Về nơi 'lâm tặc' lộng hành

Về nơi 'lâm tặc' lộng hành
TP - Trong vai người đi tìm trầm hương, doanh nhân tìm đất trồng cao su, PV Tiền Phong đã tận thấy sào huyệt của lâm tặc giữa ngút ngàn rừng sâu ở miền tây Quảng Bình.

Kỳ 1: Tàn sát rừng phòng hộ

Đăk Lăk: Lâm tặc uy hiếp trụ sở xã 'đòi' gỗ lậu

Lâm tặc ngang nhiên dùng mìn để phá đá mở đường, bắc cầu... ngay trong rừng phòng hộ. Hàng trăm mét khối gỗ được lâm tặc đưa ra khỏi rừng bằng con đường này.

Nổ mìn phá đá, làm đường

Một người mang theo xấp ảnh, sơ đồ nơi rừng đang bị phá, lặn lội cả mấy chục cây số về TP Đồng Hới tìm gặp PV Tiền Phong: “Nhà báo mà không vào cuộc vụ này thì rừng phòng hộ Long Đại sẽ không còn một cây gỗ để ngắm, họ đang bắt tay nhau phá rừng”.

Trước khi chia tay, người này cho biết thêm, các cơ quan chức năng của huyện Quảng Ninh đã biết vụ này nhưng họ đang muốn ém nhẹm vì tính chất quá nghiêm trọng và liên quan nhiều quan chức địa phương (?!).

Trong vai những người đi tìm đất để trồng cao su, PV Tiền Phong tìm về bản Nà Lâm (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) - nơi người kia cho biết, rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Vào được khu vực này, chỉ duy nhất một con đường độc đạo nối từ đường Hồ Chí Minh, đi qua trung tâm xã Trường Xuân, Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân, vườn trồng cao su của Cty TNHH Hồng Đức, với chiều dài hơn 20km.

Vừa vượt qua vườn cao su của Cty Hồng Đức, PV bắt gặp một người đàn ông chừng 45 tuổi, đang chăn hơn chục con trâu. Người này cho biết tên Lâm, ở xã Xuân Ninh, được đầu nậu thuê lên đây đốn gỗ mấy năm nay.

“Mấy bữa ni động nên anh em rút hết. Tui được giao ở lại chăn trâu để chờ tình hình lắng xuống” - Ông Lâm nói. Ông Lâm còn khoe, đàn trâu của ông có 18 con, giá mỗi con 25 triệu đồng, được đầu nậu gỗ tậu về.

Theo sơ đồ được cung cấp, phía bắc bãi thả trâu của lâm tặc là con đường vận chuyển gỗ. Lâm tặc ngang nhiên dùng mìn phá đá, khai thông một con đường dài chừng 3km. Ngay đầu con đường xuất hiện nhiều vết chân trâu, vệt gỗ trượt trên nền đất.

Những gốc cây to bị chặt sát gốc nằm nhan nhản hai bên đường. Cách cửa rừng chừng 300m, chúng tôi gặp một con dốc khá cao và quanh co, hai bên sườn đá dựng đứng. Nhiều phiến đá to được bẫy lao xuống vực minh chứng cho những vụ nổ mà lâm tặc từng gây ra ở đây.

Ngay phía sau con dốc là dấu vết của 2 lán trại lâm tặc còn để lại, xoong nồi, vật dụng cá nhân nằm ngổn ngang. Ở đây là một khu rừng khá bằng phẳng, chủ yếu chuối rừng và cây cổ thụ, nhiều cây có đường kính lên đến vài ba mét.

Theo quan sát của PV, có vẻ lâm tặc khai thác theo dạng đơn đặt hàng, chỉ tập trung chặt một loại cây. Phần lớn những gốc cây mà lâm tặc cắt gốc bằng cưa máy có đường kính từ 70cm đến vài mét. Dọc theo con đường lâm tặc mở, chúng tôi đếm được trên 50 gốc cây như thế bị đốn hạ còn ứa nhựa.

Con dốc được lâm tặc dùng mìn xuyên thủng
Con dốc được lâm tặc dùng mìn xuyên thủng .

Dân bản kêu không thấu

Bản Nà Lâm có hơn 10 nóc nhà và 42 nhân khẩu nằm ngay cửa rừng. Già làng Hồ Xe cho biết: Lâm tặc vào phá rừng ở đây chừng 3 năm nay và cũng chừng ấy thời gian ông đi gõ cửa các cơ quan chức năng của huyện Quảng Ninh (bằng miệng có, bằng đơn cũng có), nhưng không ai quan tâm.

Cuộc sống của dân bản bị đảo lộn từ khi lâm tặc xuất hiện. Hoa màu bị bầy trâu kéo của lâm tặc tàn phá, bản từng cử người ra canh giữ nhưng không thành vì bầy trâu rất hung dữ, sẵn sàng tấn công người lạ…

Già làng Hồ Xe khẳng định, lâm tặc đưa vào đây 18 con trâu kéo, 1 xe IFA và hai xe công nông đầu ngang. Ít nhất mỗi ngày có 2 xe chở đầy gỗ ra khỏi bản. “Dân bản bất bình nên cử già đi kiện. Không tính hết đã mấy lần già về xã, về huyện phản ánh nhưng không có ai tin lời già.

Sức già thì có hạn nên không đi tỉnh và đi T.Ư được. Rừng đây là rừng phòng hộ không chỉ cho dân bản mà cả xã, cả huyện ni, họ phá như rứa rồi dân bản phải gánh hết sự trừng phạt của thần rừng, thần núi thôi” - già làng Hồ Xe nói.

Khi được biết ở những gốc cây bị chặt hạ có ghi nguyên nhân là do người dân tộc chặt, già làng Hồ Xe bức xúc: “Cả bản chỉ có 42 con người mà toàn là đàn bà trẻ con, sức mô mà đi chặt gỗ? Già biết họ đã bắt tay với nhau cho lâm tặc phá rừng, vì rứa mà già này kiện không thấu. Họ ghi rứa là để đổ tội cho dân bản, mà tránh tội cho lâm tặc đó”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG