Cán bộ sai, dân lĩnh đủ

Cán bộ sai, dân lĩnh đủ
TP - Ông Trần Văn Đông (ở phường 4, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) được Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng giao đất trồng cao su, thời hạn 50 năm. Nhưng, khi vườn cao su của ông vừa tới thời điểm thu hoạch lại bị chính quyền ra văn bản cưỡng chế, buộc chặt bỏ.

> Nhiều đơn vị sai, dân dài cổ chờ đền bù

Giao nhầm đất trồng rừng

Ngày 9-9-2004, Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ (BQLDARPH) Dầu Tiếng (Sở NN&PTNT Tây Ninh) ký hợp đồng số 113/HĐ.DADT, theo đó giao khoán đất trồng cao su cho ông Trần Văn Đông với diện tích 21ha, trên địa bàn huyện Tân Châu, thời hạn đến ngày 9-9-2054.

Sau khi được giao đất, ông Đông đã vay tiền ngân hàng, người thân, bỏ nhiều công sức để cải tạo khu đất, mua cây cao su giống về trồng trên diện tích 21ha này.

Ông Đông cho biết, cây cao su sau khi trồng, chăm sóc khoảng 5-6 năm sẽ cho thu hoạch mủ và có thể khai thác trong 20 năm liền. Mật độ trồng cao su trung bình khoảng 500 cây/ha.

Khi hết thời gian thu hoạch, thân cây cao su sẽ được bán với giá 2 - 2,5 triệu đồng/cây.

Tính theo giá thị trường hiện nay, 1 ha cây cao su có tuổi đời từ 5 - 6 năm tuổi trị giá khoảng 700 - 800 triệu đồng. Như vậy, 21ha cây cao su của ông Trần Văn Đông giá khoảng 15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đông chưa kịp thu được đồng nào từ vườn cao su, bất ngờ ngày 25-5-2010, BQLDARPH Dầu Tiếng ra Thông báo thu hồi hợp đồng số 113, với lý do trước đây BQLDARPH Dầu Tiếng chưa xác định được ranh giới cụ thể giữa khu vực trồng cao su, cây ăn trái và khu vực trồng rừng.

Vì thế, BQLDARPH Dầu Tiếng đã lập hợp đồng giao khoán đất trồng cao su bao trùm lên khu vực đất quy hoạch trồng rừng.

Đẩy lỗi cho dân

Tiếp đó, ngày 19-7-2010, UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 1371/QĐ-UBND, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Trần Văn Đông, với lý do sử dụng đất không đúng mục đích trên diện tích 4,9ha.

UBND huyện buộc ông Đông phải chặt bỏ diện tích cây trồng (cao su) không đúng mục đích và trả lại 4,9ha đất trong 21ha đất cho BQLDARPH Dầu Tiếng.

Điều đáng nói, nội dung hợp đồng số 113/HĐ.DADT cũng nêu rõ BQLDARPH Dầu Tiếng có nghĩa vụ xác định đúng diện tích, vị trí, ranh giới đất nhận khoán trên bản đồ và thực địa. Song cơ quan này lại giao nhầm 4,9ha đất rừng phòng hộ cho người dân trồng cao su.

Lẽ ra, BQLDARPH Dầu Tiếng phải nhận trách nhiệm về sai sót của mình, nhưng các ban ngành chức năng tại đây lại đổ lỗi cho người dân bằng việc ra văn bản thu hồi hợp đồng và xử phạt hành chính, đẩy gia đình ông Đông trước nguy cơ trắng tay.

Ông Lê Minh Thuần (Giám đốc BQLDARPH Dầu Tiếng) khẳng định vụ việc do lỗi của giám đốc đời trước
Ông Lê Minh Thuần (Giám đốc BQLDARPH Dầu Tiếng) khẳng định vụ việc do lỗi của giám đốc đời trước.

Cần xử lý thấu đáo 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Minh Thuần (Giám đốc BQLDARPH Dầu Tiếng) cho biết, trong 21ha giao cho ông Đông trồng cao su có 4,9ha là đất rừng phòng hộ, do đo đạc không chính xác nên đã giao nhầm cho người dân trồng cao su.

Nguyên tắc của rừng phòng hộ là phải trồng 2 loại cây. Ông Thuần cũng cho rằng, đây là lỗi của vị giám đốc trước đây, ông Thuần mới làm Giám đốc BQLDARPH Dầu Tiếng từ năm 2008, trong khi hợp đồng giao đất được ký kết từ năm 2004 nên ông không nắm rõ nội dung.

Để khắc phục việc này, trước mắt ông Thuần đề nghị ông Trần Văn Đông chặt theo băng (chặt 3 hàng, chừa 3 hàng) một nửa số cây cao su trên diện tích 4,9ha và trồng thay thế vào đó là cây dầu để đảm bảo theo đúng quy hoạch trồng rừng phòng hộ. Tiếp đó, BQLDARPH Dầu Tiếng sẽ có phương án bồi thường thiệt hại cho ông Đông.

Tuy nhiên, ông Đông cho rằng, nếu chặt một nửa diện tích cao su theo băng thì cũng coi như chặt hết.

Lý do là cây cao su phải trồng dựa vào nhau, nếu chặt một nửa, nửa kia gặp gió nhẹ cũng sẽ bị đổ ngã. Ông Đông chỉ chấp nhận chặt 50% cây cao su theo đám, có nghĩa là chặt hết 2,45ha trong số diện tích 4,9ha, sau đó ông sẽ trồng cây dầu thay thế.

Nếu không, BQLDARPH Dầu Tiếng phải bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Đông diện tích cao su trên theo giá thị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG