Bốn nạn nhân tử vong, 61 gia đình khốn đốn vì 'cò'

Bốn nạn nhân tử vong, 61 gia đình khốn đốn vì 'cò'
TP - Như tin đã đưa, sau gần 2 năm điều tra, Công an Đắk Lắk vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng”, đề nghị truy tố Nguyễn Thị Hoa cùng 7 bị can.

> Đề nghị truy tố 'cò' Hoa và 7 bị can

Chân dung và hồ sơ điều tra về cò Hoa
Chân dung và hồ sơ điều tra về cò Hoa.

Đến thời điểm này, đã có 4 nạn nhân của “cò” Hoa qua đời, hàng chục gia đình khác lâm cảnh nợ nần khốn đốn.

Lừa chiếm 29 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Hoa (SN 1970) khởi nghiệp và nhanh chóng giàu có từ việc làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng”.

Song, thực tế toàn bộ tài sản vợ chồng Hoa đều thế chấp ngân hàng, “văn phòng giao dịch” của Hoa chỉ là nhà đi thuê.

Để lừa đảo mọi người và thuận lợi hành nghề cho vay nặng lãi, Hoa luôn khoác bộ cánh khá giả.

Tháng 9-2008, biết mình khó trả khoản nợ hơn 8 tỷ đồng, Hoa móc nối nhờ một số cán bộ địa phương và ngân hàng tạo điều kiện cho Hoa “vay ké” vào những bộ hồ sơ do người dân đến nhờ Hoa làm cò vay vốn.

Nhận ra thủ tục cho vay và đáo hạn ở Phòng giao dịch Tân Lợi- Chi nhánh Agribank Đắk Lắk có nhiều kẽ hở, Hoa dễ dàng thuyết phục những người dân giao sổ đỏ và các giấy tờ khác để Hoa lo trọn gói, thậm chí để Hoa nhận tiền từ ngân hàng về rồi trích lại cho họ khoản tiền cần vay, sau khi cấn trừ các loại phí dịch vụ do Hoa tự đặt ra.

Được sự tiếp tay của một số cán bộ UBND xã Hòa Thắng, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Buôn Ma Thuột, cán bộ phòng Giao dịch Tân Lợi, Hoa nhiều lần giả chữ ký người vay vốn, tự ý điền số tiền vay lớn hơn để chiếm đoạt số tiền “vay ké” từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi hồ sơ.

Khi hợp đồng vay hết hạn, bị phía ngân hàng đòi nợ, dọa siết tài sản, các nạn nhân đến đòi Hoa tiền vay ké, bị Hoa phủi tay. Đến lúc này, họ mới biết mình đã bị co Hoa lừa đảo.

Sau một quá trình điều tra, từ 7-10-2010, Tiền Phong bắt đầu khởi đăng loạt bài “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng”.

Kết quả, ngày 25-10-2010, Công an tỉnh Đắk Lắk ký quyết định khởi tố đầu tiên trong vụ án lừa đảo do cò Hoa cầm đầu. Đến nay, ngoài cò Hoa, còn 7 đối tượng khác bị khởi tố, trong đó có 4 cán bộ ngân hàng và 3 cán bộ xã
Hòa Thắng.

Hậu quả đau lòng

Cũng theo bản KLĐT, ngoài những gia đình xung đột, bất hòa thậm chí chia lìa vì hành vi lừa đảo của cò Hoa, có 3 nạn nhân của cò Hoa đã tử vong.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, 2 ngày trước khi bản KLĐT số 53 ngày 12-6-2012 được ký, đã có thêm một nạn nhân nữa của cò Hoa lìa đời. Đó là ông Hà Văn Đức, người bị Hoa lừa vay ké 250 triệu đồng.

Theo tài liệu điều tra, khi ông Đức giao bìa đỏ lô nhà đất trị giá chưa tới 200 triệu đồng nhờ cò Hoa vay giúp 150 triệu đồng, cán bộ tín dụng đã nâng giá tài sản thế chấp này lên 800 triệu để cò vay tới 400 triệu.

Gia sản khánh kiệt, bà Xim vợ ông Đức phải xuống Bình Dương làm thuê, kiếm tiền gửi về cho chồng nuôi con và mẹ già hơn 80 tuổi liệt giường. Trưa 10-6-2012, hàng xóm phát hiện ông Đức chết vì đột quỵ, tay ôm áo của 2 con gái nhỏ.

Trước đó, nạn nhân đầu tiên tự tử, để lại lá thư tuyệt mệnh đầy tủi hận nhằm “đánh động dư luận” là chị Đào Thị Phúc, người bị cò Hoa lừa vay ké 90 triệu đồng rồi quỵt.

Chị Phúc treo cổ tự tử trong chòi rẫy ngày 29-8-2010. Đến ngày 3-4-2011, do quá đau buồn trước cái chết của vợ, cộng với món nợ ngân hàng quá lớn, anh Nguyễn Hậu (chồng chị Phúc) cũng đâm đầu xuống giếng tự sát, để lại 2 con thơ bé.

Một nạn nhân khác là ông Đinh Thế Nghiêm (63 tuổi) vay 40 triệu nhưng bị cò Hoa lừa lấy sổ đỏ, giả chữ ký vay đến 500 triệu đồng. Bị ngân hàng thúc, cò Hoa quỵt nợ, ngày 29-4-2010 ông Nghiêm xuống TPHCM vay tiền người thân không được, về tới bến xe đã chết do đột quỵ.

Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Số bị hại trong vụ án lên đến 61 hộ, phần lớn là dân nghèo. Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện kiểm sát để đề nghị truy tố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG