Nhiều thủ đoạn lừa bán thiếu nữ qua mạng

Nhiều thủ đoạn lừa bán thiếu nữ qua mạng
TP - Cứu nét, giả vờ yêu đương, hứa hẹn giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái nông thôn kiếm việc làm thu nhập cao; làm quen, rủ rê học sinh, sinh viên nữ bỏ học, trốn nhà đi chơi rồi lừa hoặc khống chế đưa vào các ổ mại dâm ở bên kia biên giới…

'Sốc' khi trẻ em bị hiếp dâm tập thể
> Thành gái mại dâm sau một lần 'cứu nét'
> Ép sử dụng ma túy… để bán dâm

Trên đây là những chiêu phổ biến của tội phạm buôn bán người. “Từ đầu năm 2011 đến nay, mặc dù Công an Hà Nội tập trung đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả, song hoạt động mua bán người vẫn phức tạp”, Công an Hà Nội đánh giá công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn Hà Nội năm 2011.

Trưng ảnh nhà lầu, câu gái nhẹ dạ

Ngày 6-12, trung tá Nguyễn Tiến Tần, Đội trưởng Đội chống tội phạm mua bán phụ nữ - trẻ em (Đội 12), Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội cho biết, đơn vị vừa bắt giữ thêm 3 đối tượng liên quan vụ mua bán người được phát hiện, triệt phá trong tháng 11. Phát hiện 2 đối tượng thường xuyên lên mạng internet để chat và rủ rê các cô gái đi Móng Cái, Quảng Ninh chơi, Đội 12 vào cuộc điều tra, bước đầu bắt giữ 6 đối tượng liên quan, đồng thời phối hợp Công an Móng Cái và lực lượng chức năng của Trung Quốc giải cứu thành công 4 nạn nhân bị
lừa bán.

Cơ quan công an làm rõ, bằng thủ đoạn đăng ảnh những ngôi nhà nguy nga tráng lệ và ảnh chân dung với vẻ ngoài sành điệu lên mạng để làm mồi nhử, từ cuối tháng 7 đến tháng 11-2011, Đỗ Văn Tiên (SN 1991), Vũ Đình Phố (SN 1991) và Vũ Thị Hồng (SN 1995, cùng ở Hưng Yên) đã lừa bán 9 thiếu nữ nhẹ dạ cho các ổ mại dâm ở TQ với giá 15 - 20 triệu đồng/người. Trong đó, Vũ Thị Hồng đã rủ 2 thiếu nữ là bạn học phổ thông ra Hà Nội chơi, rồi lừa bán cho nhóm đối tượng người Việt ở Quảng Tây, TQ. Bản thân Hồng do xích mích với Tiên cũng suýt bị Tiên bán cho ổ mại dâm.

Trước đó, Công an Hà Nội cũng triệt phá ổ nhóm mua bán trẻ em, bắt giam 4 đối tượng, trong đó có 2 tú bà người Việt. Cũng với thủ đoạn chát chít làm quen trên mạng, Vũ Văn Ca (SN 1989) và vợ là Quách Hoa Phượng (SN 1991) đã lừa rủ cháu T.N.H (SN 1997, ở quận Hoàng Mai) lên Lào Cai chơi, bán qua biên giới làm gái mại dâm.

Bi kịch từ việc cứu nét

Từ các vụ án đã khám phá, Công an Hà Nội nhận định: Qua chát hoặc từ việc cứu nét, các đối tượng buôn người giả vờ tán tỉnh, yêu đương; hứa hẹn giúp đỡ kiếm việc làm có thu nhập cao; rủ rê các em học sinh, sinh viên đua đòi, bỏ học, bỏ gia đình đi chơi rồi lừa bán vào các ổ mại dâm. Có trường hợp các đối tượng khống chế, cưỡng ép nạn nhân bằng các hình thức như hiếp dâm rồi quay phim khống chế, đánh đập, cưỡng ép nạn nhân bán dâm. Thậm chí, có trường hợp nạn nhân bị rao bán luôn trên mạng internet.

Điển hình như chuyên án 195P mới đây, Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp 6 đối tượng dùng thủ đoạn cứu nét rồi khống chế, cưỡng ép các nạn nhân trả nợ bằng việc phục vụ tại một quán karaoke ở thị trấn Bần, Hưng Yên. Từ đầu năm 2011 đến tháng 7-2011, nhóm này đã bán 6 nạn nhân vào ổ mại dâm trá hình trên. Hoặc như vụ Phạm Văn Huấn và Đặng Thanh Tùng (quê Hải Dương) làm quen qua chát với em Nguyễn Thị N. (SN 1993, quê Nam Định), lừa đưa N. lên Hà Nội rồi rao bán trên mạng. Rất may, vụ việc được Công an Hà Nội kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

“Hà Nội là nơi tập trung nhiều người ở các tỉnh về thuê làm ăn, sinh sống, có nhiều tuyến giao thông đi các địa phương. Lợi dụng địa bàn rộng, phức tạp, các đối tượng mua bán người thường lựa chọn là nơi tập kết, trung chuyển phụ nữ, trẻ em đưa đi các tỉnh biên giới bán sang TQ. Ngoài ra, đối tượng mua bán người hoạt động lưu động, liên quan đến nhiều địa phương, có sự câu kết với các đối tượng nước ngoài rất khó khăn cho công tác điều tra” - một lãnh đạo Phòng CSHS Hà Nội nói.

Từ đầu năm 2011 đến trước thời điểm bóc gỡ vụ án buôn bán người của Đỗ Văn Tiên và đồng bọn, Công an Hà Nội đã khám phá 11 ổ nhóm mua bán người, bắt 29 đối tượng, làm rõ và giải cứu 24 nạn nhân bị mua bán.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.