã không chứng minh được.

Các luật sư cũng cho rằng, công tố viên dùng lời khai của bị can Phạm Tiến Dũng (đã chết) làm căn cứ buộc tội duy nhất đối với Dũng “tổng” là không thỏa đáng, trong khi lời khai Dũng “tổng” và Phạm Tiến Dũng có nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được đối chất.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Long (nguyên Giám đốc Ban điều hành gói thầu BC3, bị truy tố về hành vi “tham ô”), luật sư Nguyễn Bích Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cáo trạng quy kết không đủ cơ sở, nhiều nội dung mâu thuẫn, và có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Luật sư Lan nêu dẫn chứng: Về hành vi lập danh sách nhân viên tư vấn khống để trục lợi, cáo trạng nêu: “Nguyễn Hữu Long đồng phạm với Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Vũ Nam trong việc lập danh sách nhân viên tư vấn bổ sung...”. Nhưng ở đoạn khác, cáo trạng viết: “Nguyễn Việt Dũng (nguyên GĐ Ban điều hành gói thầu BC3, tiền nhiệm của Nguyễn Hữu Long) có hành vi bàn bạc, thống nhất với Phạm Tiến Dũng trong việc lập danh sách nhân viên tư vấn bổ sung...”. Theo luật sư Lan, ngay trong cáo trạng, đã có nội dung phủ nhận hành vi “ăn chia” của Nguyễn Hữu Long.

Theo luật sư Lan, bị cáo Long không liên quan đến việc lập danh sách khống của người tiền nhiệm. Điều này thể hiện rõ trong lời khai của ông Nguyễn Việt Dũng: “Hợp đồng do tôi ký khoảng tháng 3, đầu tháng 4-2004, khi đó các điều khoản đã được viết đầy đủ. Tôi không biết 14 người này có đi làm thật hay không, đi làm từ lúc nào, vì họ do Tư vấn quản lý chấm công”; “đến tháng 7-2004, tôi có quyết định của TCty thôi không làm Giám đốc điều hành, anh Nguyễn Hữu Long làm thay”.

Cuối phần đối đáp, các luật sư đề nghị hai công tố viên khi luận tội bị cáo, đối đáp với luật sư, cần đưa ra những căn cứ cụ thể, không nêu chung chung kiểu “theo hồ sơ, có đủ căn cứ để buộc tội”, mà trường hợp bị cáo Nguyễn Hữu Long bị cáo buộc nhận tiền từ việc lập danh sách nhân viên tư vấn khống giữa là một ví dụ.

Tuy nhiên, phần đối đáp đã nhanh chóng kết thúc, bởi công tố viên vẫn kết luận “theo hồ sơ, có đủ căn cứ để buộc tội”, không đi thẳng vào các vấn đề luật sư đã nêu. Sau khi các bị cáo được nói lời cuối cùng, HĐXX tuyên bố nghỉ nghị án. Bản án dự kiến sẽ được tòa tuyên chiều 6-7.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.