Hội thẩm nhân dân, họ là ai?

Hội thẩm nhân dân, họ là ai?
TP - Theo luật tố tụng hình sự hiện hành, hội thẩm nhân dân chỉ tham gia xét xử các phiên toà hình sự sơ thẩm. Họ chủ yếu tham gia các vụ án thuộc thẩm quyền toà án cấp huyện, và những vụ án do toà án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm.

Các phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm, không có hội thẩm nhân dân tham gia.

Từng có nhiều ý kiến, Nhà nước nên bãi bỏ quy định hội thẩm nhân dân tham gia công tác xét xử của toà án. Thực tế cho thấy vai trò của họ thường rất mờ nhạt. Rất nhiều phiên toà, hội thẩm chỉ ngồi “làm vì”, không cất giọng hỏi đương sự được một câu nào.

Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện cải cách tư pháp, vai trò và trách nhiệm của các thẩm phán được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, người ta chưa thấy sự thay đổi đáng kể về vai trò và trách nhiệm của hội thẩm nhân dân.

Từng theo dõi nhiều phiên toà, tôi ủng hộ bãi bỏ sự tham gia của hội thẩm nhân dân ở cấp xét xử sơ thẩm, bởi tin rằng điều đó sẽ giảm được một khoản chi cho ngân sách Nhà nước, mà lại giúp nâng cao được chất lượng công tác xét xử.

Tuy nhiên, theo tôi, hội thẩm nhân dân lại thực sự cần thiết ở những phiên toà giám đốc thẩm.

Số lượng các vụ án phải xét xử giám đốc thẩm không nhiều, vì vậy, nếu quy định này được áp dụng, đội ngũ hội thẩm nhân dân sẽ không lớn, không gây tốn kém kinh phí.

Điều quan trọng là nếu có hội thẩm nhân dân tham gia, tính khách quan của các phiên toà giám đốc thẩm sẽ được nâng lên, nhất là ở những vụ án có dấu hiệu oan sai mà cấp phúc thẩm do Toà án nhân dân tối cao xét xử.

Giả sử Nguyễn Văn A bị Toà án nhân dân tối cao tuyên phạm tội, sau đó bản án bị kháng nghị theo hướng A không phạm tội. Khi ấy, liệu các thẩm phán phiên toà giám đốc thẩm có động cơ để đi sâu tìm tòi, xem xét các tài liệu, chứng cứ có lợi cho lời kêu oan của A? Liệu họ có mạnh dạn vạch ra các sai phạm tố tụng, để kết luận các tài liệu dùng để cột tội A không đủ giá trị pháp lý? Liệu họ có sẵn sàng tuyên “Nguyễn Văn A không phạm tội”, để rồi sau đó, chính họ đứng ra xin lỗi và bồi thường cho A?

Câu trả lời hợp logic: “Các thẩm phán có lẽ không sẵn sàng cho việc đó”. Và câu hỏi hợp logic tiếp theo: “Những người nào thích hợp với vai trò hội thẩm nhân dân trong vụ án Nguyễn Văn A?”.

Có rất đông những người như vậy. Đó là các luật sư, giảng viên các trường luật, cán bộ các viện nghiên cứu pháp luật, đại biểu Quốc hội chuyên trách về pháp luật... Họ phải có kinh nghiệm và uy tín, và cần được trả tiền xứng đáng cho những giờ nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên toà.

Những ai theo dõi vụ án ba thanh niên làng Yên Nghĩa - Hà Đông bị kết tội hiếp dâm và cướp tài sản, báo chí gọi ngắn gọn là “kỳ án hiếp dâm”, có lẽ sẽ đồng ý với những đề xuất trong bài viết này, bởi nhận thấy nó phù hợp với các mục tiêu mà cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG